Sáu tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4%

Sáu tháng qua, không xảy ra hiện tượng đột biến giá. Nhóm hàng có mức tăng cao nhất 4,9% là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống.

Theo Bộ Tài chính, giá thị trường sáu tháng đầu năm 2006 tăng do tác động của cả yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan.

Các yếu tố khách quan gồm: nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dịch vụ và sức mua có khả năng thanh toán trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao hơn những tháng bình thường, tạo sức ép đẩy mặt bằng giá tăng; thiên tai, dịch bệnh (đặc biệt là dịch bệnh lở mồm long móng ở gia súc); giá thị trường thế giới của nhiều loại hàng hóa Việt Nam có xuất khẩu tăng đã tác động kéo giá trong nước tăng.

Các nguyên nhân chủ quan như Nhà nước chủ động cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối mở biên độ giá từ ngày 27-4-2006: xăng tăng thêm 10%, các loại dầu 5%; cơ chế quản lý điều hành thị trường còn nhiều bất hợp lý; thị trường mua bán ngoại tệ phi chính thức tăng đột biến trong tháng 5-2006; và công tác dự báo sự vận động của giá cả thị trường thế giới trong và ngoài nước còn có những yếu kém.

Tại hội nghị ngành tài chính được tổ chức ngày 3-7 tại Hà Nội, Bộ Tài chính cho rằng giá tiêu dùng tăng có cả tác động có lợi và tác động bất lợi đối với nền kinh tế. Giá thị trường lương thực - thực phẩm sáu tháng đầu năm tăng đã góp phần làm tăng thu nhập của nông dân ở những vùng có sản xuất hàng hóa, giúp họ có thêm điều kiện khắc phục những khó khăn do giá đầu vào của sản xuất tăng và những thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm gây ra.

Tuy nhiên, giá hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ tăng đã làm giảm thu nhập thực tế của các tầng lớp dân cư. Đặc biệt giá lượng thực - thực phẩm và một số hàng hóa, dịch vụ thiết yêu tăng cao đã ảnh hưởng và gây khó khăn nhiều nhất cho những người làm công ăn lương, tầng lớp hưu trí, những người nghèo và người có thu nhập thấp.

Nhiệm vụ chung của cả năm mà Bộ Tài chính đặt ra là kiềm chế được tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (dự kiến là 8%).