Trên quê hương “ngàn năm áo mũ”

Dưới các triều đại xưa, trang phục không chỉ mang tính thẩm mỹ, mà còn thể hiện uy quyền của vua chúa, quan lại. Ở một khía cạnh khác, mỗi bộ trang phục là một tác phẩm nghệ thuật, với sự kết hợp cầu kỳ, nhuần nhuyễn từng đường kim may, nét chỉ thêu.

Nghề thêu truyền thống Ðông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín (Hà Nội) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.             Ảnh tư liệu
Nghề thêu truyền thống Ðông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín (Hà Nội) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.             Ảnh tư liệu

Những bộ trang phục ấy đang được làm nên bởi bàn tay tài hoa của người thợ thêu làng Ðông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội). Mới đây, nghề thêu truyền thống làng Ðông Cứu đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm

Từ khi còn nhỏ, qua những thước phim cổ trang sống động, tôi đã thấy nhiều bộ trang phục lộng lẫy của vua chúa, quan lại với đủ hình thù rồng bay, phượng múa. Bởi thế, dịp đầu xuân này, chúng tôi về Ðông Cứu, nơi đã mấy trăm năm làm nghề thêu trang phục cho các bậc quyền quý, để tận mắt chiêm ngưỡng những bộ trang phục “độc nhất vô nhị”. Qua cánh cổng làng, những dãy nhà cao tầng hai bên đường treo dày đặc bảng hiệu, với dòng chữ: May thêu khăn ngự áo chầu. Tương truyền, nghề thêu ở các làng thuộc huyện Thường Tín có từ hơn 500 năm trước. Và suốt bao năm qua, Ðông Cứu là địa chỉ tin cậy để phục chế long bào hay áo thờ thành hoàng làng. Còn nếu muốn thêu một bộ khăn ngự áo chầu để hầu đồng, cũng không nơi nào có thể làm đẹp hơn những nghệ nhân nơi đây.

Danh xưng “làng thêu rồng phượng” gắn liền với nghề cho thuê long bào, áo mão của vua chúa, quan lại các triều đại phong kiến Việt Nam. Bước vào thời kinh tế thị trường, nghề thêu long bào dần mai một, dân làng buộc chuyển sang làm các mặt hàng phù hợp thị hiếu của thị trường, như hia, hài, lọng, tán... phục vụ lễ hội, nhất là trang phục cho nghi lễ hầu đồng. Một buổi hầu đồng muốn thành công, ngoài phần âm nhạc không thể không nhắc đến trang phục. Theo quan niệm dân gian, thường có 36 giá đồng, tương ứng 36 giá thánh, sẽ có 36 bộ trang phục dành riêng cho mỗi giá.

Các bộ trang phục tuy phong phú, đa dạng nhưng có sự thống nhất về kiểu cách, mầu sắc, phục sức đi kèm. Ðể có thể làm ra những bộ trang phục này, người thợ thêu phải tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật thêu và am tường các họa tiết phức tạp. Một bộ trang phục hầu đồng bao giờ cũng có năm mầu sắc cơ bản xanh, đỏ, trắng, vàng, lam; vì vậy, để tạo ra các mầu sắc, người thợ thêu phải làm chủ phương pháp nhuộm và phối mầu.

Khi nói đến may vá thêu thùa, người ta thường nghĩ đó là việc của phụ nữ, nhưng ở làng Ðông Cứu, đàn ông mới là những người sành nghề hơn. Làm nghề từ lúc 15 tuổi, đến nay đã có thâm niên 30 năm, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi (sinh năm 1969) là người có công lớn trong việc “tái tạo” trang phục của các bậc vua chúa thời xưa. Trò chuyện với chúng tôi, anh cho biết: "Trang phục của vua, chúa phân theo từng cấp bậc khác nhau, người nghệ nhân muốn phục dựng phải hiểu biết chính xác, để cho ra những chuẩn mực về đường kim, mũi chỉ. Chưa kể, để mầu sắc và chất lượng vải được như mong muốn, phải dùng sợi tơ nhúng thẳng vào nước sôi khi nhuộm”.

Ở Ðông Cứu, ai cũng biết thêu thùa, khéo đến mức, chỉ cần phác thảo những đường mẫu nổi trên vải bằng nét phấn mờ, là người thợ có thể cầm kim thêu. Mỗi bản vẽ mẫu đều có hồn, thể hiện bản sắc, dấu ấn phong cách của từng người thợ. Mái tóc trắng như mây, đeo cặp kính lão, bà Nguyễn Thị Len, người có mấy chục năm làm nghề thêu cho biết: “Muốn nhận biết mặt hàng của cơ sở này so với cơ sở khác phải căn cứ vào mẫu vẽ. Nghĩa là, có thể cùng một sản phẩm ấy, nhưng có người chỉ vẽ đơn giản, có người vẽ tỉ mỉ, chi tiết”.

Bà Len bảo, mỗi mẫu áo thường có những quy định riêng, không cái nào giống cái nào, chẳng hạn, vẽ áo cho năm hàng quan, ba hàng ông hoàng, hai giá cậu và một giá quan nhà Trần cho các đền Mẫu, không thể thiếu hình rồng. Còn các giá như áo chầu, áo mẫu, áo chúa Thác Bờ thì phải vẽ phượng; áo vẽ phượng thường điểm hoa trong khi áo vẽ rồng thì điểm mặt nguyệt. Nếu người vẽ không nắm bắt được những quy luật trên, sản phẩm làm ra sẽ khó tiêu thụ. Ðối với những tay thợ giỏi, trên sản phẩm thêu phải bảo đảm nghiêm ngặt chân mũi chỉ đều đặn, cánh chỉ quyện, đường thêu uyển chuyển, làm sao bắt nét nhịp nhàng vào sợi kim tuyến, nếu các sợi kim tuyến là vàng thật, công việc bắt nét càng cầu kỳ khó khăn hơn.

