Không nên tăng thuế lúc này

Nền kinh tế đang hướng tới kinh tế thị trường hiện đại và dư địa chính sách ngày càng hạn hẹp. Để có chính sách tối ưu thì đề xuất chính sách cần được nhìn ở đa chiều, được tham vấn rộng rãi và truyền thông tốt để tạo được sự đồng thuận. Thuế là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm, có tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội (KT-XH), năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp (DN) và sự ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, việc tăng thuế chắc chắn sẽ vấp phải những ý kiến trái chiều.

Đề xuất sửa đổi một số mức thuế đã và đang vấp phải các ý kiến trái chiều. Ảnh: ANH NAM
Đề xuất sửa đổi một số mức thuế đã và đang vấp phải các ý kiến trái chiều. Ảnh: ANH NAM

Trước bối cảnh thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN) và nợ công tăng cao như hiện nay, đặc biệt là tài khóa ngày càng trở nên thiếu bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế mới, trong hơn một năm qua, Bộ Tài chính đã nhiều lần đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế theo hướng tăng mức thuế của nhiều sắc thuế. Đó là đánh thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với các sản phẩm xăng dầu được đề xuất tăng với lý do cơ cấu lại nguồn thu NS, bù đắp nguồn thu giảm do hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh. Đó là đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% và giảm số mặt hàng được hưởng thuế VAT ưu đãi 5% với lý do mức thuế VAT hiện nay chưa theo kịp thông lệ quốc tế, cần cơ cấu lại thu NS theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu.

Bộ Tài chính cũng dự kiến áp thuế tiêu thụ đặc biệt với một số hàng hóa như nước ngọt với mục đích bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Gần đây nhất là đề xuất đánh thuế tài sản. Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế ngay trên căn nhà thứ nhất, với mức thuế suất 0,3-0,4% trên giá trị căn nhà. Những đề xuất sửa đổi các mức thuế này đã và đang vấp phải các ý kiến trái chiều và nhiều phản ứng mạnh. Đây là các loại thuế ảnh hưởng sâu rộng đến người dân, đến hầu hết các DN, và theo đó là cả nền kinh tế.

Việc Bộ Tài chính nghiên cứu, tính toán tăng thuế và đưa ra các sắc thuế mới là việc cần làm, nên làm và vẫn tiếp tục làm nhưng trong lúc này cũng như trong vài năm tới thì chưa nên thu thuế tài sản, không nên tăng thuế VAT, thuế BVMT… Đây là ý kiến của các học giả, các chuyên gia kinh tế khi thảo luận về tình hình NSNN và dự thảo sửa đổi bổ sung sáu loại thuế.

Theo GS Trần Thọ Đạt, nền kinh tế đang hướng tới kinh tế thị trường hiện đại và dư địa chính sách ngày càng hạn hẹp. Để có chính sách tối ưu thì đề xuất chính sách cần được nhìn ở đa chiều, được tham vấn rộng rãi để có đề xuất chính sách tốt ngay từ đầu và cần được truyền thông tốt để tạo được sự đồng thuận.

GS, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu thị trường giá cả (Học viện Tài chính) cho rằng, nhà đầu tư (NĐT) và người dân luôn mong muốn có môi trường kinh doanh ổn định. Việc sửa đổi, bổ sung sáu luật thuế lần này làm cho NĐT và người dân băn khoăn rằng liệu sau kỳ sửa đổi, bổ sung này thì chính sách thuế đó sẽ tồn tại trong bao lâu nữa?

Để có sự thuyết phục, khi điều chỉnh tăng mức thuế của sắc thuế cần có những giải trình, dẫn chứng chi tiết hơn về tác động của đề xuất điều chỉnh các sắc thuế đối với hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tích lũy và tiêu dùng của DN và dân cư. Luận giải cho đề xuất sửa đổi sáu luật thuế với một loạt đề xuất tăng của Bộ Tài chính đang làm cho mọi người cảm thấy mục tiêu là hướng tới huy động nguồn thu NSNN mà chưa tính đến chính sách thuế phải tạo động lực cho phát triển kinh tế, tạo điều kiện để DN phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa nguồn thu cho NSNN. Thuế là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm, có tác động rất lớn đến đời sống KT-XH, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của DN và tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, việc tăng thuế chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối. Bởi tăng thuế sẽ đánh vào các mặt hàng thiết yếu, đánh vào người nghèo. Tăng thuế là không phù hợp tinh thần của Chính phủ là kích thích tiêu dùng, bảo đảm tăng trưởng, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh... Do đó, cần thận trọng với việc tăng thuế và có bước đi, lộ trình cụ thể.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh chia sẻ, Bộ Tài chính phải tính đến cách tăng thuế vì thâm hụt NS lớn, nợ công cao, chi thường xuyên lại càng cao khi chiếm tới 88% chi NS. Trên thế giới không nước nào chi thường xuyên cao thế. Đầu tư công (ĐTC) thì không hiệu quả, lắm thất thoát. Nhưng Bộ Tài chính không có quyền cắt giảm biên chế ai cả, không có quyền giảm ĐTC, càng không có quyền với những dự án đầu tư không hiệu quả... Nhưng muốn thu được thuế thì phải giải thích cho người dân hiểu, đề xuất đưa ra phải thuyết phục. Khi đề xuất chính sách hợp lý, người dân hiểu họ sẽ đồng thuận.

Theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Chiến lược phát triển, việc đề xuất tăng thuế để bù đắp thâm hụt NS là việc phải làm và là áp lực đối với Bộ Tài chính. Nhưng việc tăng thuế phải xuất phát từ thu nhập của người dân và trình độ phát triển của xã hội. Hoạch định chính sách lúc này phải trên tinh thần “bớt tăng thu mà tăng giảm chi”. Và tốt nhất lúc này đừng vội đưa ra dự thảo thuế tài sản, trong ba đến 5 năm tới cũng không nên tăng thuế suất VAT, thuế thu nhập DN không nên quá ưu đãi.

Còn theo GS Nguyễn Văn Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân, phải làm sao để không tăng thuế, không tăng chi phí mà vẫn tăng thu. Còn tăng thu để giảm thâm hụt là biện pháp đơn giản. Hơn nữa, việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp tăng thu của Bộ Tài chính là cần làm, nhưng lúc này đừng nên quyết gì đến tăng thuế, bởi tăng thuế là đi ngược với tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố và không phải là trọng tâm chính sách. Trọng tâm là phải cải cách hành chính, cải cách bộ máy, giảm chi thường xuyên, chống tham nhũng, lãng phí.