NGƯỜI GIEO MẦM – NGƯỜI GẶT QUẢ

V óc dáng nhỏ bé, giọng nói nhỏ nhẹ và truyền cảm, bà Lê Kim Ngọc cứ dịu dàng như thế đi hết quãng đường dài cùng GS Trần Thanh Vân, trên cả con đường khoa học và đường đời. Bà là một người vợ tảo tần; một người mẹ đầy tấm lòng yêu thương; một nhà khoa học quyết đoán; một người phụ nữ có trái tim nhân hậu, bao dung… Nhưng dấu ấn sâu đậm hơn cả với hàng nghìn nhà khoa học trên khắp thế giới, thì bà Kim Ngọc là một thư ký xuất sắc cho GS Trần Thanh Vân – một nữ thư ký mẫn tiệp dù đã ở tuổi 80.

Mang đậm nét phụ nữ Á Đông, nhỏ bé, khiêm nhường nhưng đầy mạnh mẽ và quyết liệt, trong ngành sinh học, bà Lê Kim Ngọc là một GS giỏi giang với nhiều nghiên cứu khoa học khiến thế giới phải ngả mũ kính chào.

Tuy nhiên, sự kỳ diệu và tuyệt vời hơn cả ở người phụ nữ này là đức khiêm nhường. Dù đang thành danh trên con đường khoa học của mình, nhưng bà đã quyết định lùi lại để hỗ trợ cho ông Vân. Bà Đoàn Minh Hòa, nguyên Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động thương binh xã hội, một trợ lý từng làm việc với GS Trần Thanh Vân suốt 20 năm qua đã phải thốt lên rằng “Nếu không có bác Ngọc, rất khó có bác Vân như hôm nay. Hình ảnh bác Ngọc là người phụ nữ hoàn hảo, rất khó thấy ở Việt Nam và vô cùng khó thấy ở trời tây. Bác không chỉ đầy đủ hội tụ yếu tố tuyệt vời mà còn rất Á Đông”.

Rồi dường như để tăng thêm tính thuyết phục cho nhận định của mình, bà Hòa chỉ vào mái tóc không được gọn gàng lắm của GS Trần Thanh Vân bảo “Nếu hôm nay bác Ngọc ở đây, bác Ngọc sẽ kéo bác Vân ra chải đầu ngay. Bác Ngọc là một người phụ nữ giản dị nhưng đầy phi thường”.

Ở độ tuổi 80, GS Lê Kim Ngọc vẫn làm việc không ngừng nghỉ. Bà vẫn là Chủ tịch Hội giúp đỡ trẻ em Việt Nam tại Pháp suốt 40 năm qua. Hội đã cùng Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam xây dựng ba làng trẻ SOS, xây dựng một lò bánh mì tại Huế. Và đặc biệt, bà không thể thiếu vắng trong hành trình đi khắp nơi để tổ chức những cuộc “Gặp gỡ Việt Nam” với GS Trần Thanh Vân. Những ngày bận rộn tại chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 25, bà vẫn ngồi mở smartphone để điều hành công việc, book chuyến bay, khách sạn cho các nhà khoa học… Rồi bà lặng lẽ rời khỏi cuộc họp tấp nập, đi vào phòng riêng để chắp bút viết bài phát biểu cho GS Trần Thanh Vân.

nhandan.com.vn

Ông Vân, bà Ngọc có hai cô con gái, hai cậu con rể người Pháp và sáu đứa cháu. Hai cô con gái đều chọn ngành khác để theo đuổi. Tiếng Việt với các cháu ngoại cũng không sõi, nhưng chúng đều có tên Việt Nam như Kim Anh, Sao Mai, Thanh Tâm… Hai chàng rể người Pháp cũng rất Á Đông. Dù không sống chung một nhà, nhưng các con của ông bà đều âm thầm ủng hộ hai nhà khoa học cao tuổi này bằng những chuyến trở về Việt Nam hằng năm.

Ngôi nhà nhỏ tại Pháp của vợ chồng GS được biết đến rất giản dị nhưng ấm cúng. Không sống chung với con cái, không người giúp việc, làm việc quên cả bữa ăn, hai ông bà ở tuổi 80 cứ thế đầy sinh lực nghiên cứu khoa học, đi khắp nơi trên thế giới và chăm nhau như thuở còn son trẻ.

