Trên tuyến đầu chống dịch

Đến thời điểm hiện tại, 16/19 tỉnh, thành phố phía nam đã trải qua tuần đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong khi thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai đã thực hiện từ ngày 9/7. Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Trước hàng loạt khó khăn, lực lượng tuyến đầu gồm các y, bác sĩ, nhân viên, tình nguyện viên ngành y tế... luôn phải “căng mình” giữa những tâm dịch. 

Triển khai các phương án chống dịch. Ảnh: BAOCHINHPHU.VN
Triển khai các phương án chống dịch. Ảnh: BAOCHINHPHU.VN

Tinh thần thép của chiến sĩ áo trắng

Là người “đứng mũi chịu sào”, tham mưu cho tỉnh xây dựng các phương án phòng, chống dịch; phương án diễn tập đến tổ chức phong tỏa, cách ly, truy vết, nên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Tùng gần như không về nhà. Ngoài lực lượng 2.600 công chức, viên chức, người lao động, ngành y tế tỉnh này còn phải huy động hơn 1.500 cộng tác viên, 120 sinh viên ngành y năm cuối của Trường đại học Võ Trường Toản để bảo đảm vừa chăm sóc sức khỏe nhân dân, vừa tham gia chống dịch. Ông Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ, đã có ba đồng nghiệp của ông nhiễm Covid-19 và rất nhiều người là F1, F2, F3 đang được cách ly, theo dõi sức khỏe. Biết là vất vả, là nguy hiểm, nhưng không ai cho phép mình đứng ngoài cuộc, chùn chân. Tất cả vì nhiệm vụ, vì trách nhiệm của người thầy thuốc. Ông kể, chứng kiến nhiều hoàn cảnh, thấy nhói lòng khi đồng nghiệp mình phải gạt nước mắt, gửi lại con thơ, cha mẹ già để vào khu cách ly tập trung, khu điều trị. Rồi những chén cơm vội, những giọt mồ hôi ướt đẫm, làn da sạm nắng, ánh mắt thâm quầng, những đêm thức trắng lặn lội điều tra, truy vết, xét nghiệm, trực chốt kiểm soát, đưa người đi cách ly... “Những điều đó đã thể hiện tinh thần thép, lòng quả cảm, không ngại khó khăn, gian khổ, tinh thần đoàn kết của người chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu mặt trận phòng, chống dịch”, ông Nguyễn Thanh Tùng bộc bạch.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hậu Giang đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nhân lực y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Nhằm bảo đảm cho công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 trong thời gian tới, UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị T.Ư hỗ trợ 90 nhân viên y tế, trong đó có 28 bác sĩ. Cụ thể, khu điều trị Hồi sức tích cực (ICU) quy mô 60 giường hiện đang cần 20 người (tám bác sĩ điều trị hồi sức cấp cứu và 12 điều dưỡng). Bệnh viện dã chiến 500 giường Hậu Giang đang cần khoảng 70 nhân viên y tế, gồm 20 bác sĩ, 40 điều dưỡng và 10 kỹ thuật viên.

Tối 24/7, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) TP Cần Thơ ghi nhận thêm 113 ca nhiễm mới, tổng số ca nhiễm lên 538 ca. Trước tình hình đó, BCĐ kêu gọi tình nguyện viên, người dân trên địa bàn đồng lòng cùng thành phố tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Trước đó, BCĐ đã ban hành quyết định thành lập bốn bệnh viện dã chiến với tổng số 450 giường (tại huyện Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, quận Bình Thủy và quận Cái Răng) để điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn. Trong đó, Bệnh viện dã chiến Thới Lai đặt tại Trung tâm Y tế huyện, quy mô 150 giường; ba bệnh viện dã chiến còn lại có quy mô 100 giường/bệnh viện.

Tỉnh Đồng Tháp được xem là “tâm dịch” của đồng bằng sông Cửu Long với số ca nhiễm Covid-19 đã lên đến 1.991 ca, 40 ca tử vong, cao nhất vùng (tính đến 19 giờ ngày 25/7). Tình hình diễn biến phức tạp, các chùm ca bệnh tiếp tục lây lan nhanh trong cộng đồng khiến tỉnh Đồng Tháp phải đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ nhân lực để phòng, chống và dập dịch. Hiện tại, ngoài đoàn cán bộ y tế 54 người từ tỉnh Bắc Giang, còn có các chuyên gia từ Bộ Y tế, Bệnh viện T.Ư Huế và Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ cũng đã đến Đồng Tháp hỗ trợ công tác chống dịch. Tỉnh Đồng Tháp cũng đã chuẩn bị các bệnh viện dã chiến với tổng số 3.060 giường, trong đó có 150 giường hồi sức cấp cứu. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận hơn 18.000 giường cách ly tập trung và điều trị bệnh nhân Covid-19.

