Mạng lưới phòng, chống bệnh tiểu đường quá mỏng

Ở nước ta, điều tra dịch tễ học chưa đầy đủ gần đây của ngành nội tiết cho thấy tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường trong cộng đồng khoảng 5%. Ðây là con số đáng báo động, khiến chúng ta phải có kế hoạch giải pháp phòng, chống một cách tích cực hơn.

Một cán bộ có trách nhiệm của Bệnh viện Nội tiết T.Ư dẫn tôi đi từ khoa khám bệnh đông nghịt người, lên tầng 2 thăm các khoa điều trị. Nhìn qua mấy buồng bệnh chẳng còn chỗ trống, thậm chí không ít giường phải nằm hai nguời.

Hỏi chuyện bà Phạm Thị Nhâm, 65 tuổi, quê ở Phủ Lý (Hà Nam), bà cho biết mắc bệnh tiểu đường gần mười năm nay, từ năm ngoái bắt đầu có hiện tượng biến chứng ra bàn chân. Mỗi năm, bà bị đau vài ba đợt, may có con cháu đưa lên Hà Nội điều trị, mới kìm hãm sự tiến triển của biến chứng.

Còn chị Trần Thị Mai, ở Hà Nội, "dính" căn bệnh này đã năm năm, không phải nằm nội trú nhưng hằng tháng phải vào viện kiểm tra và lấy thuốc về điều trị. Thỉnh thoảng hạ đường huyết phải đi cấp cứu, đành xin cơ quan nghỉ việc.

Có thể nói tiểu đường là căn bệnh toàn cầu, và có tốc độ phát triển khá nhanh. Nếu năm 2000, trên thế giới có hơn 150 triệu người mắc bệnh thì dự báo khả năng đến sau năm 2020 sẽ có khoảng 330 triệu trường hợp mắc tiểu đường.

Trong đó khu vực Tây Thái Bình Dương và Ðông - Nam Á là nơi có số người mắc bệnh tiểu đường cao nhất. Ðáng chú ý, đây cũng là căn bệnh gây tử vong đứng hàng thứ tư trong các loại bệnh lý. So với các căn bệnh khác, tiểu đường gây tốn kém tài chính khá lớn.

Trước năm 2000, thế giới đã phải chi khoảng 1.030 tỷ USD, trong đó phần lớn chi cho việc điều trị các biến chứng của bệnh tiểu đường. Và điều đáng báo động là tiểu đường týp 2 đang ngày càng xuất hiện nhiều ở lứa tuổi trẻ, độ tuổi lao động chính trong các gia đình.

Ở nước ta, điều tra dịch tễ học gần đây của Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho thấy khu vực đô thị, qua khảo sát, xét nghiệm tình hình rối loạn dung nạp glucose và rối loạn đường huyết lúc đói tăng khá cao; bởi vậy số người mắc bệnh tiểu đường tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng,... lên tới 7 - 10%.

Các nhà chuyện môn dự báo, sau năm 2020, nước ta có khoảng hai triệu người mắc tiểu đường, phần lớn ở độ tuổi từ 30 đến 65. Cũng do nhận thức của người dân, khả năng phòng bệnh trong cộng đồng còn thấp, năng lực của mạng  lưới y tế tuyến dưới non kém cho nên khi phát hiện ra bệnh thì tỷ lệ người mắc tiểu đường týp 2 (chiếm 80 - 90%) chuyển sang giai đoạn nảy sinh các biến chứng tăng huyết áp, tim, mạch, suy thận, bệnh về mắt và lở loét chân, dẫn tới cắt cụt chi.

Tổ chức Y tế thế giới nhận định sau năm 2020, dự báo bệnh tiểu đường tăng 42% ở các nước phát triển, còn tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, căn bệnh này sẽ tăng khoảng 170%.

Quả thật, trong sự thay đổi mô hình bệnh tật những năm cuối thế kỷ 20 sang thế kỷ 21, tiểu đường là căn bệnh điển hình.

