Vùng áp thấp trên Biển Đông mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, tối 4-11, vùng áp thấp trên khu vực giữa Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Hồi 19 giờ, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 13,6 độ vĩ bắc; 114,5 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 240 km về phía bắc.

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 5, khoảng 1 km bờ biển ở xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp hàng trăm ao tôm và nhà dân. Ảnh: THANH CHUNG
Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 5, khoảng 1 km bờ biển ở xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp hàng trăm ao tôm và nhà dân. Ảnh: THANH CHUNG

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 70 km tính từ tâm ATNĐ. Trong 24 giờ sau đó, ATNĐ dịch chuyển chậm theo hướng đông, mỗi giờ đi được khoảng 5 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 19 giờ ngày 5-11, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 13,5 độ vĩ bắc; 115,9 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 290 km về phía bắc đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ sau đó là phía bắc vĩ tuyến 11,5 độ vĩ bắc. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển chậm theo hướng đông, mỗi giờ đi được 5 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 19 giờ ngày 6-11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,3 độ vĩ bắc; 117,4 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 11. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục mạnh thêm. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Do ảnh hưởng của ATNĐ kết hợp không khí lạnh tăng cường cho nên khu vực giữa Biển Đông có mưa rào và dông, gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9; biển động mạnh. Khu vực bắc Biển Đông và vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa có mưa rào và dông, gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8. Sóng biển cao từ 2 đến 4m; biển động.

* Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT), bão số 5 đã làm một người chết, một người mất tích và 14 người bị thương. Bão làm 182 nhà bị sập, 2.217 nhà bị hư hỏng, 2.025 nhà bị ngập nước; 362 ha lúa, 5.567 ha hoa màu và 79 ha nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng… Tổng giá trị thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 886 tỷ đồng.

* Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đã tổ chức đoàn kiểm tra và hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả; vận động sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại nặng do bão số 5 gây ra. Đồng thời, tăng cường lực lượng, phương tiện, nhất là các trang thiết bị chuyên dùng để chủ động và kịp thời cứu hộ, cứu nạn phù hợp đặc thù các vùng miền và loại hình thiên tai...

* Ngày 4-11, Tổng cục Thủy lợi có công điện về bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và phòng, chống ngập lụt, úng cho cây trồng, đề phòng ảnh hưởng của mưa lớn ở khu vực Trung Bộ. Theo đó, Tổng cục đề nghị ngành nông nghiệp các địa phương chủ động bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và phòng, chống, khắc phục hậu quả của ngập lụt, úng cho cây trồng do mưa lớn. Rà soát hiện trạng công trình thủy lợi, kiểm kê lượng nước trong hồ chứa để cập nhật danh sách công trình xung yếu, hồ chứa đã trữ đầy nước để lưu ý đặc biệt trong mùa mưa lũ, xử lý sự cố ngay từ giờ đầu, bảo đảm an toàn và hạn chế thiệt hại do mưa lớn gây ra.

* Từ chiều 3-11, tại khu vực gần cảng Cửa Việt (Quảng Trị), tàu Chính Quỳnh 6868 đã cứu vớt được chín trong số 12 người của tàu Ngọc Lan 15 bị chìm và bàn giao cho Bộ đội Biên phòng Quảng Bình. Ngày 4-11, ba người bị nạn còn lại được tàu Quang Vinh Dinamon hỗ trợ đưa về cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa).

* Liên quan tàu Thành Công 999 có 13 thuyền viên, chở 5.000 tấn đá, bị chìm cách đông mũi Ròn, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) khoảng 10 hải lý, hiện đã có ba tàu của lực lượng chức năng và các tàu cá của các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình tổ chức tìm kiếm một thuyền viên mất tích. Tuy nhiên, công tác tìm kiếm chưa có kết quả.

* Các lực lượng chức năng tiếp tục ứng trực tại hiện trường, sẵn sàng xử lý các tình huống liên quan đến vụ tàu vận tải Vietsun Ingrity bị chìm tại khu vực phao số 28 luồng Sài Gòn - Vũng Tàu. Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh phân công 20 cán bộ, chiến sĩ và bốn phương tiện tham gia phân luồng, bảo đảm an ninh trật tự tại hiện trường.

* Ngày 4-11, tại khu vực cách cửa sông Dinh, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) khoảng 300 m, một thuyền máy có ba thuyền viên bị chìm. Bộ đội Biên phòng Quảng Bình huy động các phương tiện hoạt động gần khu vực kịp thời cứu vớt các nạn nhân đưa vào bờ an toàn.

* Ngày 4-11, Hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam cho biết, đang theo dõi và trợ giúp thông tin cho tàu cá PY 92359 TS của ngư dân tỉnh Phú Yên (có sáu ngư dân) đang bị nạn ở Trường Sa. Sau khi tiếp nhận thông tin, hệ thống đã phát điện khẩn cấp yêu cầu các phương tiện đang hoạt động trong vùng lân cận tăng cường quan sát, trợ giúp tàu bị nạn.

* Theo Công an huyện Đa Krông (Quảng Trị), sau bốn ngày nỗ lực tìm kiếm, sáng 4-11 đã tìm thấy thi thể một người bị nước lớn cuốn trôi. Trước đó, ngày 1-11, nạn nhân cùng một số người dân băng qua cầu tràn Rau Một thuộc Km27, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ. Do mưa lớn, nước chảy xiết nên có ba người bị nước cuốn trôi, sau đó hai người khác mắc vào bụi cây nên được cứu.

* Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành chỉ thị về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ đông xuân. Theo đó, đề nghị các ngành chức năng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; chú trọng khắc phục những bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, cần tăng cường quản lý kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào nước ta.

* Ngày 4-11, UBND tỉnh Quảng Bình trích hơn 5,2 tỷ đồng cấp cho các địa phương hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi. Theo đó, hỗ trợ huyện Lệ Thủy gần 2,4 tỷ đồng, Minh Hóa hơn 1,4 tỷ đồng, Tuyên Hóa hơn 471 triệu đồng, Quảng Ninh 461 triệu đồng, Quảng Trạch hơn 169 triệu đồng, TP Đồng Hới 75 triệu đồng; đồng thời cấp cho lực lượng chăn nuôi và thú y gần 292 triệu đồng để phòng, chống dịch bệnh.

Hạn hán nghiêm trọng ở Nam Bộ trong mùa khô 2019 - 2020

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, tổng lượng mưa từ nay đến cuối năm ở Nam Bộ thấp hơn trung bình nhiều năm 10 đến 30%. Dòng chảy trên các sông thiếu hụt 20 đến 50%. Do đó, tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019 - 2020 có khả năng sẽ xảy ra. Đáng chú ý, xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ đến sớm và nặng hơn so trung bình nhiều năm. Dự báo, khoảng giữa tháng 11, mặn sẽ xâm nhập các cửa sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ và sông Sài Gòn.