Cần kiên quyết hơn trong quản lý và khai thác đá

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có hàng chục mỏ đá đã giao cho các doanh nghiệp, đơn vị khai thác nhiều năm nay. Theo bạn đọc phản ánh, tại các khai trường, tình trạng nổ mìn khai thác, vận chuyển lộn xộn, hư hỏng đường, ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong nhân dân.

Hiện trường vụ sập mỏ đá xóm Giác, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) ngày 25-6-2014 làm hai người chết.
Hiện trường vụ sập mỏ đá xóm Giác, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) ngày 25-6-2014 làm hai người chết.

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 24 mỏ đá đang hoạt động, trong đó, tập trung nhiều nhất tại huyện Yên Lập và Thanh Sơn. Thời gian trước, do công tác quản lý còn nhiều bất cập, chồng chéo, dẫn đến việc các doanh nghiệp đua nhau khai thác sai quy định, gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng hệ thống cơ sở hạ tầng. Theo đánh giá mới nhất của ngành công thương, tài nguyên và môi trường của tỉnh, hiện nay, tình trạng khai thác đá đã đi vào quy củ hơn, nhưng tại một số khai trường vẫn còn tình trạng khói, bụi, tiếng ồn lớn thường xuyên xảy ra ở một số mỏ đá, khiến nhiều hộ dân lâm vào tình cảnh bỏ đi cũng dở mà ở lại thì nơm nớp lo sợ đá bay mỗi khi đơn vị khai thác nổ mìn phá đá.

Có mặt tại khai trường khai thác đá ở khu Minh Tân và khu xóm Đình, xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập, mới thấy hết nỗi khổ của người dân nơi đây. Nhiều nhà dân bị nứt do các đơn vị khai thác nổ mìn phá đá, nhà cửa, vườn tược, cây cối thì bám đầy bụi đá, chưa kể vào giờ khai thác đá, tiếng máy nghiền đá tạo ra tiếng ồn rất lớn. Ông Nguyễn Ngọc Châm, khu xóm Đình bức xúc cho biết: Đây là xóm bị ảnh hưởng nặng nhất do tình trạng khai thác đá của Công ty Thắng Lợi và Công ty TNHH Trung Anh. Người dân đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng của xã, huyện, thậm chí còn kéo lên các mỏ đá yêu cầu các đơn vị khai thác không được nổ mìn với khối lượng lớn gây nguy hiểm cho nhân dân sống trong khu vực này. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này không giảm mà vẫn thường xuyên xảy ra.

Ông Châm cho biết thêm, hiện nay, có khoảng 20 hộ dân nằm giữa hai khai trường này. Có những hộ dân chỉ cách mỏ đá vài chục mét rất nguy hiểm mỗi khi các đơn vị nổ mìn phá đá. Chẳng hạn như vào hồi 17 giờ ngày 17-7-2014, Công ty TNHH Trung Anh đã cho nổ mìn phá đá với lượng thuốc nổ lớn khiến đá bay tứ tung gây vỡ mái nhà, tường nhà, cửa kính của một số hộ dân. Thậm chí có hòn đá nặng khoảng 8 kg, bay thẳng vào nhà bà Hà Thị Minh sống cách xa mỏ đá khoảng 500 m, làm đổ tường rào, vỡ sân gạch. Ông Hoàng Văn Việt, xóm Đình cho biết, các hộ dân sống ở đây khổ lắm nhưng không có chỗ để chuyển đi, nhà cửa thì nứt, đã nhiều lần phải sửa chữa rồi. Bây giờ cứ đến giờ nổ mìn là già trẻ, lớn bé đều hô hào nhau đóng kín cửa ở trong nhà. Vẫn biết trước khi các đơn vị nổ mìn đều có kẻng thông báo nhưng hai bên tiếng máy nghiền đá tạo ra tiếng ồn lớn nên nhiều lúc cũng không nghe được tiếng kẻng thông báo của hai đơn vị khai thác đá.

