70 năm Đảng và Nhà nước
chăm sóc gia đình chính sách và người có công


NDĐT - Ðền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn đã trở thành truyền thống tốt đẹp làm nên sức mạnh Việt Nam - một dân tộc anh dũng, kiên cường và nhân văn. Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2017), ngày cả nước thể hiện sự biết ơn và tình cảm sâu sắc đối với những người có công với cách mạng, những người đã chiến đấu, hy sinh tính mạng và một phần xương máu của mình vì nền độc lập, tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Đây cũng vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của cả cộng đồng và toàn xã hội để cuộc sống tinh thần và vật chất của người có công, gia đình chính sách đầy đủ hơn, ấm áp hơn.

Ý NGHĨA CỦA NGÀY THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ 27-7

Ra đời từ Bình Trị Thiên khói lửa

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp để bảo vệ thành quả cách mạng của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống, hy sinh một phần xương máu trên các chiến trường. Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và nhân dân ta đã ghi nhớ, trân trọng và dành tất cả lòng biết ơn, sự thương yêu đối với các chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh xương máu và mạng sống của mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn ra đời ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác... Sau đó ít lâu được đổi thành Hội giúp binh sĩ bị thương. Ở Trung ương có Tổng Hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Tổng Hội.

Ngày 28-5-1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội để kêu gọi mọi người gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sĩ bị thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự.

Ngày 17-11-1946, cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Liên Hiệp Quốc dân Việt Nam đã tổ chức lễ xung phong “Mùa đông binh sĩ”, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ” trong cả nước để giúp chiến sĩ trong mùa đông giá rét. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự buổi lễ và Người đã cởi chiếc áo đang mặc để tặng binh sĩ.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 19-12-1946, theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên, đời sống của chiến sĩ, nhất là những chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Trước tình hình trên, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra nhiều quyết định với những chính sách quan trọng về công tác thương binh, liệt sĩ, góp phần ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sĩ.

Mỗi năm cứ đến “Ngày Thương binh, liệt sĩ”, nhất là vào dịp kỷ niệm năm tròn, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”

Ngày Thương binh, liệt sĩ có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, đó là: Truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; qua đó phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Tôn vinh các anh hùng, liệt sĩ, thương binh và người có công; khẳng định sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá.

Việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau.

Bác Hồ thăm trại điều dưỡng thương binh nặng. (Ảnh tư liệu).

Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sĩ

“Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống đạo lý nhân ái có từ nghìn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này đã và đang được nhân dân ta phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương tiêu biểu nhất. Sinh thời, trong cuộc đời và sự nghiệp của Người, mặc dù bộn bề công việc để lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến và kiến quốc, nhưng Người vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các thương binh, liệt sĩ là những người đã cống hiến xương máu, hy sinh tính mạng để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.

Thư gửi Ban thường trực của Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”:

Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh.

Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt.

Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy.

Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sĩ bị thương.

Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh. Nhưng tôi e trong lúc thi hành, hăng hái thái quá, vậy tôi xin đề nghị:

1) Hôm đó các cụ già thượng thọ, các cháu bé sơ sinh, các bộ đội các mặt trận, những đồng bào đang đau yếu, thì không nên nhịn. Còn các cơ quan, các bộ đội, các trường học, các đoàn thể và toàn thể đồng bào cả nước đều nhịn ăn một bữa.

2) Đó là một việc nghĩa, mọi người tự động làm, tuyệt đối không cưỡng bức.

3) Các làng, huyện, tỉnh, khu phải thiết thực báo cáo kết quả lên Ban thường trực toàn quốc. Nơi nào 100 phần trăm nhân dân tham gia thì Ban thường trực sẽ đăng báo khen. Kết quả cũng phải tính sổ tập trung về Ban thường trực toàn quốc để phân phối cho khắp.

4) Hôm đó tuy các giới, các tổ chức đều hăng hái tham gia, đặc biệt là đoàn thể phụ nữ, thanh niên và nhi đồng cần phải ra sức tuyên truyền, giải thích và giúp việc.

