Người lớn tuổi kể lại, những năm đổ lửa, Tủng là đứa trẻ mười ba tuổi, đầu trọc vì bị ghẻ, sống sót trong đoàn tản cư bị pháo lạc, rồi từ đó ở lại nơi này. Chú ít nói bởi biết giọng mình vừa ngọng lại vừa cà lăm; câu nào nói ra cũng lục cà lục cục, rướn cổ rặn từng chữ đến đỏ mặt như Bao Công. Người ta nói, chắc do bị trận pháo năm xưa khiến tâm thần chú không được khôn lanh như người bình thường. Tuy nhiên đối với bọn trẻ chúng tôi, chú khôn số một!

| Mùa bánh Tết. Ảnh: Nguyễn Công Toại

Không ai dặn dò, chú không ghi lại và cũng không biết coi lịch; vậy mà hễ cứ nhà ai có giỗ quải, là có chú. Chú lặng lẽ đến gánh nước đổ đầy hết mấy cái lu; đốn củi, bửa thành từng khúc rồi sắp ngay ngắn vào cự. Khi người ta tụ lại ăn giỗ cũng là lúc chú lặng lẽ biến mất về đình, không nói một câu nào. Và sau bữa giỗ, thế nào mẹ cũng gọi tôi đem cho chú mấy bọc đồ ăn, nào là cơm, nào là cà ri, nào là bánh trái. Lần nào gặp tôi từ cổng đình, chú vui mừng lắm. Và lúc ra về chú sẽ dúi vào tay tôi một trái bình bát chín hay một chùm me nước mà chú bẻ được ở ven đường.

Từ khi biết đến nay, hầu như đêm ba mươi Tết nào sân nhà tôi cũng bập bùng nồi bánh tét. Nhưng cũng lâu rồi, không còn tiếng réo gọi của bà nội hoặc mẹ: “Tủng ơi, coi chừng lửa rụi nghen mậy”, “Tủng ơi, châm nước vô chưa?”... Chợt nhớ quá năm xưa, những ngày tháng Chạp như một tiếng chuông ngân từ sâu thẳm trong tim vọng về...


| Mùa bánh Tết. Ảnh: Nguyễn Công Toại

Thông thường vào ngày Rằm tháng Chạp, chú Tủng sẽ đến nhà, chỉ chỉ cây mai, cả nhà biết ngay là đã đến mùa lặt lá. Tôi bắt cái đế đôn ra sân, với lặt những chiếc lá cao; chú đứng chân đất, mặt ngước lên, lặt từng chiếc lá mai cẩn thận. Không biết ai dạy, nhưng chú có kinh nghiệm rất chính xác. Không phải năm nào đúng Rằm chú cũng đến kêu “lặt lặt lặt lặt... lá mai”. Có năm chờ đến mười bảy rồi mà không thấy, mẹ nói, chắc thằng Tủng đau ốm hay sao đó. Nhưng đến chiều thì chú đến, vào nhà lấy chiếc ghế ra sân, chú nói: “Trời nóng, gió mạnh nên lặt lặt lặt... trễ”.

Và rồi thế nào mấy hôm sau, chú cũng đến, nhìn mớ gỗ mẹ tôi phơi trước sân là chú biết, cái nào chẻ để chụm bếp nhà, cái nào để đun nồi bánh Tết. Chú chẻ đều, sắp vào cự củi ngay ngắn, đến khi gần xong rồi vẫn còn đứng nghía coi có cây củi nào nằm không ngay, sẽ sửa lại cho ăn khớp. Cũng như mọi lần khác, không đòi tiền công, xong việc thì chú xuống bến sông tắm đã đời rồi để mình ướt lội bộ về đình. Mẹ lại kêu tôi cầm mấy chục nghìn và đùm bánh ú sang cho chú. Thể nào trên đường về tôi cũng cầm theo chùm nhãn hoặc chôm chôm, vừa chạy vừa ăn, khoái chí.