Trước tình trạng khai thác đá lộn xộn ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, mới đây, huyện Yên Lập đã thành lập đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra tại 14 mỏ đá trên địa bàn huyện. Có sáu mỏ đang hoạt động, bốn mỏ đang dừng hoạt động và bốn mỏ đã được cấp phép nhưng chưa đủ các điều kiện để hoạt động. Trong số sáu mỏ đang hoạt động thì có tới năm mỏ khai thác chưa đúng quy trình, quy phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Ngoài ra, chín mỏ chưa được xác nhận hoàn thành các hạng mục công trình bảo vệ môi trường; nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành các quy định về an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, chưa khai thác đúng quy trình, kho chứa vật liệu nổ chưa đúng quy định; 100% số đơn vị khai thác không báo cáo định kỳ về tai nạn lao động cho cơ quan chức năng; 90% không báo cáo hoặc không lập hồ sơ hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo đánh giá tác động môi trường theo cam kết...

Theo kết quả kiểm tra của Sở Công thương về công tác bảo đảm an toàn kho chứa và khoảng cách an toàn trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại 19 doanh nghiệp khai thác khoáng sản (chủ yếu khai thác đá) trên địa bàn tỉnh cho thấy: 10/19 đơn vị chưa lập lý lịch kho vật liệu nổ công nghiệp, 11/19 kho do đơn vị thiết kế trong khi đơn vị không có chức năng thiết kế và 5/19 đơn vị không xuất trình được hồ sơ thiết kế kho; 6/19 đơn vị không thực hiện đo kiểm tra điện trở nối đất định kỳ đối với hệ thống chống sét kho chứa thuốc nổ, 19/19 kho chưa thực hiện đúng chế độ trạm gác bảo vệ kho chứa thuốc nổ theo quy định; 19/19 kho thuốc nổ có khoảng cách không bảo đảm và 14/19 kho chưa sắp xếp thuốc nổ trong kho theo đúng quy định. Về khai trường khai thác đá cũng có nhiều bất cập, hầu hết các doanh nghiệp khai thác đá không chú trọng đến đầu tư xây dựng cơ bản, khai thác thủ công, cắt tầng nhỏ không theo thiết kế, không áp dụng cơ giới hóa và không tuân thủ đầy đủ quy trình quy phạm khai thác mỏ.

Trong những năm qua, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản nói chung, khai thác đá nói riêng vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi, không đúng quy định, ranh giới mỏ được giao dẫn đến tình trạng sạt lở tầng tuyến, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn lao động nhất là tại các mỏ đá và mỏ khoáng sản có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Điều này khẳng định công tác quản lý của các cấp, các ngành chưa chặt chẽ dẫn đến việc ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản của một số tổ chức, doanh nghiệp chưa nghiêm, không quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn cho người lao động cũng như ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Từ đó, dẫn đến nhiều diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp bị ảnh hưởng, hàng chục km đường bị phá vỡ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, quy hoạch tại nhiều địa phương. Các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh Phú Thọ cần sớm có các biện pháp giải quyết các bất cập nêu trên.

"Do công tác quản lý còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ nên việc khai thác đá của các đơn vị, doanh nghiệp vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm hỏng hạ tầng cơ sở nông thôn. Trong khi đó, công tác phối hợp thông tin, trao đổi giữa các sở, ngành với địa phương trong quản lý khai thác khoáng sản còn chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ".

NGUYỄN TRƯỜNG SƠN

Chủ tịch UBND huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ

"Công tác thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện và cơ sở chưa thật sự hiệu quả, chưa thường xuyên và còn xảy ra tình trạng chồng chéo, không phân định rõ ràng trách nhiệm, khiến công tác quản lý còn lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho các đơn vị khai thác không thực hiện việc khai thác theo đúng quy trình và quy định của pháp luật".

HOÀNG NHƯ LÔ

Trưởng Phòng quản lý khoáng sản,

Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ

"Sau khi kiểm tra cho thấy hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn tỉnh đều không tuân thủ đúng quy trình, quy định trong khai thác mỏ lộ thiên và thiết kế kỹ thuật thi công do các cơ quan chức năng hướng dẫn, dẫn đến mất an toàn lao động, tiềm ẩn nguy cơ cao".

ĐÀO ANH TUẤN

Trưởng Phòng kỹ thuật an toàn môi trường,

Sở Công thương Phú Thọ