Luôn luôn tin vào lòng nhường cơm, sẻ áo của đồng bào ta, tôi chắc rằng "Ngày Thương binh" sẽ có kết quả mỹ mãn.

Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127đ).

Ngày 17 tháng 7 năm 1947

HỒ CHÍ MINH

(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.175-176)


Ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với cuộc kháng chiến và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Tháng 6-1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ tịch chọn một ngày làm ngày thương binh liệt sĩ.

Tại cuộc họp này các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27 tháng 7 là ngày “Thương binh toàn quốc”. Từ đó hằng năm cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ.

Đặc biệt, từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến công tác thương binh, liệt sĩ.

Từ tháng 7-1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh, liệt sĩ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.

Sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8-7-1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh, liệt sĩ” của cả nước.

Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh Vũ Đình Tụng nhân Ngày Thương binh, Tử sĩ 27-7. (Báo Cứu quốc, số 1305 ra ngày 27-7-1949).
Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh nhân Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7-1953) nhờ Bộ trưởng chuyển tới anh em thương binh một tháng lương của Người và 50 chiếc khăn tay do phụ nữ dân tộc Thái gửi biếu Người.
KẾT QUẢ VÀ THÀNH TỰU CÔNG TÁC ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA

70 năm qua (từ năm 1947 - 2017), công tác thương binh - liệt sĩ và người có công với cách mạng đã đạt những thành tựu to lớn và quan trọng. Hệ thống chính sách ưu đãi người có công đã được nghiên cứu, hoàn thiện và đi vào cuộc sống; đến nay đã bao phủ hầu hết các đối tượng có công với cách mạng, tuyệt đại bộ phận người có công và thân nhân người có công được hưởng đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước.

Chính sách, chế độ ưu đãi thống nhất

Xây dựng và thực hiện thống nhất trong cả nước một hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Từ khi Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 16-2-1947 đặt “chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ” đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã được nghiên cứu xây dựng, ban hành tương đối toàn diện, đầy đủ và kịp thời, bảo đảm chất lượng để từng bước cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, là cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân; cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra.

Nhiều vấn đề bất hợp lý do lịch sử để lại cũng như vấn đề mới nảy sinh trong quá trình chuyển đổi cơ chế và những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh, như vấn đề xác nhận liệt sĩ, thương binh; chính sách ưu đãi đối với thanh niên xung phong, những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; chính sách ưu đãi về giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, chế độ trợ cấp đối với một số đối tượng người có công với cách mạng được các cấp, các ngành quan tâm, giải quyết hiệu quả.

Việc xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công đạt được kết quả tích cực.


Đền ơn đáp nghĩa trở thành phong trào sâu rộng

Phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đã đạt được hiệu quả thiết thực, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Theo đó, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, bằng nhiều nguồn hỗ trợ,tài trợ đã tích cực triển khai và thực hiện có hiệu quả các phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công bằng những việc làm thiết thực thông qua: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng.


Từ năm 2007 đến 2017, cả nước đã đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” hơn 3.481 tỷ đồng, trong đó, quỹ Trung ương hơn 41,36 tỷ đồng, quỹ địa phương hơn 3.440,4 tỷ đồng; xây dựng gần 90.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 75.000 nhà tình nghĩa với tổng trị giá gần 12.200 tỷ đồng; tặng gần 159.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá gần 955.000 tỷ đồng.

Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, Chính phủ đã cấp cho các địa phương hơn 2.450 tỷ đồng để hỗ trợ cho 80.000 hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở; 100% các mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng; 98% xã, phường làm tốt công tác Thương binh - Liệt sĩ, 97% người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú.



Bên cạnh đó, bản thân thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công với cách mạng cũng nỗ lực phấn đấu vươn lên trở thành những tấm gương tiêu biểu, điển hình nhân tố mới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.


Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ được chú trọng và đạt được kết quả tích cực. 70 năm qua, Đảng, Nhà nước và quân đội đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Nhà nước đầu tư nâng cấp các trung tâm giám định ADN của các bộ, ngành nhằm đẩy nhanh việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị đã tích cực trong việc phát hiện, quy tập mộ liệt sĩ và ghi danh, ghi công liệt sĩ. Công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã tạo sức lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân. Bằng phương pháp thực chứng, phương pháp giám định ADN, các cơ quan chức năng đã quy tập, lấy mẫu hài cốt liệt sĩ, sinh phẩm thân nhân liệt sĩ, phân tích hàng chục nghìn trường hợp, góp phần phục vụ tích cực cho công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thời gian qua.


Thời gian qua, cả nước đã tìm kiếm, quy tập được 939.462 hài cốt liệt sĩ; an táng tại 3.077 nghĩa trang trong cả nước. Hiện cả nước có 9.637 công trình ghi công liệt sĩ, bao gồm đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ. Nhiều công trình trở thành công trình văn hóa, có giá trị về mỹ thuật, giáo dục truyền thống như Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Đền liệt sĩ Bến Dược, Khu tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; Truông Bồn, tỉnh Nghệ An...

Đến năm 2017, cả nước đã xác nhận trên 9 triệu lượt người có công, trong đó: Liệt sĩ: gần 1.2 triệu người (năm 2002 là khoảng 1,1 triệu người). Bà mẹ Việt Nam anh hùng: hơn 127.000 người (năm 2002 là khoảng 42.500 bà mẹ). Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động: gần 1.300 người (năm 2002 là gần 1.200 người). Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh: gần 800.000 người (năm 2002 là khoảng gần 400.000 người). Người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học: gần 312.000 người. (năm 2002 đối tượng này chưa phải là đối tượng người có công theo quy định của Pháp lệnh, năm 2012 là khoảng 186.000 người). Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: gần 111.000 người (năm 2002 là khoảng 53.400 người).

(Nguồn: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Với các chính sách mới, hơn 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với tổng kinh phí khoảng 29.000 tỷ đồng/năm. Trong 10 năm (từ năm 2007-2016), tổng kinh phí trợ cấp là 133.306 tỷ đồng; trong đó, kinh phí trợ cấp hằng tháng khoảng 120.747 tỷ đồng, kinh phí trợ cấp một lần khoảng 12.600 tỷ đồng.

Từ năm 2007-2016, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung ương đã vận động được trên 41,36 tỷ đồng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận động được gần 4.124 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước 133.321 sổ với tổng kinh phí là hơn 4.620 tỷ đồng. Xây dựng mới 104.763 nhà tình nghĩa trị giá 3.532 tỷ đồng, sửa chữa 74.906 nhà tình nghĩa trị giá hơn 1.115 tỷ đồng. Phong trào nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng được tiếp tục đẩy mạnh, góp phần tích cực chăm lo đời sống của các đối tượng và gia đình có công với cách mạng, trong đó có 7.344 bà mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng.

(Nguồn: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Chính phủ đã bố trí 11.568 tỷ đồng hỗ trợ trên 410 nghìn hộ gia đình chính sách sửa chữa, xây dựng nhà ở mới. Đến cuối năm 2016, đã có 97% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú. Có tới 96,5% xã, phường được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công.

Đến nay, toàn quốc đã xác nhận hơn 2.000 hồ sơ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bổ sung, cấp mới, đổi 35.000 bằng Tổ quốc ghi công, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ công nhận gần 500 liệt sĩ đợt 27-7-2017.

(Nguồn: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Dâng hương tưởng niệm tại phần mộ của 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh. Ảnh: Đăng Anh

NHỮNG BÀI VIẾT TIÊU BIỂU TRÊN BÁO NHÂN DÂN
TRI ÂN NGƯỜI CÓ CÔNG

Đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong việc chăm sóc gia đình liệt sĩ và người có công, các ấn phẩm của Báo Nhân Dân đã có nhiều loạt bài, bài viết, phóng sự truyền hình về Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7. Nhiều năm qua, mỗi dịp 27-7, Báo Nhân Dân lại tổ chức Chương trình nghệ thuật "Cõi thiêng Đồng Lộc" để tri ân, đền ơn đáp nghĩa đối với các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.