Trong ký ức tôi, chú Tủng không có Tết. Đêm ba mươi, không ở nhà tôi chú cũng ở nhà ai đó bên xóm, ngồi bên nồi bánh tét, canh lửa. Nghe tí tách rồi cười cười. Khi nồi bánh chín, cũng là lúc chú nhấc chiếc nồi xuống sông chùi rửa cho sạch sẽ. Rồi vác trên vai mấy đòn bánh tét, vừa đi vừa huýt sáo vui mừng. Nỗi niềm của chú giản đơn đến mức chỉ mấy đòn bánh tét thôi chú cũng thấy đong đầy như dòng sông đang con nước lớn.

Tết, người ta đến đình, chú Tủng bận áo dài khăn đóng ra dáng một ông từ. Áo quần nghiêm chỉnh chú không quen, nên cứ níu cái tay áo thụng hoài như sợ rớt. Lần nào cũng vậy, đi cúng đình Tết về, mẹ khen, “thằng Tủng ba đầu sáu tay hay sao, nguyên mùa Chạp nó đi làm bù đầu mà tối về lọ mọ dọn dẹp nguyên cái đình không có một hạt bụi”. Và tôi nhớ, rất nhớ, chắc chắn lần nào cũng vậy sau hồi hương khấn Thành hoàng, chú Tủng cũng sẽ kéo bọn con nít chúng tôi vào vách đình, chìa ra mấy tờ lì xì, bên trong là mấy tờ bạc cắc. Có đứa chê ít không lấy, nhưng với tôi đó là niềm vui, “chú Tủng mở hàng thế nào cũng đắt như tôm tươi”...


| Mùa bánh Tết. Ảnh: Nguyễn Công Toại

Nhiều năm tôi lên phố học, Tết mới về nhà. Chú Tủng như không hề già, vẫn ung dung xuống sông gánh cả trăm đôi nước cho từng nhà, đốn mấy thước củi sắp vào cự ngay ngắn. Rồi lại ngồi bên nồi bánh lửa đều đều, nghe tụi trẻ kể chuyện phố xá, chú lắng tai nghe, trố mắc ngạc nhiên rồi vỗ tay bép bép. Tôi không nhớ rõ lần cuối cùng mình gặp chú khi nào, nhưng có lẽ hơn chục năm, chú vắng xa cái xóm Đình này, lặng lẽ nằm nép sau rìa nghĩa địa; như lúc sinh tiền vẫn lặng lẽ quanh năm.

Hai mươi ba tháng Chạp, tôi lủ khủ nhang đèn vôi nước đi quét mộ ông bà. Mẹ nói, con nhớ chú Tủng không? Tôi chợt giật mình, nghe lòng xao động. Xóm mình lâu rồi không nghe nhắc đến tên người mà ai cũng thương cũng quý. “Con nhớ thắp cho chú nén nhang”. Ngôi mộ chú đất trôi thấp tè, nằm trong những nấm đất nhỏ xíu. Đầu mộ có gắn một cái bia xi măng, ai đó khắc hai chữ “chú Tủng” nguệch ngoạc, vụng về. Tôi đắp lại nấm mộ cho chú cao hơn. Chà tấm bia đã phủ lên nhiều lớp vôi xanh trắng đỏ. Năm nay, chú mang cùng màu vôi với ông bà tôi; năm sau có thể người khác đến trước, chú sẽ mang màu vôi như ông bà họ.

Chú Tủng lặng lẽ đến cái xóm này, rồi lặng lẽ ra đi trong một ngày mùng ba Tết. Mẹ tôi ngậm ngùi nhắc lại, tội nghiệp thằng Tủng, đến lúc đi nó cũng ráng dọn dẹp sạch sẽ cái đình, giúp xóm mình chuẩn bị xong cái Tết.

Mùng ba, tôi dọn mâm cơm cúng ông bà. Đặt thêm một cái chén, một chai dầu Nhị Thiên Đường và gói thuốc rê. Mẹ hỏi, mớ này cho thằng Tủng hả con? Không ai nói với ai, nhưng mùng ba, mỗi nhà đều chừa cho chú một phần, trên bàn thờ hay dưới bếp, bằng những món thường ngày chú hay dùng, hay thích... Và tôi nhận ra rằng, dẫu không còn tiếng í ới “Tủng ơi”, nhưng nhiều năm rồi, chú Tủng vẫn còn ở đây với xóm Đình như thân thuộc.