Mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản

ND - Hỏi: Ðề nghị báo cho biết, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo Nghị định số 159/2007/NÐ-CP ra ngày 30-10-2007 của Chính phủ, thì mọi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản phải được phát hiện kịp thời và đình chỉ ngay.

Người có hành vi vi phạm các quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng như đưa súc vật kéo, mang dụng cụ thủ công vào rừng săn bắt chim thú, khai thác lâm sản trái phép; mang vào rừng các chất dễ cháy, nổ; tổ chức đưa người vào nghiên cứu khoa học trái phép... sẽ bị phạt tiền từ 100 nghìn đến một triệu đồng.

Vi phạm quy định về thiết kế khai thác gỗ, quy định về khai thác gỗ bị xử phạt từ một triệu đến 10 triệu đồng. Ðối với các hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm 11B, mức phạt tối đa không quá 30 triệu đồng. Kiểm lâm viên đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 100 nghìn đồng.

Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 2 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 10 triệu đồng.

Cục trưởng Cục Kiểm lâm có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 30 triệu đồng. Nhân viên kiểm lâm được phép khám người, giữ người theo thủ tục hành chính; khám phương tiện vận tải, đồ đạc và được phép tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.