* Xin đừng quên lãng

* Họ và thời thanh xuân

* Chính sách ưu đãi cựu TNXP: “Phải công bằng, không sai sót”

* Cưu mang cựu TNXP đơn thân: Tự phát đến bao giờ?

* Những “thanh niên” tuổi 80 “xung phong” vì đồng đội

Tiêu điểm “Tri ân & Chia sẻ” (Nhân Dân hằng tháng số tháng 7-2014)

Từ dấu mốc lịch sử thành lập đội thanh niên xung phong (TNXP) đầu tiên ngày 15-7-1950 tại chiến khu Việt Bắc với 200 người phục vụ cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ, trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hàng triệu các chàng trai cô gái, bằng sức trẻ, tuổi đôi mươi, lòng quả cảm và tình yêu Tổ quốc nồng nàn, bất chấp hy sinh gian khổ đã kiên định giữ vững mạch máu giao thông trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường sông nối liền một dải hậu phương với tiền tuyến.

80% lực lượng TNXP được sung vào ngành giao thông vận tải đã qua nhiều năm tháng chiến đấu, cống hiến với tinh thần “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm” mà không đòi lại cho mình ngay cả một sự ghi nhận chính danh. Nhiều năm qua cả ngành giao thông vận tải cùng các ban, ngành, đoàn thể, cả người dân và các đồng đội cũ đã cách này hay cách khác, cố gắng tối đa để bù đắp, sẻ chia những mất mát thiệt thòi của các cựu TNXP thời hậu chiến, dẫu vẫn biết rằng, có làm nhiều bao nhiêu cũng vẫn là chưa đủ. Một chính sách quyết liệt vượt trên các trở ngại quan liêu, một sự đồng tâm của toàn xã hội và nhiều nhiều nữa những tấm lòng nhân ái cùng hướng về các cựu TNXP còn sống, còn chật vật với đời sống, mới mong san vợi phần nào gánh nặng đời thường và mang tới chút công bằng chậm trễ cho họ. Tiêu điểm “Tri ân & Chia sẻ” trên Nhân Dân hằng tháng tháng 7 sẽ từ thực tế để đi tìm một cái kết đẹp làm ấm lòng những con người đã hiến dâng trọn thời tuổi trẻ của mình cho non sông gấm vóc...

Âm vang những con đường Ðồng Lộc

Cuộc đợi chờ không vô vọng

Hồi ức “đường mòn Hồ Chí Minh” trên sông

Những tấm gương sáng giữa cuộc đời

Thanh niên xung phong quên mình vì Tổ quốc

“Thương binh tàn mà không phế”

Đội thanh niên xung phong 105 thời chống Mỹ, cứu nước

Chính sách

70 năm qua, chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với nước là chủ trương nhất quán, được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nghị định của Chính phủ và các văn bản của Bộ Quốc phòng về chính sách xã hội, ưu đãi người có công với cách mạng đã được các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quan tâm thực hiện, góp phần quan trọng bảo đảm quyền lợi về vật chất và tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với đất nước.

- Chỉ thị số 07- CT/TW ngày 14-12-2006 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “đền ơn đáp nghĩa”.

- Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16-7-2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số Điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Cán bộ, nhân viên Hội chữ Thập đỏ Việt Nam thăm hỏi thương binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh). Ảnh: Thủy Nguyên

- Nghị định số 21/2009/NĐ-CP ngày 23-2-2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam về chế độ, chính sách đối với sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ; sĩ quan tại ngũ hy sinh, từ trần; sĩ quan tại ngũ chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp hoặc công chức quốc phòng.

- Nghị định số 88/2011/NĐ-CP ngày 29-9-2011 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với gia đình hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.

- Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

- Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 09-3-2015 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

- Nghị định số 70/2017/NĐ-CP ngày 06-6-2017 của Chính phủ quy định trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

- Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 28-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con liệt sĩ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 25-1-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

- Chỉ thị số 21/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng, thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2017).

