Đừng để phế tích kiến trúc tiếp tục ngủ quên

Vườn Quốc gia Ba Vì (Hà Nội) mang nhiều giá trị về tài nguyên rừng, về cảnh quan... Đặc biệt ở đây đang tồn tại phế tích một khu nghỉ dưỡng với dấu tích khoảng 200 công trình kiến trúc. Liệu những phế tích này có thể trở thành tài nguyên để phát triển trong tương lai?

Dấu tích một ngôi biệt thự trong Vườn Quốc gia Ba Vì.
Dấu tích một ngôi biệt thự trong Vườn Quốc gia Ba Vì.

Núi thiêng nhiều di sản 

Từ năm 1886, đã có những hoạt động khảo sát vùng núi Ba Vì của nhà thực vật học Pháp danh tiếng Benjamin Balansa (1825 - 1891). Ông Balansa có viết trong một bức thư gửi cho người thân đề ngày 27-7-1887: “Thảm thực vật ở núi Ba Vì thật là vô tận… Sau hơn một năm khảo sát, tôi vẫn chưa biết hết các loại thực vật ở đây. Ôi chưa bao giờ thấy một sự đa dạng như vậy! Bắc Bộ chắc chắn là nơi có thảm thực vật đa dạng nhất thế giới… Đây là một xứ sở tuyệt vời!”. Các nguồn tư liệu để lại cho biết, Balansa đã đưa giống cây canh-ki-na (Quinquinas) về Đông Dương trồng thử nghiệm đầu tiên ở vùng người Dao sinh sống trên núi Ba Vì. Cũng chính ông đã đưa giống cà-phê vào Đông Dương mà nơi đầu tiên trồng vẫn là Ba Vì. 

Sang thế kỷ 20, doanh nhân Marius Borel chọn Ba Vì làm nơi lập nghiệp để trồng cà-phê một cách quy mô và khoa học. Ông đã lập 13 trang trại rộng tới hơn 2.000 ha và năm 1916 được trao 15 ha để quy hoạch một khu biệt thự ở độ cao (cote) 400 m trên sườn núi Ba Vì. Năm 1936, chính quyền thực dân dành một không gian ở độ cao hơn tại đây phục vụ việc nghỉ dưỡng của giới quân nhân. Trên cote 600 m xuất hiện một khu biệt thự nghỉ dưỡng kết hợp công trình phòng thủ. Mùa hè năm 1940, khi nước Pháp đã đầu hàng phát-xít, người Pháp xây thêm công trình ở độ cao hơn (cote 800 m) để mở trại hè. Những khách sạn, biệt thự được kết nối với nhau bằng con đường nhỏ ngoằn ngoèo đi ở chính giữa đỉnh của ngọn núi. 

Những gì còn lại cho hình dung về một đời sống hòa với thiên nhiên. Các ngôi biệt thự ẩn mình dưới những vòm cây, trong thảm thực vật đa dạng tại những vị trí đắc địa, bao quát cảnh quan rộng lớn hướng về nơi sông Đà, sông Lô nhập dòng với sông Hồng và những cánh đồng, làng xóm thanh bình. Những ngôi nhà có tường dày xây bằng gạch, đá, không nhấn mạnh độ cao, có mái ngói, có hành lang rộng chung quanh… quyện chặt cảnh quan rừng.

Thời gian gần một thế kỷ đã biến các công trình và không gian xưa thành đổ nát, hoang tàn, thực vật sinh sôi bao phủ không còn nhận ra phế tích… 

Tài nguyên cần được “đánh thức”

Vườn Quốc gia Ba Vì là khu du lịch đa dạng, hấp dẫn. Điều đó cũng đặt ra bài toán khai thác hợp lý tiềm năng, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Trên quan điểm “Bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn”, câu chuyện “đánh thức” các phế tích ở Ba Vì cũng đã được các nhà khoa học, các kiến trúc sư thảo luận. 

Ở nhiều nơi trên thế giới, bài toán phát huy giá trị phế tích đã có lời giải hiệu quả khi phát triển, cải tạo các phế tích để thu hút cộng đồng đến hưởng thụ vẻ đẹp và tìm hiểu trực quan những dấu vết lịch sử - văn hóa. Đó là cách làm thiết thực để di sản của quá khứ không còn “chỉ nằm trên giấy”. Năm 1911, Peru phát hiện Machu Picchu, thành phố trung tâm của nền văn minh Inca với những phế tích có tường xây bằng đá trên cảnh quan kiểu bậc thang theo lối kiến trúc Inca cổ xưa. Hiện nay nơi này được đầu tư bảo tồn và khai thác tốt, là một trong những điểm du lịch hàng đầu ở Peru, được xem là một trong những nơi tuyệt vời nhất thế giới mà bất cứ du khách nào cũng muốn đến. Ở Ấn Độ, kiến trúc đổ nát của một pháo đài có từ thế kỷ 14 trên dãy Himalaya đã được “đánh thức” để trở thành chuỗi khách sạn thu hút đông đảo khách du lịch. Việt Nam có thể tham khảo những kinh nghiệm này. 

Trên khu vực cote 600 m ở Ba Vì, đã có những bước đi đầu tiên bằng những giải pháp kiến trúc hài hòa thiên nhiên và cảnh quan núi rừng trong dự án bảo tồn và khai thác các phế tích cũ tại Ba Vì của các nhà đầu tư. Cả khu vực được lập quy hoạch khoa học và các phế tích được đề xuất nhiều giải pháp khai thác phục vụ du lịch. Theo đó, có thể xây dựng công trình mới trên nền phế tích hoặc bên cạnh phế tích. Cũng có thể cải tạo, nâng cấp phế tích để hình thành công trình mới, kèm theo những hồ sơ tư liệu giới thiệu về lịch sử ngôi nhà… 

Từ những nghiên cứu, đánh giá khoa học và sự đầu tư phát huy một cách thông minh, kỳ vọng những phế tích giữa Vườn Quốc gia Ba Vì sẽ được “đánh thức”, góp phần vào tương lai phát triển.