Tiếng gọi thiêng

Một sáng mùa hè năm 2011, trên Nghĩa trang liệt sĩ Cần Giuộc, quê hương cụ Đồ Chiểu, mẹ tôi mới được “gặp” cha tôi nhờ kết quả xét nghiệm AND của Viện Nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng.

Tiếng gọi thiêng

Mẹ lui cui thắp hương những ngôi mộ. Dáng mẹ nhỏ giữa bạt ngàn mộ chí trắng toát. Cuộc chia tay ở Văn Miếu xuân 1968 cũng là cuộc chia ly đằng đẵng, mẹ gói lại bao nhớ thương, ngày lại ngày, một mình cõng trên lưng chị em tôi quá nhỏ cùng bà nội tôi đã gần đất xa trời. Tay miệt mài dệt vải, chăn nuôi lợn, trồng rau, tay dọi mái nhà dột trong mưa bão, sửa đồ gia dụng hằng ngày... Mẹ đảm đang xoay xỏa lo cho chị em tôi đủ cơm ăn áo mặc, sách bút... học hành nên người trong những năm Hà Nội sống và chiến đấu ngoan cường với lý tưởng: “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả vì miền nam ruột thịt”! Nhưng sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác đau đớn nhận giấy báo tử của cha với địa chỉ chung: Hy sinh ở Mặt trận phía nam.

Mặt trận dài rộng thế, sâu thăm thẳm thế, biết cha tôi ở đâu?

Hành trình tìm cha tôi, từ cuối năm 1975 đến hè năm 2011 mới được khép lại bằng biên bản xét nghiệm AND của Bộ Quốc phòng. Mẹ và cả gia tộc nội ngoại mừng tủi khôn xiết, không nói nên lời… Cuộc gặp mặt đặc biệt ở Cần Giuộc tháng 7-2011 buồn vui lẫn lộn. Nhìn mẹ mang va-li chỉ có hương trầm, thuốc lá, thuốc lào, bộ quân phục của bộ đội giải phóng để làm lễ cho cha và các liệt sĩ, tôi chợt nghĩ, còn bao nhiêu các mẹ, các chị chưa tìm thấy con, chưa mang được chồng về quê hương trong hàng hàng mộ chí chưa có tên?

Ơn trời phật, tổ tiên run rủi cho mẹ gặp cha trước tháng ngâu! Trong nắng gió ời ời từ biển Cần Giuộc thổi về, tôi nghe những lời mộc mạc của ông Võ Văn Bực, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, người đã hết lòng giúp tôi trong chuyến đi tìm cha, nay lại tận tình giúp gia đình tôi đưa cha về quê nhà! Mẹ tôi nghẹn ngào! Đôi mắt mẹ ầng ậc nước mắt, tràn xuống khuôn mặt trái xoan xưa! Lễ thắp hương trang trọng trên đài liệt sĩ có mặt đông đủ các anh phụ trách công tác thương binh xã hội huyện Cần Giuộc và xã Phước Lâm. Sau đó, các anh đưa mẹ tôi xuống tận cầu Hội, địa điểm cha tôi và ông Nguyễn Xuân Hưng, người cùng huấn luyện với cha tôi ở Chi Nê (Hòa Bình) cuối năm 1967 và vào chiến trường B cùng ngày 13-1-1968, còn sống sót trong trận đụng giặc phục kích ở Cần Giuộc. Ông Võ Văn Bực (tên thường gọi là Bảy Bực), không nén nổi xúc động, mắt đỏ kè, nói: “Chị đã lần hồi đi đến tận các địa phương giáp biên giới Campuchia tìm anh khiến tôi rất cảm phục…”.

Gia đình tôi nhớ mãi tình nghĩa của ông Bảy Bực. Những ngày nắng chang chang, ông dẫn tôi đi thực địa, từ cầu Hội, địa danh mà ông Nguyễn Xuân Hưng cùng cha tôi chém vè dưới rặng dừa nước, rồi lần theo các giong ruộng bể, tìm những gia đình nuôi giấu bộ đội năm 1968, vẽ sơ đồ. Tối về, ông lại chụm đầu với ông Hưng để ngày mai đi tiếp vào xóm ấp gặp bà con, tìm dấu vết cha tôi…

Hạ này, cha tôi đã về an nghỉ giữa lòng đất quê nhà cùng các đồng đội hai xã Hòa Xá - Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, Hà Nội đã bảy năm. Thắp hương lên đài liệt sĩ và mộ cha, tôi như thấy cha ngày nào, khi lên đường chiến đấu. Những bông hoa sứ trắng muốt ở Nghĩa trang liệt sĩ Cần Giuộc, cũng như hoa đại vàng dịu ở nghĩa trang liệt sĩ quê tôi, mùa này, đang tỏa hương thanh khiết trong không gian thiêng.