Phép thử nghiệt ngã

Những phép thử nghiệt ngã đã hiện diện ở nhiều khía cạnh, trong dòng sự kiện hối hả của đời sống quốc tế những ngày cuối cùng năm 2014. Người ta không thể né tránh chúng, mà chỉ có thể tìm mọi cách vượt qua.

Phép thử nghiệt ngã

1 Cơn lao dốc của đồng rúp (Ruble) tuần qua cùng kỷ lục "phá đáy" liên tiếp của giá dầu mỏ thế giới khiến kinh tế Nga "choáng váng", lần đầu trong sáu năm qua đứng trước ngưỡng cửa suy thoái. Sau khi mất giá hơn 10% trong ngày "thứ ba đen tối" (16-12) - lần sụt giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 1998, đồng rúp đã tương đối ổn định nhờ các biện pháp "nước rút" mà Chính phủ Nga áp dụng để cứu đồng nội tệ, tuy nhiên thị trường tài chính vẫn chưa ra khỏi "cơn sốc".

Khó khăn chồng chất hiện nay ở Nga không đơn thuần là thách thức kinh tế, mà còn là cuộc đấu chính trị. Trong khi các nhà lãnh đạo Nga cáo buộc các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) "gây khó" nền kinh tế Nga, Mỹ lại tung thêm các biện pháp gây sức ép. Thậm chí, có tin đồn Mỹ "bắt tay ngầm" với các nước xuất khẩu dầu mỏ kéo giá dầu xuống thấp nhằm đẩy nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu năng lượng của Nga vào "cơn bĩ cực". Tuy nhiên, đồng rúp mất giá là tin xấu với cả các tập đoàn của Mỹ và châu Âu đang làm ăn với Nga. Bởi thế, nhiều quan chức châu Âu đã kêu gọi nới lỏng trừng phạt Nga, vì chính lợi ích của phương Tây. Rõ ràng, khủng hoảng kinh tế ở Nga là phép thử không chỉ với năng lực điều hành kinh tế và ý chí cứng rắn của Mát-xcơ-va (Moscow), mà với cả tinh thần sẵn sàng nhượng bộ của các bên liên quan.

2 Dư luận không bất ngờ về kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 23-12 tại QH U-crai-na (Ukraine), nơi các đảng thân phương Tây chiếm đa số, theo đó bãi bỏ quy chế không liên kết, mở đường khởi động chiến dịch gia nhập NATO. Nhưng bất ngờ vì thời điểm chính quyền Ki-ép (Kiev) cố tình xúc tiến bước đi gây tranh cãi này, không chỉ vì Nga phản đối, mà nhiều đối tác trong NATO cũng chẳng mặn mà đón chào. Hiện Pháp công khai phản đối, Đức từ chối thảo luận dành quy chế thành viên cho Ki-ép. Nga tuyên bố coi động thái của Ki-ép từ bỏ quy chế chính trị và quân sự trung lập là bước đi phản tác dụng, chỉ làm tăng căng thẳng tại miền đông U-crai-na. Theo Mát-xcơ-va, Ki-ép đã ảo tưởng vào NATO để giải quyết khủng hoảng, trong khi yếu tố sống còn là chấm dứt đối đầu leo thang và xúc tiến đối thoại toàn diện.

3 Càng gần lễ Giáng sinh và đón năm mới 2015, càng có nhiều nước báo động nguy cơ an ninh đề phòng tiến công và khủng bố. Sau vụ bắt cóc và sát hại con tin tại Xít-ni (Sydney), Chính phủ Ô-xtrây-li-a (Australia) đặt lực lượng an ninh trong tình trạng báo động cao, cảnh báo công dân đề phòng khủng bố. Tại Pháp, Thủ tướng M.Van (Manuel Valls) thừa nhận "chưa khi nào chúng ta sống trong tình cảnh nguy hiểm như hiện nay" và lệnh nâng cấp báo động toàn bộ hệ thống an ninh quốc gia, triển khai hàng trăm binh sĩ hỗ trợ cảnh sát tuần tra tại các điểm đông người trên khắp nước Pháp. Nhà trắng cũng ban hành cảnh báo công dân Mỹ trên toàn cầu tránh đi lại, hoặc đến nơi đông người trong dịp nghỉ lễ. Ô-xtrây-li-a và châu Âu lo ngại mối đe dọa từ các công dân của họ trở về sau khi tham gia các lực lượng thánh chiến ở Trung Đông.

Ấn Độ cũng siết chặt an ninh sau vụ các tay súng cực đoan thuộc nhóm "Mặt trận Dân chủ dân tộc vùng Bodo" sát hại khoảng 40 người, tại bang Át-xam (Assam). Nhóm phiến quân này tuyên bố hành động đáp trả cuộc truy quét của lực lượng an ninh. Tại Pa-ki-xtan (Pakistan), an ninh tại các trường học trên cả nước được tăng cường đặc biệt. Riêng tại thủ đô I-xla-ma-bát (Islamabad), 1.200 địa điểm có thể là mục tiêu khủng bố đã được cảnh sát khoanh vùng...

4 Bộ phim hài The Interview của hãng Sony Pictures (Mỹ) gặp nguy cơ phá sản ngay trước ngày công chiếu dịp Giáng sinh, do vụ tiến công mạng chưa có tiền lệ, đẩy Mỹ và CHDCND Triều Tiên vào cuộc tranh cãi nảy lửa. Dữ liệu bí mật của 47 nghìn nhân viên và cả những nhân vật nổi tiếng bị đánh cắp; nhiều bộ phim hãng chưa kịp ra mắt đã được tung lên mạng. Sau đó, hệ thống in-tơ-nét tại Triều Tiên cũng bị đánh sập trong thời gian ngắn. Nhà trắng một mực đổ tội cho Triều Tiên, đòi Bình Nhưỡng bồi thường và còn dọa đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an LHQ và Tòa án Hình sự quốc tế (ICC).

Triều Tiên bác bỏ mọi cáo buộc, đòi Mỹ phối hợp điều tra và dọa đáp trả nếu Mỹ duy trì thái độ thù địch. "Nghi án tiến công mạng" không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho Sony Pictures, làm lộ rõ "lỗ hổng an ninh mạng" tại Mỹ, mà còn đẩy Mỹ và Triều Tiên trở lại "bầu khí nóng", chỉ một tháng sau khi Bình Nhưỡng "chìa cành ô-liu" bằng hành động trả tự do cho hai công dân Mỹ bị Triều Tiên bắt giữ.