Nguy cơ dịch chồng dịch

Ngày 28-4, PGS, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: Cùng với dịch sởi, dịch tay, chân, miệng (TCM), thủy đậu cũng đang bùng phát, có thể dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước đã có hơn 17.400 ca mắc TCM tại 62 tỉnh, thành phố, giảm 20% so cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, một số tỉnh có tỷ lệ mắc cao hơn so cùng kỳ là: TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Kon Tum... Bệnh TCM tăng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm, do đó, thời gian tới, vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch TCM. Hơn nữa, năm 2013 số ca mắc thấp, nên theo chu kỳ, khả năng TCM gia tăng là rất cao. Bệnh thủy đậu chưa có thống kê đầy đủ, nhưng cũng đang gia tăng tại TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Dương...

* Ngày 28-4, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có chuyến kiểm tra tình hình bệnh sởi và các căn bệnh mùa nóng tại TP Hồ Chí Minh. Theo báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tuy chưa có trường hợp người bệnh nào tử vong nhưng số lượng người mắc sởi đã tăng mạnh, xuất hiện ở tất cả 24 quận, huyện. Từ đầu năm 2014 tới nay, thành phố có gần 1.500 trường hợp mắc sởi (năm 2013 hơn 400 ca).

Thị sát tình hình tại Khoa cấp cứu và Phòng cách ly thuộc Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bộ trưởng Y tế cho rằng, lưu lượng từ 6.000 đến 7.000 người bệnh vào khám mỗi ngày là quá cao, dễ xảy ra lây nhiễm chéo. Vì vậy, bệnh viện cần phân luồng khám, chữa bệnh hợp lý, nhất là cách ly những người mắc bệnh ngay từ khi tiếp nhận.

* Tiến sĩ K. To-da, thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh: Sởi là một căn bệnh rất dễ lây, có khả năng lây lan rất nhanh ở những người không có miễn dịch hoặc không được tiêm phòng. Để ngăn chặn sự lan rộng của dịch sởi, một quốc gia cần đạt ít nhất 95% số trẻ em có miễn dịch với hai mũi vắc-xin.

Bệnh sởi ở Việt Nam lây lan thông qua các nhóm trẻ em chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh, hoặc ở những trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng. Vì vậy, phải bảo đảm trẻ em từ 9 tháng tuổi được tiêm phòng sởi. Bên cạnh đó, để bệnh không lây lan, nên thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng, nếu ho hoặc hắt hơi nên dạy trẻ ho vào khuỷu tay... đây được xem là những biện pháp phòng ngừa tốt nhất.

* Chiều 28-4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP Hà Nội tổ chức họp giao ban kiểm điểm công tác phòng, chống dịch sởi. Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến ngày 28-4, trên địa bàn thành phố có hơn 88 nghìn trẻ được tiêm vắc-xin sởi, đạt 98%... Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng phát hơn 20 nghìn viên vitamin A cho các bệnh viện để điều trị người bệnh có nguy cơ suy giảm miễn dịch; đồng thời có kế hoạch mua máy thở, máy truyền dịch, bơm tiêm điện... trang bị cho các bệnh viện. Từ ngày 10-5, thành phố tiêm bổ sung vắc-xin cho trẻ từ 6 đến 10 tuổi, phấn đấu trong tháng 5, hoàn thành tiêm vắc-xin cho hơn 90% số trẻ trong lứa tuổi này. Lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu, trong năm ngày nghỉ lễ 30-4, 1-5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh thành phố thực hiện công tác chống dịch với tần suất như hiện nay.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong ngày 28-4, cả nước ghi nhận thêm 35 trường hợp mắc sởi và một trường hợp tử vong tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Như vậy, đến hết ngày 28-4, cả nước ghi nhận 3.751 người mắc sởi tại 61 tỉnh, thành phố, trong tổng số 11.249 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Trong ngày có 15 tỉnh, thành phố không ghi nhận trường hợp mắc sởi mới; tại Bệnh viện Bạch Mai cũng không có người bệnh nghi sởi nhập viện. Hiện nay, tỷ lệ tiêm vắcxin sởi tại các tỉnh, thành phố được nâng lên do các tỉnh tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vét vắc-xin sởi. Kết quả thực hiện kế hoạch tiêm vắc-xin sởi phòng, chống dịch và tiêm vét vắc-xin sởi trên toàn quốc đến ngày 28-4 là 79,4%.