Làng chè Tây Sơn vực dậy sau lũ quét

Trận lũ tháng 10-2013, là thảm họa lớn nhất trong lịch sử làng chè Tây Sơn, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Không ít gia đình, ngoài việc mất trâu bò, trôi nhà cửa, những cánh đồng chè cũng bị "xóa sổ".

Cấp ủy, chính quyền từ xã tới huyện, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, Công an huyện Hương Sơn đã tích cực giúp dân vùng chè trong hoạn nạn. Sau lũ, các ngân hàng đã kiểm tra, rà soát giúp đỡ vốn. Ban giám đốc xí nghiệp đã trực tiếp xuống từng gia đình và các đội sản xuất tìm các giải pháp khắc phục thiệt hại, lên kế hoạch cung ứng cho bà con giống, phân bón để tiếp tục sản xuất vụ mới.

Tại cuộc họp đầu năm 2014, Xí nghiệp chè Tây Sơn đã tập trung tuyên truyền cho các hộ về nâng cao ý thức lao động, đầu tư cho cây chè. Cán bộ nghiệp vụ kỹ thuật còn đến từng lô chè kiểm tra và hướng dẫn lại kỹ thuật chăm bón cho những gia đình không bảo đảm quy trình kỹ thuật.

Năm 2014, Xí nghiệp chè Tây Sơn tiếp tục mở thêm tám ha diện tích trồng chè mới, chăm sóc đầu tư vườn ươm cây giống. Hiện tại, vườn ươm đã có gần 290 nghìn bầu chè với tỷ lệ cây sống đạt hơn 80%, bảo đảm kịp thời cho sản xuất, hoạt động liên hoàn. Nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, xí nghiệp tiếp tục đầu tư vốn để cải tạo hệ thống máy móc thiết bị tại xưởng chế biến, xây dựng hàng rào khuôn viên xưởng, xây dựng nhà tập thể cho công nhân chế biến.

Chúng tôi trở lại làng chè Tây Sơn trong những ngày đầu Xuân mới, dường như không còn dấu vết của trận lũ kinh hoàng tháng 10-2013 nữa. Giám đốc Nguyễn Văn Sơn cho biết: Năm nay thời tiết khá thuận lợi cho cây chè trổ búp. Ðộ ẩm trong đất rất hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây chè. Ðây chính là yếu tố thuận lợi, người lao động không lo diện tích chè giảm sản lượng, nên kế hoạch thu hái đạt 1.450 tấn chè búp tươi và sản xuất chế biến xuất khẩu ra nước ngoài đạt 320 tấn của xí nghiệp là trong tầm tay.