Nghịch lý thiếu, thừa ở ngành thép

ND- Kết thúc năm 2009, khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục, ngành thép đã đạt  mức sản xuất thép xây dựng tăng 25%, tiêu thụ tăng 30% so với năm 2008. Ðây là kết quả vượt xa dự đoán trở thành một trong những ngành công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng hai con số.

Dưới góc độ kinh tế thị trường kết quả này có phản ánh đúng năng lực của ngành thép? Có thể nhận thấy, để có được thành công này, Chính phủ đã hỗ trợ ngành thép rất nhiều thông qua cơ chế chính sách như: Giữ ổn định tỷ giá VNÐ/USD, ưu tiên cung cấp USD cho nhập khẩu phôi thép, thép phế và một số vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước, tiếp tục cho vay với lãi suất ưu đãi để duy trì sản xuất,...

Thời gian gần đây, trước sự "tiến công" ồ ạt của thép cán nguội nhập khẩu giá rẻ (khối lượng hơn 600 nghìn tấn, kim ngạch hơn 300 triệu USD), khiến tiêu thụ thép gặp khó khăn và lượng thép tồn kho lớn. Phản ứng trước tình hình này, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) liên tiếp đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Lý lẽ mà VSA đưa ra là chỉ làm cho việc nhập khẩu thép đúng đối tượng và nhu cầu của thị trường trong nước. Nếu theo dõi biến động của giá thép sản xuất trong nước, sẽ thấy giá luôn đi lên mà chưa có xu hướng dừng lại. Mỗi lần tăng bình quân từ 100 đến 200 nghìn đồng/tấn, thậm chí có loại lên tới 300 nghìn đồng/tấn. Lý do các doanh nghiệp thép đưa ra là: Kinh tế thế giới hồi phục, nhu cầu về thép tăng cao, giá thép và phôi thép trên thế giới tăng, khiến giá thép trong nước tăng theo. Tuy nhiên, vì sao thép nhập khẩu về lại rẻ hơn thép sản xuất trong nước thì chưa được phân tích, mổ xẻ để tìm giải pháp tiết kiệm chi phí, giảm giá bán.

Câu chuyện này chứa đựng một nghịch lý: Khi tăng giá thì cho rằng vì giá thế giới tăng nên giá trong nước phải tăng theo, nhưng khi bị cạnh tranh, tiêu thụ khó, tồn kho lớn thì lại kêu cứu. Một mặt đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp bảo hộ, nhưng mặt khác, lại tiếp tục tăng giá. Thị trường có khả năng tự điều tiết. Vì vậy không ai tăng giá và nhập khẩu thép ồ ạt khi lượng tồn kho còn lớn. Doanh nghiệp nhập khẩu nhiều, tăng giá bán chỉ xảy ra khi thị trường đang thiếu, hoặc dự báo  nhu cầu thị trường sẽ tăng trong thời gian tới. Qua "nghịch lý thiếu, thừa" này, ngành thép trong nước càng bộc lộ rõ năng lực cạnh tranh, trình độ kỹ thuật, quản lý của mình.