Ngày vì nạn nhân chất độc da cam / đi-ô-xin việt nam (10-8)

Công lý dành cho các nạn nhân

Cuộc giao lưu giữa các nạn nhân thế hệ thứ hai, ba của hai nước Việt Nam và Mỹ là sự gặp gỡ của những người cùng chung nỗi đau, niềm vui hội ngộ, đoàn kết trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam.

Các đại biểu tham dự buổi giao lưu giữa các nạn nhân thế hệ thứ hai, ba của hai nước Việt Nam và Mỹ.
Các đại biểu tham dự buổi giao lưu giữa các nạn nhân thế hệ thứ hai, ba của hai nước Việt Nam và Mỹ.

Cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược đã lùi xa gần 40 năm, nhưng hậu quả của nó để lại cho những cựu chiến binh, cùng con, cháu của họ còn rất nặng nề. Không chỉ ở Việt Nam, mà ngay trên nước Mỹ, nơi những công ty sản xuất ra loại hóa chất hủy diệt con người, cùng Chính phủ Mỹ vẫn chưa chịu công nhận những gì họ đã gây ra cho những nạn nhân vô tội tại Việt Nam và công dân đất nước họ.

Chị Hi-thơ Bâu-dơ, Trưởng đoàn nạn nhân da cam thế hệ thứ hai và ba của Hoa Kỳ bộc bạch: Tôi đã nhìn thấy nỗi đau trên khuôn mặt cha các bạn, cho dù chiến tranh đã lùi xa. Năm 2000, tôi không thể tưởng tượng được mức độ hủy hoại của chất độc da cam/đi-ô-xin với cơ thể con người. Nhưng khi được chính cha mẹ tôi cung cấp thông tin, rồi trực tiếp sang Việt Nam, đến những nơi còn tồn dư hóa chất này, thăm những nạn nhân da cam, nhất là những trẻ em bị dị tật bẩm sinh..., tôi đã phần nào cảm nhận được những nỗi đau do di chứng của các loại hóa chất nguy hại này để lại.

Từ thấu hiểu nỗi đau da cam, năm 2012, chị Hi-thơ Bâu-dơ vận động các nạn nhân da cam ở Mỹ thành lập Liên minh sức khỏe của con em cựu binh Hoa Kỳ với mục đích tìm kiếm, xác nhận, hỗ trợ nạn nhân da cam và kêu gọi ủng hộ Dự luật cứu trợ da cam Việt Nam tại Hạ viện.

Vào những năm 1968-1970, cha của Hi-thơ Bâu-dơ phục vụ trong quân đội Mỹ và ông được điều sang Việt Nam đóng quân tại căn cứ Long Bình gần Biên Hòa từ năm 1968 đến năm 1969. Ngày đầu đặt chân đến Việt Nam, ông bị buộc tham gia một trận chiến hóa học mà không có dụng cụ bảo hộ. Ðây có thể là lần phơi nhiễm đầu của ông. Trở về Mỹ, ông bị mắc bệnh cao huyết áp và năm 38 tuổi, ông đã phải vào bệnh viện phẫu thuật khẩn cấp bắc cầu động mạch vành với năm động mạch bị tắc nghẽn. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã báo với gia đình Hi-thơ Bâu-dơ cơ hội sống của ông là 50/50. Sau phẫu thuật, mặc dù được cứu sống, nhưng ông bị phát bệnh tiểu đường và qua đời ở tuổi 50 do một cơn đau tim nặng.

Hi-thơ Bâu-dơ nói tiếp: Trong suốt thời gian ở Việt Nam, cha tôi chứng kiến hầu như ngày nào cũng có các vụ phun rải hóa chất bằng máy bay trong phạm vi khu căn cứ nơi ông đóng quân. Về Mỹ, ông đóng quân ở Fort Lewis tại tiểu bang Oa-sinh-tơn, ông làm việc trong một khu vực tiếp nhận các thiết bị phun rải đã được sử dụng ở Việt Nam đưa về có dư lượng chất độc da cam rất cao. Chính vì vậy, mẹ của Hi-thơ Bâu-dơ đã hai lần sẩy thai, bản thân chị bị đẻ non hai tháng và thiếu chân phải dưới đầu gối, thiếu một số ngón tay và ngón chân cái của bàn chân trái.

Giốt-xơ Ke-li là con trai của một cựu binh Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Cha anh, ông Ða-nơ Ke-li, tham gia quân đội năm 1967, sau một năm tốt nghiệp trung học phổ thông, lúc đó ông mới 19 tuổi. Ông đến căn cứ không quân Ðà Nẵng năm 1969, và sau đó được chuyển đến căn cứ không quân Chu Lai. Trong thời gian ở Việt Nam, ông bị nhiễm chất độc da cam và được giải ngũ năm 1971. Không lâu sau khi giải ngũ, ông đã kết hôn với bà Pam Ke-li. Ngày 18-8-1975, các bác sĩ đã bị sốc khi thấy Giốt-xơ Ke-li sinh ra không có phần chân trái từ đầu gối trở xuống và không có cả hai cánh tay từ phần khuỷu trở xuống. Giốt-xơ Ke-li được đặt trong lồng ICU chăm sóc đặc biệt và chuyển bằng máy bay đến Bệnh viện Nhi ở Ðen-vơ, bang Cô-lô- ra-đô. Ở bệnh viện mấy tháng, người ta nói anh sẽ không thể sống được một năm. Nhưng bằng tình thương của người cha, Giốt-xơ Ke-li đã sống.

Giốt-xơ Ke-li tâm sự: "Cha tôi đã dạy tôi làm nhưng điều mà không bao giờ tôi có thể nghĩ tới. Ông đã dạy tôi không bao giờ được bỏ cuộc. Chính vì vậy, tôi muốn đem những kiến thức mà ông đã dạy cho tôi để giúp một số trẻ em ở Việt Nam cũng được sinh ra với thân hình dị dạng do chất độc da cam gây ra như tôi. Tôi tin rằng tôi cũng sẽ học hỏi được nhiều từ các bạn Việt Nam. Chuyến đi này cũng sẽ giúp tôi trả lời những câu hỏi chưa có lời đáp về cha tôi, người đã qua đời vào đúng Ngày của Cha năm 1997".

Sang Việt Nam lần này, Hi-thơ Bâu-dơ cùng các thành viên trong Liên minh mong muốn cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam tiến hành các hoạt động giao lưu văn hóa và tổ chức đoàn nạn nhân da cam Việt Nam sang Hoa Kỳ để vận động cho việc thông qua Dự luật cứu trợ da cam. Ðồng thời, hy vọng hai bên tiếp tục làm tốt nhiệm vụ kết nối nạn nhân da cam khắp thế giới thành khối đoàn kết đấu tranh chống lại chiến tranh hóa học; giúp nạn nhân hai nước nắm tay bước tiếp vào tương lai hòa bình, ổn định cùng phát triển.