Bước đầu khống chế dịch tả lợn châu Phi

Chiều 16-12, tại Hà Nội, Cục Thú y tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch công tác năm 2020.

Cán bộ thú y xã Cát Quế, huyện Hoài Ðức (Hà Nội) phun thuốc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Ánh NGỌC
Cán bộ thú y xã Cát Quế, huyện Hoài Ðức (Hà Nội) phun thuốc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Ánh NGỌC

Năm 2019, với sự nỗ lực, ngành thú y đã thực hiện tốt các chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo chuỗi sản phẩm; công tác phòng, chống dịch bệnh. Từ đầu tháng 2 đến nay, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và lây lan trên phạm vi cả nước, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Cục Thú y đã kịp thời tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, đồng thời thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, phát hiện những bất cập ở cơ sở, từ đó có những biện pháp chỉ đạo khắc phục, cho nên bước đầu dịch đã được khống chế... Hội nghị đề ra nhiệm vụ toàn ngành năm 2020 là rà soát, đánh giá, báo cáo và tham mưu Chính phủ quyết định về cơ chế, chính sách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi từ năm 2020 trở đi. Triển khai hiệu quả chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2016 - 2020. Tổ chức thực hiện các nội dung của "Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025". Hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh đối với gia cầm và trứng gia cầm, lợn. Nghiên cứu, sản xuất vắc-xin chủ lực (lở mồm long móng, tai xanh, dại) trong nước để tự chủ nguồn vắc-xin...

* Ngày 16-12, UBND tỉnh An Giang cho biết, đã phê duyệt kế hoạch xây dựng mô hình thí điểm tái đàn lợn, thời gian thực hiện từ tháng 12-2019 đến tháng 4-2020 với tổng kinh phí thực hiện hơn một tỷ đồng, trong đó kinh phí đối ứng của người dân là 476 triệu đồng.

Theo đó, UBND tỉnh hỗ trợ từ 20 đến 40 hộ nuôi lợn thịt thực hiện nuôi tái đàn với số lượng 400 con lợn thịt; đồng thời hỗ trợ 100% chi phí mua vắc-xin, công tiêm phòng các bệnh; chi phí mua máy sục khí ô-dôn để sát trùng nước uống cho lợn; chi phí xét nghiệm mẫu thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi trước khi đưa lợn vào nuôi và chi phí xét nghiệm mẫu máu, sau 30 ngày nuôi mới.

* Theo báo cáo của Nhà máy thủy điện Hòa Bình, tính đến 15 giờ ngày 16-12, mực nước hồ chứa đang xuống ở mức 101,14 m, thấp hơn gần 16 m so với mực nước dâng bình thường (117 m). Dung tích của hồ chứa thủy điện thiếu hụt so với dung tích tại mực nước dâng bình thường là 3 tỷ m3 và thấp hơn so cùng kỳ năm 2018 là 2,2 tỷ m3. Dự báo, thời gian tới, hồ Hòa Bình thiếu hụt thêm khoảng 300 triệu m3 nước cho nên việc cấp nguồn nước sinh hoạt cho Hà Nội cũng như phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2019 - 2020 cho khu vực hạ du sẽ khó khăn.

* UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành Quyết định số 1951/QÐ-UBND về việc giao chỉ tiêu kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ đông xuân 2019 - 2020, gắn với liên kết doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm của nhân dân trên địa bàn. Theo đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ đông xuân cho các huyện với diện tích 591,2 ha (trong đó chuyển đổi trên đất lúa 383,2 ha; đất khác 208 ha), gồm: 476 ha cây ngắn ngày và 115,2 ha cây dài ngày ở các địa phương: Thuận Nam, Ninh Phước, Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Sơn và Bác Ái.

* Hiện tổng lượng nước trữ trong các hệ thống công trình thủy lợi ở tỉnh Bình Thuận là 186,56 triệu m3 trong tổng số 258,99 triệu m3 dung tích hữu ích thiết kế, đạt 72%. Trước thực tế thiếu hụt nguồn nước trong mùa khô, ngành nông nghiệp tỉnh đã tính toán, số diện tích cây lúa và cây màu, trước mắt phải điều chỉnh, cắt giảm hơn 16 nghìn héc-ta; sẽ tiếp tục bố trí sản xuất nếu những ngày tới có mưa.

* Ngày 16-12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Quảng Bình cho biết, hiện các địa phương trong tỉnh đang chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân 2019 - 2020, tuy nhiên số lượng chuột trên đồng ruộng rất lớn. Sở NN và PTNT tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã, đơn vị liên quan khẩn trương đồng loạt ra quân diệt chuột ngay từ đầu vụ; cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn nông dân thực hiện biện pháp diệt chuột có hiệu quả.

* Ngày 16-12, UBND huyện Quảng Ðiền (Thừa Thiên Huế) phối hợp Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai (CÐPTTT) khánh thành và bàn giao công trình CÐPTTT tại Trường tiểu học Quảng Thái; công trình bể bơi và nhà vòm bảo vệ cho Trường tiểu học Quảng Thành. Công trình CÐPTTT ở Trường tiểu học Quảng Thái do UBND huyện làm chủ đầu tư, có giá trị xây dựng năm tỷ đồng, có hai tầng kiên cố, gồm sáu phòng học, phòng chức năng; khi xảy ra thiên tai sẽ là nơi tránh trú cho người dân địa phương.