Tạo không gian đọc sách cho trẻ

NDO - Mùa hè rộn ràng với những chuyến đi chơi xa, những hoạt động thể chất ngoài trời, trẻ em sung sướng được tạm quên đi sách vở. Hết chạy nhảy bên ngoài, chúng lại ùa vào nhà dán mắt vào ti-vi, máy tính. Nghỉ ngơi, vui chơi là cần thiết, song thật phí phạm thời gian nếu không giúp trẻ em mở rộng không gian khám phá trong thế giới sách, truyện bổ ích.
Các em thiếu nhi chọn mua sách tại cửa hàng Tổng công ty phát hành sách Việt Nam. Ảnh: TRẦN HẢI
Các em thiếu nhi chọn mua sách tại cửa hàng Tổng công ty phát hành sách Việt Nam. Ảnh: TRẦN HẢI

Năm học chưa kết thúc, các vị phụ huynh đã vội vã tới Cung Thiếu nhi Hà Nội, Trường Thể dục - Thể thao thiếu nhi 10-10... tìm hiểu, đăng ký cho con học ngoại khóa. Nào là học võ, học bơi, học đá bóng, bóng rổ, học đàn, vẽ, cờ vua, toán học trí tuệ... Ai cũng muốn tận dụng những ngày hè ngắn ngủi để con thêm khỏe, thêm vui với những hoạt động thể chất và trí tuệ ấy. Nhưng học gì thì cũng chỉ hai giờ/buổi và vài buổi trong một tuần. Thời gian còn lại, các bậc cha mẹ hầu như không biết phải quản lý các con như thế nào.

Chị Nguyễn Thị Thanh, nhà ở khu tập thể Vĩnh Hồ (quận Ðống Ða) than thở: "Tôi đau đầu vì hai đứa con trai, đứa lớn 9 tuổi, đứa bé 6 tuổi cứ suốt ngày kêu chán, chẳng được làm gì, chẳng được đi chơi đâu. Sáng ngủ dậy, hết ra vào ca cẩm, chúng lại dán mắt vào ti-vi, rồi máy tính". Tuần bốn buổi, chị Thanh đưa các con đi học bơi và cờ vua, thời gian còn lại để các cháu tự chơi ở nhà. Chị muốn con được nghỉ ngơi, cho nên không bắt con đi học thêm hay tự học ở nhà. Nhưng bọn trẻ kêu luôn chán làm chị thật sự lo lắng. Ðể giúp con có thêm niềm vui, thỉnh thoảng vào ngày nghỉ, vợ chồng chị tổ chức cho cả nhà đi nghỉ mát, hoặc đến các điểm tham quan, vui chơi giải trí trong thành phố. Tuy vậy, trên địa bàn thành phố rất ít điểm vui chơi cho trẻ em, trò chơi cho trẻ tại các điểm này lại đơn điệu.

Con trai chị Nguyễn Minh Phương, nhà ở phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) năm nay 10 tuổi. Nghỉ hè, suốt ngày cháu nằm dài xem ti-vi. Sợ ảnh hưởng thị lực, chị chỉ cho con xem trong một vài giờ nhất định, nhằm hạn chế bớt thời gian cháu nằm thụ động trước vô tuyến, đồng thời khuyến khích con đọc sách. Chị chú trọng tìm mua những cuốn sách văn học thiếu nhi đã có tiếng, nhưng cháu tỏ ra rất hờ hững; ngại đọc khi thấy sách dày, chỉ có chữ. Cháu chỉ chăm chú xem mấy cuốn truyện tranh. Ngoài mấy cuốn truyện tranh Ðô-rê-mon có lồng ghép kiến thức khoa học và các tình huống giả tưởng vui nhộn, giải trí tốt, những cuốn còn lại chị đều không ưng ý. Cốt truyện không có gì, tranh vẽ nhì nhằng, ít câu văn hay, mà chủ yếu là những câu thoại cộc lốc, không đủ cú pháp. Say mê những loại sách ấy chẳng trách nào cháu học văn chật vật, các bài tập làm văn đều diễn đạt rất nghèo nàn, nhìn thấy gì nói đấy, không tư duy tưởng tượng, không suy luận lô-gic. Biết vậy nhưng chị không biết làm thế nào để con chịu đọc những cuốn sách văn học, sách khoa học bổ ích.