Bệnh viện đa khoa Hà Đông phối hợp với UBND Phường Yên Nghĩa tổ chức “Khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách” trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Minh Hà

- Thông tư liên tịch số 36/2009/TTLT-BQP-BNV-BLĐTBXH-BTC ngày 21-7-2009 của Bộ quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 21/2009/NĐ-CP ngày 23-2-2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam về chế độ, chính sách đối với sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ; sĩ quan tại ngũ hy sinh, từ trần; sĩ quan tại ngũ chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp hoặc công chức quốc phòng.

- Thông tư liên tịch số 20/2012/TTLT-BQP-BTC ngày 06-3-2012 của Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 88/2011/NĐ-CP ngày 29-9-2011 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với gia đình hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.

- Thông tư số 202/2013/TT-BQP ngày 07-11-2013 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn về trình tự, thủ tục xác nhận; tổ chức thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng.

- Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22-10-2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Quốc phòng về hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ.

- Thông tư số 109/2014/TT-BQP ngày 20-8-2014 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở y tế Quân đội và chế độ phụ cấp chống dịch.

- Thông tư số 09/2012/TT-BQP ngày 08-2-2012 của Bộ Quốc phòng quy định chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất đối với người hưởng lương trong quân đội và mức hỗ trợ đối với cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức lễ tang đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng tại ngũ hy sinh, từ trần.

- Thông tư số 65/2014/TT-BQP ngày 13-6-2014 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên chức quốc phòng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng.

- Công văn số 2962/CS-TBLS ngày 15-12-2014 của Cục Chính sách về việc thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công với cách mạng đang công tác trong quân đội.

- Thông tư số 08/2015/TT-BQP ngày 02-3-2015 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với một số đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng.

Liên kết, hỗ trợ

http://mod.gov.vn

http://chinhsachquandoi.gov.vn

http://nguoicocong.gov.vn

http://trianlietsi.vn

http://www.nhantimdongdoi.org/


Tiêu điểm: Sáng mãi tinh thần thanh niên xung phong (Nhân Dân hằng tháng số tháng 7-2012)

Vẫn biết, chiến tranh luôn để lại những tàn khốc, những nỗi đau, hy sinh và mất mát. Một đất nước bé nhỏ trải qua nhiều cuộc chiến liên miên như Việt Nam, thì việc xoa dịu nỗi đau, hàn gắn vết thương chiến tranh phải cần đến hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Mặc dù Đảng, Nhà nước đã hết sức quan tâm, ban hành hệ thống quyết định, văn bản và chỉ đạo ráo riết, nhưng 37 năm sau chiến tranh, vẫn còn gần một nửa trong số 35 vạn cựu TNXP chưa được hưởng chế độ trợ cấp.

Tháng 7, khi cả nước tưởng nhớ và tri ân những anh hùng liệt sĩ, thương binh, những người có công với nước, chúng tôi muốn tìm về quá khứ vẻ vang và hiện tại âm thầm của gần nửa triệu người đã tham gia kháng chiến bằng việc mở đường, tải thương, vận chuyển lương thực, đạn dược, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu... Chúng tôi tìm về với họ với một niềm tin: ngay cả khi họ lãng quên những cống hiến của mình một thời, thì lịch sử vẫn cần phải ghi nhận cho sự hy sinh, mất mát lặng thầm của họ. Chuyên đề này cũng mong muốn thêm một lần góp tiếng nói nhỏ bé kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp nhân dân trong xã hội chung tay việc chăm lo cho các cựu TNXP - những người đã cống hiến phần tươi đẹp nhất của đời mình cho đất nước. Và cũng thêm một lần khẳng định tinh thần TNXP sáng mãi !

Chỉ đạo nội dung: NGUYỄN NGỌC THANH, NGUYỄN HỒNG MINH
Thực hiện: CHÍ TRUNG, HỒNG VÂN, NAM ĐÔNG
Đồ họa: ĐỨC DUY, HÙNG HIẾU, ANH NGỌC, MẠNH HÀ