Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động

Hỏi: Đề nghị cho biết doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động có quyền và nghĩa vụ gì?

Trả lời: Luật Lao động quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động như sau:

1) Phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu lao động với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động có thẩm quyền.

2) Khai thác thị trường, ký kết hợp đồng với bên nước ngoài.

3) Công bố công khai các tiêu chuẩn, điều kiện tuyển chọn, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động.

4) Trực tiếp tuyển chọn lao động và không được thu phí tuyển chọn của người lao động.

5) Tổ chức đào tạo, giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

6) Ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài với người lao động; tổ chức cho người lao động đi và về nước theo đúng hợp đồng đã ký và quy định của pháp luật.

7) Trực tiếp thu phí xuất khẩu lao động, đóng tiền vào quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động theo quy định của Chính phủ.

8) Quản lý và bảo vệ quyền lợi của người lao động trong thời gian làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại.

9) Bồi thường thiệt hại cho người lao động do doanh nghiệp vi phạm hợp đồng gây ra.

10) Khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do người lao động vi phạm hợp đồng gây ra.

11) Khiếu nại với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

.......................................................

Quản lý, sử dụng nhà chung cư

Hỏi: Người có hành vi làm ảnh hưởng tới trật tự trị an, tự ý thay đổi kết cấu nhà chung cư thì bị xử lý như thế nào?

(Quỳnh Hoa, quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Trả lời: Căn cứ Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26-5-2004 của Chính phủ và Thông tư số 01/2005/TT-BXD ngày 21-1-2005 của Bộ Xây dựng về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà, người thực hiện một trong các hành vi sau thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng: sử dụng hoặc cho người khác sử dụng trái với mục đích quy định; làm ảnh hưởng đến trật tự, trị an, gây ô nhiễm nhà chung cư.

Sử dụng trái với mục đích quy định sử dụng chung cư, làm ảnh hưởng đến trật tự, trị an là hành vi của người chủ sở hữu phần sở hữu riêng hoặc cho người khác sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích khác không phải để ở mà làm cơ sở sản xuất, kinh doanh, văn phòng và các mục đích khác; sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh các ngành nghề và các loại hàng hóa dễ cháy, nổ (kinh doanh hàn, gas, vật liệu nổ...); kinh doanh các dịch vụ gây ồn quá mức (karaoke, vũ trường, sửa chữa xe máy, ô tô...); vi phạm trật tự công cộng; sử dụng thiết bị gây tiếng ồn quá mức làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ sống trong chung cư.

Gây ô nhiễm nhà chung cư là hành vi xả phân, rác, nước thải, chất độc hại; gây thấm, dột; nuôi gia súc, gia cầm trong khu vực thuộc phần sở hữu chung; nuôi gia súc, gia cầm thuộc phần sở hữu riêng mà làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các hộ khác và khu vực công cộng; kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm môi trường (lò mổ gia súc, rửa xe...).

Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi: Đục phá, cải tạo, cơi nới dưới mọi hình thức; tháo dỡ hoặc làm thay đổi phần kết cấu chịu lực, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị sử dụng chung, kiến trúc bên ngòai của nhà chung cư.

Hành vi tự ý thay đổi kết cấu, thiết kế là hành vi xây tường ngăn lên mặt sàn, di chuyển các trang thiết bị và hệ thống kỹ thuật của phần sở hữu chung trong nhà chung cư. Phần sở hữu chung là diện tích của chung cư, bao gồm: phần không gian và hệ thống kết cấu chịu lực, trang thiết bị kỹ thuật dùng chung trong nhà chung cư (khung cột, tường, sàn, mái, sân thượng, hành lang, cầu thang bộ, thang máy, đường thoát hiểm, lồng xả rác, hộp kỹ thuật, nơi để xe, hệ thống cấp điện, nước, gas, thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, thoát nước, bể phốt, thu lôi, cứu hỏa...); hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật gắn với nhà chung cư.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi; buộc tháo dỡ bộ phận công trình, công trình vi phạm; buộc thực hiện đúng các quy định về sử dụng nhà chung cư.