Những bữa cơm của gia đình ông vẫn đậm chất Việt Nam, đặc biệt mang dấu ấn ẩm thực của mảnh đất miền trung nắng gió nơi sinh ra GS Trần Thanh Vân. “Đặc sản” tại căn nhà này là cá nục kho. Và đây cũng là món mà ông bà Vân Ngọc thường dùng để đãi khách đến nhà chơi. Sẽ khó tìm thấy bóng dáng của sự hào nhoáng, xa hoa trong ngôi nhà của ông bà, dù họ đang sống ở một đất nước văn minh, giao thiệp với những tầng lớp bậc trung trong xã hội của phương tây.

Sự đồng điệu của hai nhà khoa học này, không hẳn vì cùng trưởng thành trên mảnh đất xa xứ, đau đáu một tâm thức muốn mang những gì tiên tiến của thế giới về Việt Nam, trong đó có khoa học để phát triển đất nước. Họ, đã trải qua những ngày tháng tuổi thơ đầy dữ dội. GS Lê Kim Ngọc mồ côi lúc hai tuổi và lớn lên trong tình yêu thương của những người chị gái, trong đó có một chị gái không lấy chồng để nuôi bà. GS Trần Thanh Vân mồ côi khi lên 10 và ông sớm sang đất Pháp với những người anh của mình.

Vì thế, trong hành trình mang khoa học về Việt Nam, ông bà luôn dành sự quan tâm của mình với những đứa trẻ mồ côi cần có mái ấm để che chở, dung dưỡng. Nhiều năm qua, ông bà đã cùng xây dựng nên ba làng SOS, trong đó, hỗ trợ 100% cho làng SOS tại Thừa – Thiên Huế.

Không chỉ bao dung với con cái, bao nhiêu năm qua, bà Ngọc và ông Vân đã mở rộng tấm lòng bao dung với những người xung quanh, với những người con, người cháu đất Việt được học hành, trưởng thành trên đất Pháp. Đã có nhiều lứa học sinh được nuôi dưỡng trong căn nhà của ông bà Vân Ngọc, ăn những bữa cơm đạm bạc để dùi mài kinh sử. Họ đến hay rời khỏi nhà ông bà, bao giờ cũng được đón tiếp chu đáo. Ở độ tuổi 80, mắt đã mờ hơn, chân cũng chậm hơn, nhưng chưa bao giờ ông để các du học sinh đơn độc khi cần ông giúp đỡ. “Ông vẫn thường xuyên đi bộ ra ga cách nhà chừng mấy cây số để đón du học sinh”, bà Ngọc kể lại với chất giọng đầy âu yếm.

Vượt qua những nghi ngại về sự quá tốt, vượt qua những ngày không được trải thảm đỏ khi trở về Việt Nam, bằng tình yêu dành cho những người trẻ, tình yêu dành cho quê hương, ông bà Vân – Ngọc vượt lên hết mọi dị nghị. Ông bà Vân - Ngọc tâm sự có những bài báo viết cay đắng lắm nhưng cuối cùng họ đã gần như tìm được hướng đi đích thực.

Điều khiến chúng tôi vẫn luôn luôn cảm thấy ngạc nhiên và thán phục, vì khả năng xin tài trợ của vợ chồng GS Vân – Ngọc. Với một chân là vai Chủ tịch Hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam tại Pháp của GS Trần Kim Ngọc và vai Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam của GS Trần Thanh Vân, họ đã xin được tài trợ từ quốc tế để xây dựng ba làng SOS Đà Lạt (1974), SOS Thừa - Thiên Huế (2000, trước đây là Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân), SOS Đồng Hới, Quảng Bình (2006).

Nhiều năm qua, hai GS vẫn liên tục vận động xin kinh phí để hỗ trợ các làng trẻ SOS hoạt động. Làng SOS tại Thừa – Thiên Huế vẫn đang được hưởng tài trợ 100%. “Đến 2020, chúng tôi sẽ hỗ trợ 100% cho làng SOS này. Sau năm 2020, nếu chúng tôi không tìm ra tiền tài trợ thì tổ chức SOS quốc tế sẽ bỏ tiền hỗ trợ cho làng”, GS Vân nói.

