Ðẩy mạnh cải cách hoạt động tư pháp ở Thanh Hóa

Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/T.Ư của Bộ chính trị về "Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020", tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều cố gắng trong lãnh đạo đổi mới hoạt động tư pháp. Ba năm qua công tác điều tra, xét xử, giám sát việc thực thi pháp luật có chuyển biến tích cực, chất lượng đội ngũ được nâng cao, cơ sở vật chất dần được tăng cường, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý được đẩy mạnh. Hoạt động của các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh góp phần bảo đảm an sinh, thực thi dân quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên vẫn còn cấp ủy đảng lơi lỏng vai trò lãnh đạo cải cách tư pháp hoặc can thiệp quá sâu, chất lượng điều tra, kiểm sát điều tra, giám sát tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu.  Tỷ lệ phiên tòa có luật sư tham gia mới đạt 3,2%, tranh tụng tại tòa thiếu toàn diện. Thi hành án dân sự còn nhiều bất cập, hạn chế, án tồn đọng quá nhiều.

Phân tích về tồn tại nêu trên, các ý kiến cho rằng hoạt động tư pháp còn nảy sinh những bất cập về lý luận và thực tiễn, cơ chế lãnh đạo với phối hợp, quản lý, điều hành, thực hiện cải cách hoạt động tư pháp với cải cách thủ tục hành chính.

Trao đổi ý kiến với Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, ông Nguyễn Văn Hiện, lưu ý Thanh Hóa quan tâm hơn nữa khâu tổ chức thực hiện cải cách tư pháp, áp dụng các văn bản pháp luật trong việc xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan nhằm nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, nhất là tăng cường cán bộ tư pháp cho khu vực miền núi; quan tâm nâng cao chất lượng cơ quan giám định và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với cơ quan tư pháp bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.