Truyền thống đón năm mới
ở một số nước trên thế giới

NDĐT - Đêm 31-12, không khí lễ hội bao trùm ở khắp mọi nơi trên thế giới khi mọi người đang háo hức chờ đón thời khắc chuyển sang năm mới. Ở mỗi đất nước, người dân lại có cách đón năm mới một cách rất khác nhau. Đồng thời, do múi giờ chênh lệch, mỗi quốc gia trên thế giới lại bước sang năm mới vào một thời điểm khác biệt.

Mặc dù màn bắn pháo hoa ở bến cảng Sydney thường được coi là sự kiện mở màn cho loạt lễ hội Giao thừa trên toàn thế giới, nhưng Australia không phải là quốc gia đầu tiên chuyển sang năm mới. Trên thực tế, quốc đảo nhỏ bé Tonga trên biển Thái Bình Dương mới là địa điểm đầu tiên trên thế giới đón chào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Còn địa điểm cuối cùng trên thế giới diễn ra sự kiện này là hai hòn đảo xa xôi hẻo lánh của nước Mỹ.

Tuy nhiên, dù lễ mừng năm mới diễn ra như thế nào, hay vào thời điểm nào, truyền thống này cũng đều mang hàm nghĩa cầu mong sự may mắn và tài lộc sẽ tới trong cả năm tiếp theo. Chúng ta hãy cùng điểm qua một số tục lệ chào đón năm mới ở một số quốc gia trên thế giới.

1. Brazil

Tại Brazil, trong đêm Giao thừa, người ta thường mặc đồ toàn mầu trắng để tìm cách tránh xui xẻo trong năm mới. Ngoài ra, người dân tại quốc gia này còn có truyền thống chào đón năm mới bằng cách nhảy qua bảy cơn sóng biển (mỗi ngày một lần trong cả tuần) và ném hoa xuống biển.

2. Chile

Người dân Chile có truyền thống ăn một thìa đầy đậu lăng vào đúng nửa đêm Giao thừa và đặt tiền vào trong lòng giầy để mang lại sự thịnh vượng trong năm mới. Thậm chí nhiều người còn đón Giao thừa và năm mới trong nghĩa địa cùng với những người thân đã khuất của họ.

3. Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia đã phát minh ra pháo hoa, bởi vậy sẽ không có gì lạ khi lễ chào đón năm mới của người dân nước này luôn rực rỡ với các màn bắn pháo hoa. Ngoài ra, người dân Trung Quốc có còn truyền thống mặc đồ mầu đỏ và tặng tiền lì xì đựng trong phong bì mầu đỏ cho trẻ em để lấy may. Tuy nhiên, cũng giống như Việt Nam và nhiều nước châu Á khác, người Trung Quốc thường coi trọng ăn Tết Âm lịch hơn so với Tết Dương lịch của người phương Tây.

4. Cuba

Nếu bạn là người đam mê du lịch, người Cuba khuyên bạn nên đi vòng quanh ngôi nhà của mình với một chiếc vali khi đồng hồ điểm thời khắc chuyển giao năm mới. Điều này có nghĩa là bạn sẽ có được nhiều cơ hội đi du lịch hơn trong năm sắp tới. Để mang lại may mắn trong năm mới, người Cuba sẽ quét nhà hay hắt nước qua cửa sổ.

5. Đan Mạch

Người Đan Mạch bày tỏ sự quý mến bạn bè và hàng xóm trong dịp năm mới như thế nào? Họ thường đập bát đĩa và cốc chén vào tường nhà. Trong suốt cả năm, người Đan Mạch tích trữ các loại đồ sứ cũ. Đến ngày 31-12, họ chạy quanh ngôi nhà của những người bạn và đập vỡ những đồ sứ này trước cửa ngôi nhà đó. Và kết quả là, nhà ai càng có nhiều mảnh sứ vỡ trước cửa vào sáng hôm sau, chứng tỏ họ càng có nhiều bạn bè. Để mang lại thêm may mắn, người ta thường đứng trên một cái ghế và nhảy xuống vào lúc nửa đêm.

6. Ecuador

Người dân Ecuado thường đốt hình nộm những người mà họ không thích vào lúc Giao thừa và cho rằng việc này sẽ giúp họ loại bỏ những năng lượng tiêu cực trong năm cũ. Một số nước khác như Panama, Paraguay và Colombia cũng có tục lệ tương tự.

Người dân Ecuador còn có tục lệ giấu tiền chung quanh nhà của mình để mong đạt thịnh vượng trong năm mới.

7. Đức

Trong dịp năm mới, người Đức (và cả người Áo nữa) thường nung chảy chì trong một chiếc thìa, ném vào nước lạnh và sau đó nhìn hình dáng viên chì để tiên đoán về những điều trong năm tới.

Nhưng người Đức còn có một truyền thống kỳ lạ hơn, đó là sự yêu thích một chương trình truyền hình ngắn của Anh có tên là "Bữa tối cho một người". Mặc dù người Anh gần như chẳng biết đến chương trình này, nhưng nó lại là một trong những chương trình được ưa chuộng nhất vào đêm Giao thừa ở Đức. Nó cũng từng giành kỷ lục Guinness về chương trình được chiếu đi chiếu lại nhiều lần nhất mọi thời đại.