Với việc tổ chức những hội nghị lớn về khoa học tại Việt Nam, với sức ảnh hưởng là Chủ tịch của Hội Gặp gỡ Mori, GS Vân đã mang rất nhiều học bổng cho các em học sinh Việt Nam. “Thành công của cuộc gặp gỡ các nhà khoa học thế giới là giúp các em sinh viên Việt Nam được tiếp cận khoa học tiên tiến. Lợi ích đó không đo đếm được. Tổ chức hội nghị lớn như vậy cũng đã làm cho những mạnh thường quân ở Pháp thấy việc này hết sức quan trọng. Thông qua Quỹ Học bổng Vallet, mỗi năm có 2.200 em được học bổng, 18 năm qua có hàng triệu em nhận học bổng. Còn những em học rất giỏi thành công. Một em học giỏi đi xa lợi bằng cả trăm em”, GS Vân chia sẻ.


NHỮNG MÙA QUẢ NGỌT


Là một nhà khoa học lý thuyết, GS Vân rất tâm tư, nếu không có khoa học cơ bản sẽ không có khoa học ứng dụng. Khoa học ứng dụng dựa trên khám phá của nhà khoa học cơ bản nhưng nếu Việt Nam không đầu tư vào khoa học cơ bản thì phát triển của chúng ta sẽ bị đình trệ.

Vì thế, trong những du học sinh sang Pháp có cơ hội tiếp cận học bổng Vallet, GS Vân luôn khuyến khích các em học và làm về khoa học ứng dụng. Và một trong những điểm nhấn mà ở độ tuổi 80, ông vẫn quyết tâm phải thực hiện dự án hàng chục năm qua của ông tại Việt Nam là ra đời Trung tâm Khám phá khoa học.

Trong chuyến đi tới Quy Nhơn, chúng tôi có cơ hội được gặp gỡ Lê Trung Quân, Giám đốc kỹ thuật Trung tâm khám phá khoa học tại Tổ hợp không gian khoa học tại Trung tâm Gặp gỡ Việt Nam. Em là một trong số học sinh xuất sắc mà GS Trần Thanh Vân tin tưởng giao nhiệm vụ đứng đầu một trung tâm khoa học để giới thiệu khoa học với các em học sinh, sinh viên Việt Nam.

Năm 2005, Quân được chọn trao học bổng Odon Vallet và lần đầu tiên gặp GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu tiên, Quân đã biết tới ý tưởng về dự án làm Tổ hợp không gian khoa học của GS Vân nhưng phải 9 năm sau, GS Vân mới ngỏ ý giao trọng trách làm quản lý cho Quân. “Tôi biết đây là dự án của mình rồi”, Quân kể. Đam mê thiên văn học, Quân hào hứng với dự án Tổ hợp không gian khoa học như một đứa con mình.

Là một cậu sinh viên chuyên toán nhưng rất kỹ càng về câu chữ, tỉ mỉ, chi tiết về khoa học, được sinh ra trong một gia đình coi trọng khoa học thường thức, Lê Trung Quân đã đặt những viên gạch đầu tiên cho Trung tâm Khám phá đầy tâm huyết của GS Vân. Và trong đó, GS Vân là linh hồn của dự án, là người kết nối các nhà khoa học, kết nối tri thức thế giới với các nhà khoa học trẻ Việt Nam.

Với mục tiêu phổ biến khoa học và hướng phát triển tiếp cận càng nhiều công chúng càng tốt, Lê Trung Quân cho biết, GS Vân đã tính toán đặt tại Quy Nhơn để chia đều cơ hội khám phá khoa học cho những học sinh, công chúng tại các tỉnh miền Trung. “Chúng tôi sẽ mời những trường học, học sinh đến hội khóa. Thậm chí, cho xe đi vùng sâu, vùng xa nơi không có điều kiện đưa học sinh đến cũng như mời học sinh các tỉnh chung quanh đến Trung tâm để tìm hiểu khoa học. Tương lai, đây sẽ là điểm nhấn về du lịch của Bình Định”, Quân tự hào nói.

NHỮNG MÙA QUẢ NGỌT


25 năm qua, Gặp gỡ Việt Nam đã hỗ trợ học bổng giúp hệ Cử nhân tài năng từ năm 1977 cho ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Một số lớn sinh viên được tuyển vào học ở Trường đại học Bách khoa Paris (Ecole Polytechnique). Tổ chức đã kết nối với ĐH Brown (thông qua GS. Chung I Tan) hỗ trợ một số sinh viên đã sang Mỹ làm luận án và đã tốt nghiệp. Từ năm 1993 đến nay, Hội Gặp gỡ Việt Nam tài trợ tổ chức hơn 35 lớp học quốc tế về Vật lý lý thuyết, Vật lý Thiên văn, Toán học, Toán học ứng dụng trong y học để đào tạo nhân lực khoa học chất lượng cao trong các lĩnh vực này cho Việt Nam.