Những phàn nàn, băn khoăn của hai vị phụ huynh nói trên cũng là tâm sự của rất nhiều bậc cha mẹ trong dịp hè này. Làm thế nào để kỳ nghỉ hè thật sự vui và bổ ích với các em vẫn là một câu hỏi làm nhiều người đau đầu. Nhiều người nêu quan điểm, tốt nhất là cho chúng đến các lớp học thêm để ôn tập, củng cố kiến thức; vừa không mất nếp học mà vẫn được gặp bạn bè vui vẻ. Lại có ý kiến cho rằng, không nên bắt các con học quá nhiều trong dịp hè, phải cho các con có cơ hội để đến với một thế giới mộng mơ. Thế giới ấy không cứ phải là không gian thực tế, đó là chân trời vô cùng, vô tận trong những trang sách. Vì vậy, giúp trẻ yêu sách, ham đọc sách là tạo cho trẻ những sân chơi mênh mông, không có sự nhàm chán. Mỗi cuốn sách là một cánh cửa mở ra sân chơi ấy.

Có rất nhiều trẻ em ham đọc sách, nhưng do không có người giúp nuôi dưỡng lòng ham mê ấy bằng cách tạo ra một không gian đọc sách thú vị, giới thiệu những tác phẩm văn học hấp dẫn, cho nên dần dà chúng lại buông sách để tìm đến những trò chơi khác. Lỗi ấy chính là do người lớn, những bậc cha mẹ đã chưa biết quan tâm và đầu tư đúng hướng cho con em mình. Lướt qua những hiệu sách dịp này, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều em nhỏ đứng say sưa "đọc cọp" ngay tại giá sách. Có em khi rời hiệu sách còn kín đáo ghi lại số trang đọc dở (có lẽ để mai lại đến đọc tiếp). Phải chăng đó là thú vui, hay là do chúng không có điều kiện mua sách, hoặc xin phép mua thì bị bố mẹ gạt đi? Hoặc vẫn quyển sách ấy, nhưng mang về nhà lại không muốn đọc vì ở nhà quá ồn ào, không có người chia sẻ những điều thú vị sau khi đọc?

Những điều ấy nói lên rằng, trẻ em đang rất cần những không gian giúp khơi gợi và nuôi dưỡng lòng ham mê đọc sách, những sự động viên tích cực để thấy sách thật sự là những người bạn thú vị, hình thức giải trí không bao giờ lặp lại, nhàm chán. Ở Hà Nội hiện có bao nhiêu địa điểm mà ở đó trẻ được thỏa sức đắm mình trong thế giới sách vô cùng phong phú, đã được lựa chọn về nội dung, chất lượng? Phải khẳng định rằng có quá ít. Trong khi đó, việc đầu tư một nơi đọc sách với một tủ sách cho thiếu nhi không quá khó. Ðó có thể là một căn phòng do vài hộ gia đình cùng bố trí cho các con; có thể là một địa điểm công cộng trong khu dân cư; hoặc là một câu lạc bộ đọc sách, thư viện trong nhà trường ... Chỉ cần ai có sự quan tâm và lòng nhiệt huyết thì sẽ làm được. "Câu lạc bộ đọc sách cùng con" do Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh sáng lập được hình thành với tấm lòng như thế, đã thu hút sự tham gia đóng góp công sức sưu tầm, lựa chọn, giới thiệu sách của nhiều nhà văn, dịch giả, nhà sư phạm. Tuy nhiên, các địa điểm đọc sách miễn phí của câu lạc bộ tại Cà-phê Ðông Tây ( nhà N11A phố Trần Quý Kiên); Max space cà phê (số 64 phố Chùa Láng); MC cà-phê (số 559 phố Kim Mã); Lớp vẽ Cốc Cốc Cốc (hội trường nhà A3 Thanh Xuân) vẫn chưa được nhiều trẻ em và các bậc phụ huynh biết đến.

Mong rằng, những mô hình như thế sẽ được giới thiệu rộng rãi, được nhân rộng nhiều hơn nữa, để mùa hè đối với trẻ em là một mùa đọc sách say mê - mùa khám phá chân trời tri thức đầy thú vị, bổ ích.