8. Hy Lạp

Tại Hy Lạp, người dân thường hò hát chào mừng năm mới. Và trẻ em thì hát những bài hát để nhận tiền thưởng từ gia đình và hàng xóm. Khi mọi người bắt đầu đếm ngược tới Giao thừa, các gia đình tắt hết đèn đóm để có thể bắt đầu năm mới bằng mắt thường.

Một truyền thống đón năm mới quan trọng khác của người Hy Lạp là chiếc bánh Vasilópita, một loại bánh có giấu một đồng xu hoặc một vật nhỏ nào đó ở bên trong. Ai nhận được miếng bánh có đồng xu sẽ được may mắn trong suốt năm tới.

9. Nhật Bản

Lịch 12 con giáp rất quan trọng với những người theo đạo Phật. Rất nhiều người Nhật Bản chào mừng những con vật linh của năm mới và đi thăm viếng chùa chiền, nơi có 108 tiếng chuông được gióng lên mừng năm mới. Người Nhật cũng coi trọng việc dọn dẹp nhà cửa và dàn xếp những tranh chấp trong năm cũ để đón một năm mới sạch sẽ.

10. Hà Lan

Hằng năm, người Hà Lan thường chơi trò làm nổ các bình đựng sữa cũ. Để tạo ra tiếng nổ, người ta thường cho các-bua và nước vào trong một bình đựng sữa cũ có đậy nắp. Sau đó kích nổ bằng cách hơ ngọn đuốc bên ngoài. Mặc dù trò chơi này rất nguy hiểm và bị cấm ở nhiều thành phố, nhưng cũng không ngăn được nhiều thanh niên thích mạo hiểm tham dự truyền thống này. Ngoài ra, tại Hà Lan còn có lễ hội Bơi lặn Năm mới, là nơi hàng nghìn tay bơi lội thử thách trong làn nước lạnh giá của Biển Bắc.

11. Philippines

Người Philippines thích mặc đồ chấm bi vào đêm Giao thừa, đồng thời mang theo các đồng xu trong túi. Những thứ có hình tròn được người Philippines coi như dấu hiệu của sự thịnh vượng, bởi vậy trong dịp năm mới nhiều gia đình trưng bày và ăn những hoa quả mang hình tròn như cam hay bưởi.

12. Nga

Với mong muốn biến điều ước thành hiện thực trong năm mới, người Nga viết những ước mong của mình lên một mảnh giấy, đốt nó và trộn đám tro vào một ly sâm-panh rồi uống cạn. Một truyền thống đón năm mới khác của người Nga là một cây thông Năm mới, và một ông già Noel của Nga tên là Ded Moroz (Ông già Tuyết), người cùng với cháu gái của mình, Snegurochka, đi tặng quà cho trẻ em.

13. Scotland

Người Scotland cũng có truyền thống "xông nhà" và mang quà tặng bạn bè và hàng xóm giống người Việt Nam. Nhưng nếu bạn là người đầu tiên "xông nhà" một người khác, bạn phải mang theo quà tặng, thường là những quà tặng nhỏ như bánh mì, than hay rượu whiskey.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải cảm ơn người Scotland với bài hát chào năm mới nổi tiếng "Auld Lang Syne". Trong dịp này, bài hát của nhà thơ Robert Burns vang lên trên khắp thế giới, thậm chí là cả ở những nước không nói tiếng Anh.

14. Nam Phi

Tại thành phố Johannesburg của Nam Phi, để đón năm mới người dân thường ném các đồ đạc cũ như TV, máy phát thanh hay tủ lạnh qua cửa sổ. Những chiếc tủ lạnh "bay" từng là nguyên nhân khiến nhiều người bị thương, thậm chí đã có trường hợp thiệt mạng. Bởi vậy, người đi đường phải hết sức cẩn thận trong những ngày này.

15. Tây Ban Nha

Ở Tây Ban Nha, cũng như nhiều quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha khác, người ta thường ăn 12 quả nho vào lúc Giao thừa để mang lại may mắn cho mỗi tháng trong năm mới. Truyền thống bắt nguồn từ năm 1895 này nghe có vẻ dễ ngoại trừ việc bạn phải ăn mỗi quả nho khi nghe tiếng chuông nhà thờ ngân.

16. Mỹ

Tại thành phố New York của Mỹ, người dân tụ tập ở quảng trường Thời đại để tham dự lễ đếm ngược tới Giao thừa. Sự kiện được mọi người trông đợi nhất là khi quả bóng khổng lồ được thả rơi từ chiếc cột lớn, báo hiệu thời điểm bắt đầu năm mới.

Nhiều thành phố khác ở Mỹ cũng bắt chước truyền thống này và thả các đồ vật trong thời khắc Giao thừa. Thí dụ như ở Vincennes, bang Indiana, người dân thả những quả dưa hấu từ trên cao xuống.

17. Romania

Romania có một truyền thống đón năm mới rất đặc biệt là mọi người ăn mặc giống những con gấu nhảy nhót để xua đuổi các linh hồn tà ác. Lý do của truyền thống này là trong các câu chuyện cổ của người Romannia, những con gấu mang ý nghĩa rất đặc biệt và chúng có thể bảo vệ và chữa trị cho con người.

Thực hiện: NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ
Xuất bản: 01-01-2018