Chúng tôi từng hỏi ông, rằng liệu ai sẽ là những người kế cận tiếp đây, khi ông không còn là người đứng mũi chịu sào cho Gặp gỡ Việt Nam nữa? Ông nghi ngại nói, có thể Gặp gỡ Việt Nam sẽ chìm xuống, sẽ giãn ra những cuộc gặp gỡ còn một nửa, nhưng ông tin, những giá trị mà ông tạo dựng được ngày hôm nay, sẽ có những người khác tâm huyết đứng lên thay ông để duy trì.

25 năm trước, ông gieo mầm cho những cuộc gặp gỡ mang tính bước ngoặt tại Việt Nam. Không chỉ ông trở về, mà ông đã mang rất nhiều nhà khoa học gốc Việt trở về Việt Nam qua Gặp gỡ Việt Nam, để họ chia sẻ về thành tựu, về câu chuyện khoa học mà họ theo đuổi. Mỗi năm, có khoảng hơn một nghìn nhà khoa học đến Việt Nam. Có hơn 10 GS đạt giải Nobel ở các lĩnh vực đã đến Việt Nam để tìm hiểu về đất nước này, và dành cho lớp trẻ những câu chuyện thú vị về công việc theo đuổi khoa học.

Năm 2003, năm khai trương Trung tâm khoa học tại Quy Nhơn, GS Trần Thanh Vân mời được năm GS Nobel. Trong buổi gặp gỡ Chủ tịch nước, khi được hỏi động lực nào để đến Việt Nam, cả năm vị GS đều chia sẻ “Chúng tôi là bạn của ông Trần, ông ấy bảo chúng tôi đi đâu chúng tôi đi đấy. Khoa học với chúng tôi không có biên giới. Xin hãy bóc lột chúng tôi nhiều hơn nữa. Chúng tôi đến Việt Nam, muốn cống hiến cho Việt Nam vì yêu quý ông Trần, bà Trần”. Sự trân quý ấy, có lẽ không chỉ riêng của những vị GS đạt giải Nobel mà của cả hàng nghìn nhà khoa học đến Việt Nam mỗi dịp Gặp gỡ Việt Nam tổ chức.

Các nhà khoa học hội ngộ tại chương trình Gặp gỡ Việt Nam năm 2018


Năm 32 tuổi, ông Vân đã giữ vai trò là Chủ tịch của Hội Gặp gỡ Mori, tập hợp các nhà vật lý ở Pháp. 25 năm trước, GS Trần Thanh Vân nghĩ tại sao không mang mô hình này về Việt Nam và vì thế, Gặp gỡ Việt Nam ra đời, trở thành một điểm đến của các nhà khoa học trên thế giới, là nơi hội tụ đỉnh cao trí tuệ khoa học, là nơi mà các nhà khoa học Việt Nam được tìm hiểu về khoa học các nước trên thế giới.

Với một tâm ý “người Việt Nam hãy giúp người Việt Nam” và học là để trở về, suốt những năm tháng qua sống trên đất Pháp, ông Vân đã tạo dựng nhiều thế hệ học trò được tiếp cận với kiến thức thế giới.

Trong sự ưu tiên đặc biệt của mình, GS Vân dành sự quan tâm với sinh viên ngành khoa học. “Ngành đó sẽ hỗ trợ được cho kỹ thuật Việt Nam phát triển”, GS Vân nói. Ông chọn những trường đóng ít học phí nhất, có hỗ trợ nhà ở. Hội Khoa học của ông chỉ trợ cấp cho đủ ăn, đủ để em du học sinh trân quý những ngày tháng học tập miệt mài trên đất khách quê người. GS Vân đã nâng cánh cho các học sinh tài năng, trưởng thành, vững vàng và trở về Việt Nam cống hiến cho khoa học.

“Phải có một tình yêu bao la, sâu sắc và mang đậm nét của người Việt, đậm nét của người miền trung mới tính toán như thế. Người miền trung chắt chiu từng hạt lúa, củ khoai để con em học sinh sau này của mình được đi học”, bà Đoàn Minh Hòa xúc động nói.