Sau 1 năm bị Bayern đánh bại, Barca đã sẵn sàng rửa hận?

NDO -

Đã trôi qua 1 năm nhưng ký ức về thất bại 2-8 trước Bayern Munich vẫn còn sống động trong tâm trí Barcelona. Tái ngộ đối thủ cũ lần này, có vẻ vẫn là quá sớm với họ.

Barca trong trận thua 2-8 đau đớn trước Bayern vào tháng 8/2020. (Ảnh: Getty Images)
Barca trong trận thua 2-8 đau đớn trước Bayern vào tháng 8/2020. (Ảnh: Getty Images)

Thất bại luôn là điều tồi tệ nhất trong bóng đá. Nhưng ở một vài trường hợp, nó mang đến động lực để thay đổi. 

Trước tháng 8/2020, tất cả đều nhìn thấy vấn đề của Barca. Phong độ đi xuống trên sân cỏ chỉ là sự trả giá cho những sai lầm từ thượng tầng, nhưng không ai thừa nhận điều đó. Những quyết định phóng túng, đầy ngẫu hứng và thiếu cân nhắc liên tiếp được đưa ra. Không có dấu hiệu cho thấy nó sẽ dừng lại.

Cho đến trận tứ kết Champions League 2019/20 diễn ra ở Lisbon. Đêm hôm ấy, đội bóng từng là biểu tượng thành công được dẫn dắt bởi Lionel Messi vĩ đại bị Bayern nghiền nát với tỷ số 2-8. Tê tái, bàng hoàng và xấu hổ, cơn đại hồng thủy đã phơi bày mọi vấn đề của Barca. Trung vệ Gerard Pique nói rằng “đội bóng đã chạm đáy và cần một sự thay đổi sâu rộng ngay lập tức”.

Hầu hết đều hiểu tính cấp bách của một cuộc cách mạng, nhưng phải bắt đầu từ đâu khi gốc rễ của sự mục ruỗng xuất phát từ những người điều hành CLB, cao nhất là Chủ tịch Josep Bartomeu? Những động thái mà Bartomeu đưa ra chỉ khiến tình hình trầm trọng thêm.

Ông ta quyết định đẩy Luis Suarez ra khỏi Nou Camp bằng cửa hậu, để rồi tiền đạo người Uruguay trả lời bằng 21 bàn thắng giúp Atletico lên ngôi vô địch La Liga 2020/21. Các bản hợp đồng kỳ lạ lại tiếp tục với vụ trao đổi Athur lấy Miralem Pjanic, người hiện bị đẩy sang Besiktas theo dạng cho mượn. 

Và ông ta quyết giữ lại Lionel Messi, người đã gửi fax yêu cầu ra đi chỉ vài ngày sau thất bại ê chề ở Lisbon. Thật khó để nói nỗ lực đó đáng được khen thưởng, bởi chỉ 1 năm sau, Barca buộc phải để Messi đi theo dạng tự do. Nếu bán vào cuối mùa hè 2020, ít nhất họ cũng có thể thu về nhiều triệu euro và tiết kiệm một khoản lương tương tự.

Rồi Bartomeu cũng ra đi, để lại đống đổ nát cho Joan Laporta. Cuộc cách mạng giờ mới bắt đầu. Tuy nhiên sự hào hứng ban đầu của vị tân Chủ tịch nhanh chóng biến mất, nhường chỗ sự kinh hoàng. Tình hình tài chính của Barca khủng khiếp hơn so với dự đoán. Những khoản nợ khổng lồ cũng yêu cầu bắt buộc phải giảm phần lớn quỹ lương khiến Laporta phải thực hiện những quyết định khó khăn, bao gồm việc chia tay huyền thoại làm nên đế chế, là Messi. 

Laporta đã cố gắng xoay sở, và HLV Ronald Koeman cũng cố gắng để thiết lập một đội bóng không tệ. Barca đang bất bại sau 3 trận đầu mùa giải mới (thắng 2 hòa 1), đồng thời cho thấy dấu hiệu về tính tập thể, tinh thần đoàn kết cùng lối chơi đa dạng, giàu sức sống. Memphis Depay không thể so sánh với Messi, song tân binh người Hà Lan có thể ghi bàn và kiến tạo. Bên cạnh Depay còn có Martin Braithwaite, Sergi Roberto hay Frenkie de Jong cũng biết cách làm nên bàn thắng. 

Tuy nhiên Barca này chưa sẵn sàng để đối đầu với Bayern. Chơi trên sân nhà họ vẫn bị xếp cửa dưới. Một đội hình chắp vá lại bị tàn phá vì chấn thương rõ ràng không phù hợp để nghĩ đến chuyện rửa hận.

Phải thành thực, Bayern ở một đẳng cấp khác so với Barca hồi ở Lisbon và cả hiện tại. Mặc dù cũng có một vài thay đổi so với cách đây 1 năm nhưng nhà vô địch Đức vẫn là một tập thể được xây dựng tốt hơn và mạnh mẽ hơn. Họ cũng quen với việc chiến thắng và họ không tham dự Champions League chỉ để đánh bại Barca. Mục tiêu của Bayern là vô địch giải đấu và có khả năng hiện thực điều đó. Còn Barca, tiếp tục đi những bước khó khăn để vượt qua thời kỳ khủng hoảng. Trước mắt họ là cả một chặng đường dài.