Tiến trình đàm phán hòa bình Trung Ðông trắc trở

NDO - Theo Tân Hoa xã, ngày 26-8, cuộc đàm phán hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin tại Gie-ri-chô theo kế hoạch diễn ra vào trưa 26-8, đã bị hủy bỏ sau vụ lực lượng an ninh I-xra-en bắn chết ba người Pa-le-xtin, làm bị thương 19 người trong vụ đụng độ tại trại tị nạn Qua-lan-di-a ở Bờ Tây sáng cùng ngày.

Trong khi đó, I-xra-en cho biết, lực lượng biên phòng nước này chỉ giải tán một đám đông gồm 1.500 người ném gạch đá, gây nguy hiểm tới tính mạng của lực lượng an ninh I-xra-en. Cùng ngày, Hãng tin Roi-tơ dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ thông tin cuộc đàm phán hòa bình Trung Ðông bị hủy bỏ. Cuộc đàm phán trực tiếp I-xra-en - Pa-le-xtin đã chính thức tái khởi động ngày 30-7 vừa qua sau ba năm gián đoạn do I-xra-en mở rộng khu định cư ở Bờ Tây và Ðông Giê-ru-xa-lem.

Vòng đàm phán thứ hai và thứ ba đã diễn ra tại Giê-ru-xa-lem trong tháng 8. Tuy nhiên, người phát ngôn của Tổng thống Pa-le-xtin cảnh báo, vụ lực lượng an ninh trấn áp người Pa-le-xtin sẽ gây hậu quả tiêu cực đối với tiến trình hòa bình Trung Ðông.

* Cùng ngày, người phát ngôn của LHQ M.Nê-xơ-ki cho biết, các tay súng bắn tỉa giấu mặt đã nổ súng nhằm vào nhóm chuyên gia vũ khí hóa học của LHQ đang có mặt tại Xy-ri, buộc họ phải tạm ngừng các nỗ lực điều tra về những cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học trong một cuộc tiến công đẫm máu tại An Gu-ta, phía đông Thủ đô Ða-mát. Vụ việc làm dấy lên quan ngại về tình hình an ninh ngày càng xấu đi tại Xy-ri. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga dẫn phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao nước này X.La-vrốp trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ G.Ke-ri cho biết, Mát-xcơ-va đã cảnh báo Oa-sinh-tơn về "những hậu quả cực kỳ nguy hiểm" nếu phát động hành động quân sự tại Xy-ri.

* Tân Hoa xã cùng ngày đưa tin, ít nhất 45 người thiệt mạng và 113 người bị thương trong các vụ đánh bom riêng rẽ và xả súng trên khắp đất nước I-rắc trong 24 giờ qua. Tình hình an ninh tại I-rắc xấu đi sau khi lực lượng an ninh nước này trấn áp những người biểu tình ở phía bắc đất nước, kéo theo làn sóng đụng độ giữa các bộ lạc của người Hồi giáo với lực lượng an ninh I-rắc trên cả nước. Các vụ tiến công khiến cộng đồng quốc tế lo ngại I-rắc có nguy cơ trở lại thời kỳ đỉnh điểm của các cuộc xung đột giáo phái.