Bóng đá nữ khởi đầu hành trình mới

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã có mặt tại Dushanbe (Tajikistan) từ ngày 18/9 để chuẩn bị cho hai trận đấu trong khuôn khổ vòng loại Giải vô địch bóng đá nữ châu Á 2022 gặp đội tuyển Maldives (22 giờ ngày 23/9) và đội chủ nhà Tajikistan (22 giờ ngày 29/9). Đây là sự khởi đầu để hướng tới vòng chung kết World Cup bóng đá nữ 2023.

Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam tập luyện tại Tajikistan chuẩn bị cho vòng loại Giải vô địch bóng đá nữ châu Á 2022.
Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam tập luyện tại Tajikistan chuẩn bị cho vòng loại Giải vô địch bóng đá nữ châu Á 2022.

Tham dự vòng loại Giải vô địch bóng đá nữ châu Á 2022 là mục tiêu quan trọng nhất của bóng đá nữ Việt Nam trong năm nay. Để chuẩn bị cho hành trình giành vé dự World Cup, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tiếp tục đặt sự tin tưởng vào HLV Mai Đức Chung và lần này còn có sự góp mặt của HLV thể lực người Pháp Cédric Serge Christian Roger. Mặc dù vòng loại Giải vô địch bóng đá nữ châu Á 2022 được xem là khá dễ dàng đối với đội tuyển nữ Việt Nam (hạng 32 thế giới) bởi hai đối thủ Tajikistan (hạng 135 thế giới) và Maldives (144 thế giới) đều được cho là yếu hơn hẳn, song VFF và Ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam vẫn chuẩn bị lực lượng cầu thủ tốt nhất. HLV Mai Đức Chung từng khẳng định: “Tuy ở bảng này, đội tuyển nữ Việt Nam chỉ gặp những đội kém hơn nhiều về thứ hạng trên bảng xếp hạng thế giới, nhưng nếu chúng ta tiến bộ, các đối thủ cũng như vậy. Cánh cửa mở rộng hơn, cơ hội cũng rõ hơn, song sự cạnh tranh cũng khốc liệt hơn. Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ, từng bước thực hiện các mục tiêu để nắm bắt cơ hội tuyệt vời này”.

Từ giữa tháng 7 vừa qua, 34 tuyển thủ đã được gọi tập huấn sau đó rút lại còn 23 cầu thủ lên đường đến Dushanbe. Trong quãng hai tháng tập huấn, HLV Cédric Roger đã phối hợp ban huấn luyện áp dụng nhiều bài tập cụ thể để cải thiện thể chất các tuyển thủ nữ Việt Nam. Các cầu thủ đến từ nhiều CLB khác nhau, cho nên có các bài tập thể lực quen thuộc khác nhau. Sau khi lên đội tuyển, từ các cầu thủ kỳ cựu như Trần Thị Thùy Trang (33 tuổi, đội TP Hồ Chí Minh) đến các cầu thủ trẻ lần đầu lên đội tuyển, đều nhanh chóng hội nhập và cải thiện thể lực đáng kể. Bên cạnh đó, HLV Mai Đức Chung rất chú trọng về lối chơi cho đội tuyển nữ Việt Nam. Do thời gian dài chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, đội tuyển không có nhiều cơ hội cọ xát với các đối thủ mà chỉ có “quân xanh” là các cầu thủ U15 futsal Thái Sơn Bắc. Khi rút gọn đội tuyển còn 23 cầu thủ thì gần một nửa là cầu thủ trẻ, trong đó có hai cầu thủ đang bị chấn thương là Phạm Thị Tươi và Biện Thị Hằng. Như vậy, đội tuyển Việt Nam ở lần tham dự vòng loại Giải vô địch bóng đá nữ châu Á này vẫn là tập thể cầu thủ dày dạn kinh nghiệm từng thi đấu cùng nhau nhiều năm với nòng cốt là cầu thủ đến từ các CLB: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Than - Khoáng sản Việt Nam, Hà Nam.

Tại vòng loại Giải vô địch bóng đá nữ châu Á 2022, Ban tổ chức sẽ chọn tám đội đứng đầu mỗi bảng vào chơi vòng chung kết, dự kiến diễn ra từ ngày 20/1 đến ngày 6/2/2022 tại Ấn Độ. Đây là cơ hội để đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam thực hiện giấc mơ tham dự vòng chung kết World Cup bóng đá nữ 2023 bởi sau vòng chung kết Giải vô địch bóng đá nữ châu Á 2022, sẽ có sáu đội giành suất chính thức dự World Cup 2023 và hai đội dự vòng đấu tranh vé vớt. Sở dĩ số lượng các đội châu Á tăng hơn là do Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã nâng số lượng đội tham dự World Cup bóng đá nữ lên con số 32.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là bốn đội bóng nữ mạnh hàng đầu châu lục chắc suất tham dự World Cup, hai suất trực tiếp còn lại sẽ là sự cạnh tranh của các đội có trình độ tương đương Việt Nam. Các cầu thủ Việt Nam đang có lợi thế đứng ở vị trí thứ 32 trên bảng xếp hạng, xếp trên các đối thủ như Thái Lan (hạng 39), Đài Loan (Trung Quốc - hạng 40), Uzbekistan (hạng 43), Myanmar (hạng 46)... Tuy nhiên, thứ tự trên bảng xếp hạng không quan trọng bằng thực tế đối đầu. Ngay tại khu vực Đông Nam Á, đội tuyển nữ Việt Nam đã phải cạnh tranh rất khó khăn với các đội tuyển nữ Myanmar và Thái Lan cũng như Đài Loan (Trung Quốc) và Uzbekistan trong nhiều năm qua. Vì thế, muốn cụ thể hóa giấc mơ tham dự vòng chung kết World Cup bóng đá nữ 2023 đòi hỏi VFF, Ban huấn luyện và các cầu thủ Việt Nam phải có nỗ lực lớn nhất và sự chuẩn bị tốt nhất.