Ðầu tư sản xuất trang thiết bị y tế

Hiện nay, tại các bệnh viện từ T.Ư tới các quận, huyện, phần lớn trang thiết bị y tế (TTBYT) đều nhập của nước ngoài. Từ các máy hiện đại, đắt tiền như chụp mạch, cộng hưởng từ đến dao, kéo phục vụ phòng mổ...

Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước thời gian qua đã cố gắng, song mới sản xuất được các thiết bị, dụng cụ đơn giản, thông thường, như giường nằm của người bệnh, cáng cấp cứu, găng tay cao-su, bơm tiêm tự khóa, hoặc cao hơn một chút là hệ thống điều trị laze, máy tán sỏi ngoài cơ thể... ở mức độ nhỏ, lẻ.

TTBYT đầy đủ và hiện đại sẽ giúp thầy thuốc chẩn đoán, điều trị có hiệu quả các ca bệnh nặng, phức tạp, góp phần hạn chế tình trạng người bệnh vượt tuyến gây "quá tải" ở tuyến trên hay phải ra nước ngoài chữa trị tốn kém...

Cách đây hơn sáu năm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chính sách quốc gia về TTBYT giai đoạn 2002 - 2010 và tiếp đó là phê duyệt Ðề án "Nghiên cứu, chế tạo và sản xuất TTBYT đến năm 2010". Theo đó, bảy dự án thành phần được giao cho một số đơn vị nghiên cứu sản xuất TTBYT thuộc các bộ: Công thương, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Quốc phòng và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện. Mục tiêu là cung cấp 40% vào năm 2005 và 60% các loại TTBYT thông dụng vào năm 2010.

Thế nhưng, đến nay việc triển khai, thực hiện còn  lúng túng. Có ý kiến cho rằng, TTBYT sản xuất trong nước được sử dụng trong các bệnh viện mới chỉ đạt 15-20%.

Ðã đến lúc cần có một cơ quan "cầm trịch" để nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về TTBYT nhằm tạo sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa Bộ Y tế và các bộ, ngành trong đầu tư nguồn lực, triển khai thực hiện có hiệu quả Ðề án nghiên cứu, chế tạo và sản xuất TTBYT.

Trong đó, tập trung cho việc quy hoạch sản xuất TTBYT, công tác quản lý về TTBYT từ tuyến T.Ư đến địa phương. Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường thuận lợi cho các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ, các doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực tham gia sản xuất TTBYT.

Mặt khác, cần có chính sách khuyến khích các cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng TTBYT sản xuất trong nước đạt chất lượng; hạn chế dần việc nhập khẩu trang thiết bị đắt tiền và khai thác kém hiệu quả... Ðó cũng là cách góp phần để các bệnh viện tuyến dưới có đủ TTBYT đáp ứng nhu cầu khám, điều trị của người bệnh, từng bước giải bài toán "quá tải" ở bệnh viện tuyến trên.