"Lỗ hổng" tiềm ẩn nguy cơ

Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo, một số các ngành và địa phương tích cực thực hiện Nghị quyết 32, theo hai hướng. Một là, trực tiếp ngăn chặn vi phạm như: xử lý nghiêm hành vi không đội mũ bảo hiểm (MBH), tập trung kiểm tra xe vận tải khách và xử lý các lỗi gây ra nhiều vụ TNGT (chạy quá tốc độ, tránh vượt sai quy định, chở quá tải, say rượu bia vẫn điều khiển phương tiện...).

Thủ đô Hà Nội đã công khai các tuyến phố, các điểm cấm bán hàng rong, hạn chế phần nào tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Hai là, thực hiện các biện pháp ngăn chặn từ gốc nguy cơ tai nạn và thương tích như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật an toàn giao thông (ATGT); lập lại trật tự hành lang giao thông, cưỡng chế giải tỏa dứt điểm công trình, lều quán xây dựng trái phép; kiên quyết thực hiện việc đình chỉ lưu hành ô-tô hết niên hạn sử dụng, các loại xe công nông, xe tự chế ba, bốn bánh; quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở sản xuất kinh doanh MBH không bảo đảm tiêu chuẩn...

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế vẫn còn nhiều "lỗ hổng", và đáng lo ngại hơn là nhận thức cũng như hành động ngăn chặn chưa đủ mức. Riêng việc thực hiện quy định bắt buộc đội MBH và khâu quản lý lái xe vận tải khách cũng bộc lộ rõ hiện trạng này.

Về thực hiện quy định bắt buộc đội MBH: Vào thời điểm những ngày nóng, buổi tối và ở các vùng nông thôn đã có sự lơ là. Trên không ít đường làng, đường xã, những người ngồi trên mô-tô, xe máy có đội MBH gần như rất ít. Ngày càng có nhiều người đội loại MBH thời trang rất đa dạng, song về chất lượng vẫn là ẩn số. Dù đã khẳng định rất nhiều loại MBH đang lưu hành không bảo đảm tiêu chuẩn, song biện pháp kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm vẫn chưa đến nơi đến chốn, thiếu lộ trình và "làm ít nói nhiều".

Nếu chiều hướng nói trên cứ tiếp diễn, vô tình tiếp tay cho kiểu chấp hành "đối phó", kìm hãm tiến trình tạo thói quen tự giác "ngồi lên xe là đội MBH" với đầy đủ ý thức bảo vệ bản thân mình...

Về quản lý lái xe vận tải khách: Trong bốn khâu (đào tạo và cấp bằng lái, giáo dục và rèn luyện ý thức trách nhiệm của người lái xe, kiểm tra và kiểm soát hoạt động của lái xe trên đường, quản lý lái xe của đơn vị kinh doanh vận tải) thì khâu thứ tư, quản lý lái xe của đơn vị kinh doanh vận tải vẫn là yếu nhất.

Cho đến nay, ngoài một số doanh nghiệp tư nhân có thương hiệu quản lý lái xe thông qua đánh giá năng suất, chất lượng và trả lương, còn hầu hết đơn vị kinh doanh vận tải, nhất là các hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ, áp dụng phương thức khoán. Xe là tài sản riêng của lái xe, đơn vị kinh doanh vận tải quản lý lái xe theo cách khoán, chủ yếu "khoán trắng".

Ðây là một nguyên nhân chính gây mất trật tự vận tải (phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách, lèn khách, dừng đón khách tùy tiện, bắt khách ăn "cơm tù"). Ðồng thời là nguy cơ tiềm ẩn đối với tai nạn xe khách, nhưng chưa có giải pháp khắc phục. Bởi vì, theo quy định hiện hành, các tổ chức kinh doanh vận tải và lái xe thuộc dạng "khoán trắng" nói trên có quyền hoạt động bình đẳng trong thị trường vận tải khách...