Giữ mạch nguồn chảy mãi

"Nghề thêu cho thu nhập tương đối cao, bình quân mỗi ngày khoảng 200 nghìn đồng. Ðặc biệt, đây là nghề có tính độc lập, dù nắng mưa cũng không sợ, hoàn toàn tự chủ, làm theo nhu cầu thị trường, nên luôn phải biết cách thích ứng”, anh Phạm Văn Thanh, sinh năm 1982, một người làm nghề lâu năm ở làng Ðông Cứu cho biết.

Nhiều năm qua, văn hóa tín ngưỡng Tứ phủ được xã hội quan tâm, nên việc phục dựng các trang phục cổ trở thành yếu tố quan trọng cho làng nghề thêu Ðông Cứu phát triển. Chị Tạ Thị Thúy Duyên, Chủ xưởng thêu Nhận Duyên cho biết: “Mấy năm trở lại đây, người ta ùn ùn đổ về làng mua đồ hầu bóng, lượng khách thường tập trung vào ba tháng lễ hội đầu năm. Có người mua hàng nghìn cái áo, trong số khách hàng có cả Việt kiều và người nước ngoài. Xưởng nhà mình ngày nào cũng có 30 người làm việc hết công suất, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường”.

Theo chị Duyên, công nghệ thêu bằng máy giờ đã phát triển, nhưng nhiều khách hàng vẫn thích sản phẩm thêu tay hơn, bởi theo họ những sản phẩm thủ công mang nét độc đáo, hấp dẫn mà không loại máy nào có thể làm thay được. Hài thêu tay có giá từ 900 nghìn đến 1,2 triệu đồng. Áo hầu thêu thủ công hoàn toàn có giá từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, đắt gần gấp mười lần áo thêu máy. Những chiếc áo chất lượng cao giá lên tới hàng trăm triệu; còn nếu phục chế long bào thì phải tiền tỷ. Những người thợ thêu theo thời vụ được trả công 20 nghìn đồng/giờ; ngày làm tám tiếng, thu nhập khoảng 200 nghìn đồng/ngày.

Làng có khoảng 200 mẫu ruộng, trồng lúa mỗi năm bình quân thu 400 đến 500 tấn thóc, tính ra không bằng thu nhập từ nghề thêu. Vì vậy, trong làng, hầu như nhà nào cũng làm nghề thêu. “Không nhất thiết phải chuyên một nghề, ở đây, chúng tôi vừa làm nghề thêu vừa cấy lúa, trồng rau, nuôi lợn. Lúc nông nhàn, đi thêu thuê trong làng, chăm chỉ cũng kiếm thêm được bốn triệu đồng/tháng, đủ trang trải sinh hoạt gia đình và ăn học cho con cái. Mấy năm gần đây, khách đến mua đông, hàng bán chạy, nên nghề thêu có việc quanh năm, không phải vất vả như nghề khác”, chị Nguyễn Thị Xuân, một người làm nghề thêu, chia sẻ.

Hiện nay, làng Ðông Cứu có khoảng 15 xưởng thêu tư nhân, mỗi xưởng bình quân có 30 thợ, làm việc từ sáng đến tối. Mỗi bộ áo hầu đồng được thêu trong khoảng 20 ngày, bộ nào cầu kỳ có khi mất vài tháng. Chưa kể, sản phẩm phục chế cao cấp có thể mất từ năm đến bảy tháng, thậm chí hằng năm trời để hoàn thiện.

Nghề thêu ở Ðông Cứu dù có lúc thăng trầm, nhưng vẫn luôn giữ sức sống, bản sắc, trở thành mạch nguồn không ngừng nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ đời này sang đời khác. Theo ông Ðỗ Bá Hệ, Chủ tịch Hiệp hội nghề thêu Ðông Cứu, hiện trong làng có 20 thợ giỏi, có khả năng dạy nghề. Ngoài việc dạy thêu cho người trong làng, Hiệp hội còn đứng ra tổ chức truyền dạy nghề cho những người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời phối hợp xã để tiếp tục có chiến lược xây dựng bộ giáo trình giảng dạy rộng rãi về nghề thêu.

Ngày 21-11-2016, cùng với 16 di sản khác, nghề thêu truyền thống ở Ðông Cứu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể quốc gia. Ðầu tháng 12-2016, Nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (trong đó có Hầu đồng) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Ðó là một trong những điều kiện thuận lợi, mở ra cơ hội phát triển nghề thêu ở làng Ðông Cứu, đồng thời là động lực khích lệ người dân Ðông Cứu tiếp tục bảo tồn, trao truyền nghề cho các thế hệ mai sau, gìn giữ bản sắc văn hóa làng nghề truyền thống do cha ông để lại. Hằng năm, thành phố Hà Nội và huyện Thường Tín vẫn mở lớp dạy thêu tại Hiệp hội nghề thêu của làng, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho hàng trăm thợ thêu. Trong tương lai không xa, làng Ðông Cứu phấn đấu trở thành một điểm du lịch hấp dẫn từ chính những sản phẩm thêu này.