Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II: Đảng cầm quyền lãnh đạo toàn dân vừa kháng chiến, vừa kiến quốc

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng họp từ ngày 11 đến 19-2-1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

Tham dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho hơn 760.000 đảng viên trong toàn Đảng. Đến dự Đại hội còn có đại biểu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Thái-lan.

Đại hội đã nghe đồng chí Hồ Chí Minh trình bày báo cáo chính trị và nghiên cứu, thảo luận Báo cáo.

Đại hội đã thông qua Nghị quyết khẳng định: Đường lối đoàn kết toàn dân, kháng chiến trường kỳ giành độc lập, dân chủ là hoàn toàn đúng, Đảng cần kiện toàn thêm sự lãnh đạo kháng chiến, tập trung lực lượng lớn hơn nữa để đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn; phải xây dựng Đảng Lao động Việt Nam có chính cương và điều lệ thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam.

Đại hội đã quyết nghị đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi là Đảng Lao động Việt Nam, thông qua Chính cương, Tuyên ngôn và Điều lệ mới của Đảng. Điều lệ mới của Đảng gồm có phần mục đích và tôn chỉ, 13 chương và 71 điều. Điều lệ xác định rõ mục đích của Đảng là phấn đấu để "phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, để thực hiện tự do hạnh phúc cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và tất cả dân tộc đa số, thiểu số ở Việt Nam".

Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 19 Ủy viên chính thức và 10 Ủy viên dự khuyết. Ban chấp hành đã cử ra Bộ Chính trị gồm có 7 Ủy viên chính thức và một ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch Đảng. Đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư. Đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương của Đảng được bầu hợp thức trong một Đại hội có đầy đủ đại biểu toàn quốc.