Thúc đẩy chính sách quốc gia về an toàn vệ sinh lao động và Công ước quốc tế 187

Ngày 17-3, tại TP Huế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổ chức Lao động quốc tế, UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế và Tổ chức Mạng an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) ASEAN phối hợp tổ chức hội thảo thúc đẩy chính sách quốc gia về an toàn vệ sinh lao động và Công ước quốc tế 187 về khung chính sách thúc đẩy ATVSLĐ.

Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế 187, trong đó, Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu không có tai nạn lao động, cháy nổ tại nơi làm việc. Để thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, cải thiện đời sống của người lao động và môi trường lao động, Việt Nam đã đưa ra tiêu chí và hành động mỗi việc làm, mỗi người trong xã hội trước khi làm cần có một tư duy suy nghĩ hành động vì mục tiêu không để xảy ra tai nạn nổ, cháy và mất an toàn ở nơi làm việc.

Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các nước đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện ATVSLĐ, cũng như kinh nghiệm về triển khai thực hiện hiệu quả Công ước 187 ở Việt Nam và các nước ASEAN.

* Nhận diện biểu hiện vi phạm đạo đức của một số người làm báo

Ngày 17-3, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Viện KAS (CHLB Đức) tổ chức hội thảo "Đạo đức nghề báo trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin". Tham luận của các đại biểu đến từ Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí trung ương cũng như các địa phương chỉ rõ nhiều vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một số nhà báo phổ biến như: vi phạm pháp luật do nhận thức non kém về chính trị; do thiếu kiến thức, trong đó có thiếu kiến thức pháp luật, nhất là Luật Báo chí và các văn bản pháp luật liên quan; ý thức công dân kém, cố tình vi phạm để mưu lợi; yếu kém về nghiệp vụ báo chí, nhất là trong quy trình khai thác và xử lý nguồn tin; thiếu rèn luyện về phẩm chất, đạo đức...

Để làm tốt vai trò của mình, mỗi người làm báo cần thấm nhuần hơn nữa trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong việc thông tin, hướng dẫn dư luận xã hội. Các nhà báo không được đi chệch các quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, vi phạm Luật Báo chí và hạ thấp phẩm chất người làm báo Việt Nam...