Ðang có sự bùng nổ đầu tư ở Việt Nam

ND- Sau một năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nền kinh  tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 8,5%, kim ngạch thương mại cũng cao hơn năm trước đó, uy tín của Việt Nam ngày một nâng cao và được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày một nhiều hơn.

Những ngày đầu năm 2008, gần hai trăm doanh nghiệp có tiếng trên thế giới, nhiều gấp hai lần dự kiến, đã đến Hà Nội dự Hội nghị quốc tế kinh tế đối ngoại do Bộ Ngoại giao và Tạp chí Anh Nhà kinh tế tổ chức, với chủ đề "Việt Nam - Ngôi sao đang lên ở châu Á".

Tạp chí  Công xưởng mới của Pháp số ra đầu tháng

1-2008 đăng bài phân tích về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam của ông Giắc Phra-vê-rô, Chủ tịch Viện Á - Âu HEC, với tiêu đề "Việt Nam của tương lai đã hiện hữu". Sau khi đưa ra nhận xét: Việt Nam vừa tham gia tiến trình toàn cầu hóa đã có một tốc độ tăng trưởng năng động và đã trở thành một con rồng ở châu Á, ông G.Phra-vê-rô viết, trong một thời gian dài trước đó, Việt Nam được coi là một đất nước của thời tương lai với nhiều hứa hẹn. Nay, điều đó không còn là sự tưởng tượng mà đã thành hiện thực, Việt Nam đã tham gia "vũ điệu" những con rồng châu Á. Bằng chứng là đang có sự bùng nổ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: 15 tỷ USD trong năm 2007, cao hơn cả mức kỷ lục đầu tư nước ngoài vào Ấn Ðộ... Việt Nam bắt đầu cất cánh từ năm 2004, khi chính sách mở cửa đi vào thực chất, với việc tổ chức Hội nghị cấp cao Á - Âu,  Hội nghị cấp cao APEC, chính quyền Mỹ thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn đối với Việt Nam, chính thức gia nhập WTO...

Từ năm 2004, tăng trưởng GDP của Việt Nam hết sức năng động (hơn 8%), mặc dù GDP còn ở mức khiêm tốn: 70 tỷ USD cho 85 triệu dân. Nhưng con số này chỉ phản ánh một phần tiềm năng thật sự của đất nước, vì nó chưa tính những khoản thu nhập phi chính thức của người dân, chiếm tới 30%  GDP và khoảng 5 tỷ USD là khoản tiền do Việt kiều gửi về. Thu nhập thực tế của người dân cao hơn nhiều so với mức 700 USD như công bố. Trong dòng xe ùn tắc trên đường phố, người ta thấy có những xe BMV của Ðức và nhiều loại ô-tô đắt tiền giá hơn 50.000 USD/chiếc. Trên đường Ðồng Khởi ở TP Hồ Chí Minh, nhan nhản các cửa hiệu, cửa  hàng của các công ty nổi tiếng của Pháp và phương Tây, như Gucci, Louis Vuitton, Prada... Trong ngày khai trương, hãng Louis Vuitton đã bán được số hàng hóa kỷ lục so với ngày khai trương của công ty này ở các nước châu Á khác. Lĩnh vực bất động sản cũng có sự tăng trưởng vượt trội. Giá nhà đất tại trung tâm TP Hồ Chí Minh đắt tương đương với các quận giàu có ở thủ đô Pa-ri, tới 22.000 USD/m2.

Ðầu tư nước ngoài đang ồ ạt đổ vào Việt Nam, tăng gấp hai lần so với hai năm trước. Nhưng, nguồn đầu tư không phải từ các nước châu Âu, lại càng không phải từ Pháp, mà chủ yếu từ các nước và vùng lãnh thổ láng giềng ở châu Á, như  Xin-ga-po, Hàn Quốc, Trung Quốc,... Việt Nam không chỉ nổi tiếng về xuất khẩu quần áo và giày dép, nay đang là mục tiêu đầu tư của các ngành công nghiệp điện tử. Trong sự khởi đầu này,  Tập đoàn Intel đã thông báo đầu tư hơn một tỷ USD xây dựng một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử mới tại Việt Nam. Hãng Canon của Nhật  Bản cũng có ba nhà máy sản xuất máy in xuất khẩu.

Ông G.Phra-vê-rô cũng nêu ra một số khó khăn và trở ngại cho các nhà đầu tư, nhất là về hành chính, như nhiều dự án lớn thường phải đợi ba hoặc bốn năm mới có phản hồi của Chính phủ. Cơ sở hạ tầng còn yếu kém, đường sá, cầu, cảng, nhà máy và điện vẫn  thiếu. Tuy nhiên, những lợi thế của Việt Nam có thể bù đắp những yếu kém đó. Số dân Việt Nam trẻ, ham học, bền bỉ, làm việc chăm chỉ, chi phí lao động rẻ, thị trường nội địa năng động và ngày càng sinh lợi. Ðiều quan trọng là ý chí mở cửa thật sự.