Trên tuyến đầu chống dịch -0
Lãnh đạo thị xã Tân Uyên thăm hỏi đoàn tình nguyện Đại học Y Hà Nội giúp địa phương phòng, chống dịch. Ảnh: NGHĨA BÌNH DŨNG 

Tiếp tục cần chi viện 

Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, tỉnh đang tập trung công tác xét nghiệm diện rộng, điều tra dịch tễ, truy vết, cách ly, lấy mẫu… Với số lượng ca bệnh gia tăng, cùng với sự chi viện cán bộ, chuyên gia, y, bác sĩ của Bộ Y tế, Viện Y học dự phòng quân đội, nhiều địa phương cũng đã chi viện lực lượng y, bác sĩ, điều dưỡng, giảng viên, sinh viên ngành y giúp Bình Dương phòng, chống dịch. Tính đến sáng 25/7, đã có thêm nhiều đơn vị chi viện lực lượng cho tỉnh, gồm: Đại học (ĐH) Y dược Hà Nội, ĐH Y dược Hải Phòng, ĐH Tây Nguyên, ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương, Lâm Đồng, Lào Cai, Quảng Trị, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Tính từ ngày 6/7 vừa qua, đến nay đã gần 20 ngày 350 cán bộ, sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội chia ra nhiều đội, nhóm hỗ trợ tích cực cho công tác phòng, chống dịch và các địa bàn phát sinh nhiều ca bệnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tham gia nhóm hỗ trợ tại thị xã Tân Uyên, giảng viên Dương Công Thành chia sẻ: “Trong những ngày làm việc tại đây, chúng tôi phối hợp cùng tham gia lấy mẫu sàng lọc Covid-19. Các tình nguyện viên trong đoàn và lực lượng địa phương đều rất đoàn kết, tích cực làm việc hết mình và giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Điều đó làm chúng tôi cảm thấy vui hơn, luôn nêu cao tinh thần tình nguyện để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Về điều kiện nơi ăn, ở, nghỉ ngơi, ngành chức năng tại địa phương chuẩn bị chu đáo, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày giúp mọi người yên tâm tập trung làm nhiệm vụ”.

Cùng đoàn tình nguyện 207 cán bộ, giảng viên, sinh viên ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương chi viện Bình Dương, Trưởng đoàn Vũ Đình Tuyên cho biết: “Đến tham gia chống dịch, các bạn sinh viên đã được tập huấn kiến thức về phòng, chống dịch, được xét nghiệm và tiêm vaccine. Dù làm việc vất vả, cả đội đi lấy mẫu xét nghiệm đến khuya nhưng ai cũng thấy vui vì đã góp sức giúp Bình Dương chống dịch. Chúng tôi quyết tâm sẽ tập trung ở mức cao nhất để cùng chính quyền và nhân dân Bình Dương dập dịch thành công”.

Đến Bình Dương vào chiều 22/7 cùng 58 sinh viên của Trường cao đẳng Y tế Lâm Đồng và Đại học Yersin Đà Lạt, Võ Thị Văn Minh, sinh viên Khoa Điều dưỡng Trường ĐH Yersin Đà Lạt, cho biết: “Em sẽ cố gắng hết mình để cùng đoàn đóng góp cho công tác phòng, chống dịch bệnh, chung tay cùng địa phương ngăn chặn sự lây lan và đẩy lùi Covid-19. Đây cũng là dịp để tuổi trẻ tình nguyện và xung kích nhằm hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng”.

Hiện tỉnh Bình Dương đã tiêm vaccine cho 68.742 người. Ngày 24/7, tỉnh đã tổ chức Lễ phát động tiêm vaccine và phun khử khuẩn diện rộng phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Trong chiến dịch này, Bình Dương sẽ tổ chức tiêm ngay 307.000 liều vaccine được phân bổ. Chiến dịch sẽ được thực hiện tại điểm tiêm cố định ở 91 xã, phường, thị trấn và các điểm tiêm lưu động (100 bàn) ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp có đủ điều kiện. Với khả năng cao nhất tiêm 30.000 người/ngày, dự kiến gần nửa tháng tỉnh sẽ hoàn thành chiến dịch.

Đến thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu chống dịch trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Bình Dương và các địa phương trong tỉnh đã trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ nhiệt tình của tất cả các lực lượng, tình nguyện viên của các tỉnh, thành phố đã giúp đỡ tỉnh Bình Dương trong công tác phòng, chống dịch. 

Dự báo số ca bệnh có thể lên đến 15.000 - 20.000 trong thời gian tới, BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương cho biết, hiện tỉnh đang mở rộng thêm các khu cách ly tập trung bảo đảm 50.000 giường và mở rộng lên 100.000 giường; đồng thời bổ sung các khu điều trị bệnh nhân nâng công suất lên 15.000 - 20.000 giường để đáp ứng tình hình có thể xấu hơn trong thời gian tới. Hiện tỉnh đã báo cáo và xin T.Ư chi viện giúp tỉnh tăng năng lực điều trị, xét nghiệm...

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho biết, để “bóc” ngay F0 ra khỏi cộng đồng, ngành y tế đang tổ chức thực hiện lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng Covid-19 bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên kết hợp Realtime-PCR cho 1,8 triệu người dân trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên triển khai xét nghiệm nhanh tại các công ty/xí nghiệp và tầm soát bằng phương pháp lấy mẫu gộp cho người dân sinh sống trong các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng. Nhờ sự hỗ trợ từ các đoàn của Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố, các trường y, trong sáu ngày qua, ngành y tế tỉnh Bình Dương đã xét nghiệm sàng lọc diện rộng, lấy mẫu xét nghiệm cho 741.379 người.