Thành tích cao trên nền xã hội hóa mạnh mẽ


Cái nôi của bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam

Ở những mùa giải đầu tiên của BĐVN, hầu hết các đội dự giải đều là những đội bóng được bao cấp 100% kinh phí từ ngân sách của các tỉnh thành, ngành, đặc biệt là các Sở TDTT các tỉnh. Riêng ở TP Hồ Chí Minh, các đội bóng nổi danh như Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Sở Công nghiệp và sau này là CATP Hồ Chí Minh đều trực thuộc sự quản lý trực tiếp của các doanh nghiệp nhà nước, Sở TDTT TP Hồ Chí Minh chỉ hỗ trợ về mặt chuyên môn. Nhờ có cơ chế thoáng từ thời bao cấp nên các đội bóng của TP Hồ Chí Minh thời đó rất mạnh về tài chính, thu hút được nhân tài từ khắp nơi và luôn đạt thứ hạng cao trong các giải đấu. Do vậy, khi BĐVN chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp như hiện nay tất cá các đội bóng của TP Hồ Chí Minh đều chuyển đổi rất dễ dàng.

Tính xã hội hóa mạnh mẽ của BĐ TP Hồ Chí Minh còn thể hiện ở các tổ chức xã hội, việc tư nhân đầu tư vào bóng đá và hệ thống giải quốc tế. LĐBĐ TP Hồ Chí Minh là tổ chức Liên đoàn cấp tỉnh thành đầu tiên trên cả nước và sau đó được nhân rộng ra ở nhiều đơn vị bạn. Vừa ra đời LĐBĐ TP Hồ Chí Minh đã xây dựng được mối quan hệ tốt với AFC. TP Hồ Chí Minh là nơi đầu tiên mà Dato Velappan - TTK AFC - đến làm việc trong chuyến công du đầu tiên của mình ở Việt Nam. Thậm chí, TP Hồ Chí Minh giữ vai trò rất lớn ở nhiệm kỳ II của LĐBĐVN, đặc biệt là vị trí PCT thường trực phụ trách tài chính của ông Nguyễn Tấn Minh. TP Hồ Chí Minh còn là nơi đầu tiên trên cả nước tổ chức các giải bóng đá quốc tế. Đó là Cúp Liên cảng do Cảng Sài Gòn phối hợp với LĐBĐ TP Hồ Chí Minh tổ chức. Cúp Độc Lập nổi tiếng ngày nào cũng là "sản phẩm" đầy tâm huyết của LĐBĐ TP Hồ Chí Minh. Đến nay, Cúp BĐQT TP Hồ Chí Minh - hay còn gọi là LG Cúp - vẫn là một trong những giải quan trọng nhất trong hệ thống thi đấu của BĐVN và là nơi cọ xát quan trọng của ĐTVN, O1ympic QG trước các giải lớn trong năm. TP Hồ Chí Minh cũng là nơi đi đầu trong việc cho ra đời các trung tâm bóng đá do tư nhân đầu tư như Trung tâm Thành Long của Bầu Hưng, Đa Phước của ông Nguyễn Văn Mộng, đội Đá Mỹ Nghệ của ông Phan Chánh Tâm và hàng loạt sân bóng tư nhân như Cây Sộp, Kỳ Hòa, Thanh Đa...

Nơi cung cấp lực lượng cho ĐTQG

Trường Nghiệp vụ TDTT TP Hồ Chí Minh là nơi đào tạo khá nhiều ngôi sao bóng đá cho cả nước. Điển hình như Đặng Trần Chinh, Nguyễn Hồng Phẩm, Hà Vương Ngầu Nại, Trương Văn Dương, Võ Hoàng Bửu, Nguyên Chương, Trần Minh Chiến, Đỗ Khải, Liêm Thanh, Thanh Phương, Ngọc Thọ... Ngoài ra, các lò đào tạo "ngoài quốc doanh", các CLB trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn cung cấp hàng loạt ngôi sao như Phan Hữu Phát, Lưu Kim Hoàng, Nguyễn Văn Thon, Lư Đình Tuấn (CSG), Lưu Tấn Liêm, Nguyễn Hoàng Minh, Thái Công Hoàng (Hải Quan), Lê Huỳnh Đức (CATP Hồ Chí Minh)... Có giai đoạn TP Hồ Chí Minh cung cấp gần nửa quân số cho ĐTQG, đặc biệt là thời điểm năm 1995 khi ĐTVN đoạt bộ HCB SEA Games 18.

Trong các giải cấp quốc gia, các CLB của TP Hồ Chí Minh luôn được đánh giá cao và thường xuyên đạt các thứ hạng cao. CSG đã 4 lần đoạt ngôi cao nhất (3 lần VĐQG, 1 lần đoạt Cúp QG); Hải quan, CATP Hồ Chí Minh cũng từng nhiều lần nâng cao các cúp vô địch ở giải VĐQG và Cúp QG. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh còn là cái nôi của phong trào bóng đá nữ ở Việt Nam. Đội bóng đá nữ Quận 1 - TP Hồ Chí Minh là tiền thân và nòng cốt của đội Tuyển bóng đá nữ Việt Nam lần đầu tiên tham dự SEA Games (năm 1997) và đoạt bộ HCĐ. Hai chức vô địch SEA Games 21 và 22 của BĐ nữ Việt Nam  cũng có sự đóng góp rất lớn của TP Hồ Chí Minh.

Trong những năm gần đây thành tích của BĐ TP Hồ Chí Minh có phần chững lại, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là hiệu quả đào tạo lực lượng kế thừa không đạt hiệu quả cao như trước đây. Nhằm khắc phục khiếm khuyết này Sở TDTT và LĐBĐ TP Hồ Chí Minh đang ráo riết rà soát lại hệ thống đào tạo của mình. Trong tương lai gần Trung tâm đào tạo bóng đá TP Hồ Chí Minh sẽ ra đời nhằm vực dậy vị thế của BĐ TP Hồ Chí Minh so với cả nước.