Một thực tế đáng quan tâm ở nước ta là mạng lưới phòng, chống bệnh tiểu đường còn quá "mỏng". Ðến nay, theo PGS, TS Tạ Văn Bình, ngoài Bệnh viện Nội tiết T.Ư, biên chế 150 giường điều trị nhưng đã  phải  kê  thêm  gần 130 giường  (công suất sử dụng giường bệnh luôn ở mức hơn 200%) thì cả nước mới có khoảng 30 trung tâm nội tiết hoặc khoa nội tiết trong một số bệnh viện đa khoa tỉnh. Riêng y tế tuyến huyện và xã dường như "vắng bóng" các thầy thuốc có chuyên môn về nội tiết.

Ðáng lo ngại hơn là số cán bộ y tế có khả năng khám, phát hiện và điều trị bệnh tiểu đường không chỉ thiếu trầm trọng về số lượng, mà còn không bảo đảm chất lượng do thiếu điều kiện được cập nhật các kiến thức mới về bệnh rối loạn chuyển hóa, tình trạng biến chứng của tiểu đường. Ðiều này cắt nghĩa vì sao không ít người bệnh ở địa bàn vùng cao, vùng xa như Hà Giang, Sơn La, Quảng Bình, Quảng Trị phải lặn lội ra Hà Nội để điều trị bệnh.

Từ tháng 6-2000, nước ta đã trở thành thành viên của Hiệp hội phòng, chống bệnh tiểu đường khu vực Tây Thái Bình Dương. Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 77/QÐ/TTg về "Dự án phòng, chống các bệnh không lây nhiễm" trong đó có bệnh tiểu đường.

Năm 2009, Chính phủ sẽ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống bệnh tiểu đường. Một dự án xây dựng mới Bệnh viện Nội tiết T.Ư (đặt ở huyện Thanh Trì) với trang thiết bị hiện đại đang được triển khai, và theo kế hoạch hai tòa nhà chín tầng và năm tầng sẽ đưa vào sử dụng cuối năm 2009... Song rõ ràng phòng, chống căn bệnh tiểu đường vẫn còn nhiều gian nan, thử thách đối với ngành y tế và cả cộng đồng, bởi chúng ta còn thiếu kinh nghiệm và tiềm lực về lĩnh vực này.

Ðể thực hiện mục tiêu đến năm 2010: giảm 20% các yếu tố nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường trong cộng đồng, 70% số người bệnh tiểu đường có kiến thức đúng về chế độ ăn uống, luyện tập, tự điều trị và phòng ngừa biến chứng, giảm 30% số người mắc bệnh trong cộng đồng không được phát hiện... đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề.

Trong đó, việc bức thiết là kiện toàn, xây dựng hệ thống Trung tâm nội tiết tuyến tỉnh trên cơ sở các trung tâm hoặc khoa phòng chống bướu cổ (trước đây) để có nhân lực giám sát, quản lý người bệnh trên địa bàn. Cùng với việc đầu tư, nâng cao năng lực cho y tế tuyến cơ sở, cần có kế hoạch đào tạo (chuyên khoa sơ bộ, chuyên khoa định hướng, và các bậc cao hơn) cho các cơ sở y tế tuyến dưới, nhằm phát hiện sớm, đủ khả năng điều trị và chăm sóc người bệnh tiểu đường.

Coi trọng công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe bệnh tiểu đường, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa lâu nay đang "bỏ ngỏ", nhân rộng mô hình câu lạc bộ người bệnh tiểu đường (như ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) hay  các  phòng tư vấn ở các cơ sở y tế nhằm giúp người dân phòng và phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh. Hạn chế đến mức thấp nhất số người đến Viện điều trị ở giai đoạn muộn (tiểu đường týp 2) vì thời kỳ này dễ gây ra các biến chứng phức tạp, việc xử lý đòi hỏi phải lâu dài và tốn kém cho người bệnh.

Bài và ảnh: NGUYỄN KHÔI