.......................................................

Hỏi: Chúng tôi là công nhân làm việc tại một công ty TNHH. Do không đồng ý với cách điều hành công việc của quản đốc phân xưởng, chúng tôi đã cùng nhau nghỉ việc một tuần. Sau đó, Ban GĐ gọi chúng tôi lên họp và ra quyết định kỷ luật sa thải chúng tôi. Xin hỏi, quyết định đó của Ban GĐ có trái pháp luật hay không?

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 85 của Bộ luật Lao động thì hình thức xử lý kỷ luật sa thải chỉ được áp dụng trong những trường hợp sau:

a. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp.

b. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương, chuyển làm công việc khác mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.

c. Người lao động tự ý nghỉ việc năm ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng.

Tại điểm 3 phần III Thông tư 19/2003/TT-BLĐTBXH hướng dẫn cụ thể các trường hợp được coi là có lý do chính đáng theo quy định tại Điểm C, Khoản 1 Điều 85 là:

a. Do thiên tai, hỏa hoạn có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường nơi xảy ra.

b. Do bản thân ốm có giấy nghỉ ốm của cơ sở y tế có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc có xác nhận của cơ sở y tế được thành lập hợp pháp khám và điều trị.

c. Do bản thân ốm trong trường hợp cấp cứu và có xác nhận của cơ sở y tế được thành lập hợp pháp tiếp thận khám và điều trị. Thân nhân bị ốm: bao gồm bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc chồng; con.

d. Các trường hợp khác do người sử dụng lao động quy định trong nội quy lao động.

Trong trường hợp này, nếu không đồng ý với cách quản lý của người quản đốc phân xưởng thì các bạn có thể nhờ tổ chức Công đoàn đứng ra can thiệp. Việc các bạn vì bất mãn với cách quản lý của người quản đốc phân xưởng mà tự ý nghỉ việc bảy ngày như trên không thuộc một trong những lý do chính đáng theo quy định của pháp luật. Như vậy, Ban Giám đốc công ty đã áp dụng hình thức kỷ luật sa thải với các bạn theo Điểm C, Khoản 1 Điều 85 Bộ luật Lao động là không vi phạm pháp luật.

.......................................................

Có được khiếu nại kết luận giám định không?

Hỏi: Tôi với người hàng xóm có mâu thuẫn dẫn đến xô xát với nhau. Trong lúc xô đẩy, tôi đã làm người đó va vào gốc cây dẫn đến thương tích. Tôi thấy, anh ta chỉ có một vết thương ở tay, nhưng khi đi giám định lại có những kết luận tổn thương ở nhiều nơi, với tỷ lệ thương tật rất bất lợi cho tôi. Nếu không đồng ý với biên bản giám định đó tôi phải làm thế nào?

(Trần Minh Thành, Hậu Lộc, Thanh Hóa)

Trả lời: Theo quy định của Điều 158 và Điều 159 Bộ luật Tố tụng hình sự thì sau khi tiến hành giám định, nếu bị can và những người tiến hành tố tụng khác yêu cầu thì cơ quan đã trưng cầu giám định phải thông báo cho họ về nội dung kết luận giám định. Bị can, người tham gia tố tụng được trình bày ý kiến; được yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại. Nếu cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không chấp nhận yêu cầu đó thì phải nêu rõ lý do và thông báo cho họ biết. Việc giám định bổ sung, giám định lại là khi nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc phát sinh những vấn đề mới liên quan đến những tình tiết của vụ án đã được kết luận trước đó; trường hợp có nghi ngờ về kết quả giám định hoặc có những mâu thuẫn trong các kết luận giám định. Điều 50 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định: Bị cáo có quyền đề nghị thay đổi người giám định (điểm d).

Như vậy, nếu ông không đồng ý hoặc nghi ngờ với bản kết luận giám định thì ông có quyền yêu cầu cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trưng cầu giám định lại. Nếu các cơ quan này không chấp nhận thì khi vụ án đưa ra xét xử, ông vẫn có quyền yêu cầu thay đổi người giám định và việc giám định.