Hy vọng mới trong phòng chống bệnh sốt rét

NDO - NDĐT- Các nhà khoa học Mỹ vừa tìm ra một phương pháp mới có khả năng giúp kiểm soát dịch sốt rét trên toàn cầu. Họ đã đưa loại vi khuẩn lây nhiễm vào cơ thể các con muỗi để giúp những con muỗi này kháng lại các ký sinh trùng sốt rét.
Hy vọng mới trong phòng chống bệnh sốt rét

Sốt rét là một đại dịch toàn cầu. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm thế giới có khoảng 220 triệu người bị nhiễm bệnh sốt rét, trong đó khoảng 660 nghìn người tử vong. Các loài côn trùng là tác nhân chính giúp lan truyền bệnh sốt rét, bởi vậy việc giúp cho các loại muỗi có khả năng miễn dịch với các ký sinh trùng sốt rét có thể giúp giảm các ca bệnh sốt rét.

Các nhà khoa học trường ĐH bang Michigan (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu một loại vi khuẩn có tên là Wolbachia, vốn thường lây nhiễm vào các loại côn trùng. Loại vi khuẩn này chỉ truyền từ con cái sang những ấu trùng mà nó sinh ra. Loại vi khuẩn này còn có khả năng thao túng một số loài côn trùng nhằm tăng số lượng con cái được sinh ra để phục vụ cho việc lan truyền của nó.

Trên một số loài bướm và bọ rùa, vi khuẩn Wolbachia có thể tiêu diệt các phôi đực, chỉ để lại các phôi cái. Trong một số trường hợp, nó có thể tạo ra những con đực chỉ có khả năng giao phối với các con cái bị nhiễm vi khuẩn, thậm chí nó còn có khả năng giúp một số con ong vò vẽ tự sinh sản mà không cần tới con đực.

Các con muỗi Anopheles mang theo ký sinh trùng sốt rét thường không bị nhiễm vi khuẩn Wolbachia, và cho tới nay, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã cho thấy những con muỗi này khi bị cho lây nhiễm tạm thời loại vi khuẩn Wolbachia đã giúp chúng kháng lại các ký sinh trùng sốt rét.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với các nhà khoa học là làm sao có thể biến sự lây nhiễm tạm thời thành một dạng lây nhiễm có thể truyền từ con này sang con khác. Nhóm nghiên cứu đã tìm ra một chủng vi khuẩn Wolbachia có khả năng tồn tại trên một loài muỗi có tên là Anopheles stephensi trong suốt thời gian diễn ra cuộc nghiên cứu, thông qua 34 thế hệ.

Các ký sinh trùng sốt rét hầu như không thể sống ký sinh được trên những con muỗi này, với lượng ký sinh trùng thấp chỉ bằng một phần tư so với những con muỗi không bị nhiễm vi khuẩn.

Một nghiên cứu khác được thực hiện tại Australia cũng đã phát hiện được một chủng vi khuẩn Wolbachia khác còn có thể ngăn chặn sự lây lan của dịch sốt xuất huyết do muỗi truyền nhiễm. Nghiên cứu này đã được đưa ra thử nghiệm trên quy mô lớn trong tự nhiên và đã chứng tỏ là có hiệu quả. Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Các bệnh dịch Truyền nhiễm và Dị ứng Quốc gia Mỹ, nói rằng nghiên cứu tại Australia đã cho thấy người ta có thể áp dụng phương pháp tương tự để chống lại dịch sốt rét.

Tuy nhiên, theo TS David Conway, Trường Y khoa Nhiệt đới và Vệ sinh London thì những con muỗi cái bị nhiễm vi khuẩn đẻ ít trứng hơn những con không bị nhiễm và điều đó có nghĩa là sự lây nhiễm vi khuẩn sẽ rất khó diễn ra trong thực tế.

Ông cũng cảnh báo rằng phương pháp lây nhiễm mới này mới chỉ được thử nghiệm trên một loài muỗi là Anopheles stephensi, chuyên truyền nhiễm dịch sốt rét ở Trung Đông và Nam Á. Còn một loài khác có tên là Anopheles gambiae sống ở châu Phi còn nguy hiểm hơn nhiều. Một thành viên nhóm nghiên cứu, TS Zhiyong Xi, nói: “Chúng tôi mới chỉ thí nghiệm trên một loài muỗi. Nếu chúng tôi muốn thử nghiệm trên loài Anopheles gambiae thì chúng tôi có thể sẽ phải áp dụng lại từ đầu kỹ thuật này.

Ông cũng nói thêm rằng nhóm nghiên cứu hy vọng phương pháp lây nhiễm vi khuẩn Wolbachia lên muỗi sẽ trở thành một biện pháp kiểm soát dịch sốt rét hữu hiệu, cùng với các công cụ phòng dịch phổ biến hiện nay, thí dụ như màn chống muỗi và các loại thuốc diệt muỗi khác.