Chăm sóc những mảnh đời bất hạnh

Nghìn nỗi đau măng non

Trung tâm Tư vấn và Phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật thị xã Ðông Hà là căn nhà hai tầng nằm ngay mặt phố nhỏ Phan Chu Trinh, cách cổng chợ trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Quảng Trị một quãng ngắn. Trong căn phòng sinh hoạt nhỏ giữa buổi chiều hè tháng 5 oi ả, gần chục cháu bé từ mười tháng đến 16 tuổi nửa nằm nửa ngồi trên mấy chiếc ghế chuyên dụng, có đứa nằm bệt giữa nền gạch trải chiếu. Những ánh mắt trẻ thơ ngơ ngáo chằm chằm nhìn người lạ, miệng nhể dãi u ơ, có cháu thì im lặng, suốt ngày ủ rũ góc nhà...

Căn phòng phục hồi chức năng bày la liệt dụng cụ tập luyện cho trẻ khuyết tật như: Bàn tập cơ đùi, giàn nâng quả tạ tập tay, xe đẩy cho trẻ bại não, khung đỡ tập đứng... Nằm nghiêng trên ghế, cháu trai Nguyễn Ðức Thắng, 14 tuổi rồi mà còm nhom, oặt ẹo như đứa trẻ nằm nôi, nhìn trần nhà chợt khóc, chợt cười vu vơ.

- Qua hai tuổi, bố mẹ cháu bỏ nhau, để cháu cho tui. Nuôi cháu 12 năm mà dài như hàng thế kỷ! Ngày ngày hai mệ (bà) cháu tui cũng tới đây, chỉ mong trời đất phù hộ cho cháu nói được, nghe được là quá mừng... Ðứng cạnh Thắng, bà Nguyễn Thị Tăng, 72 tuổi, nhà ở khu phố 6, phường 5 (Ðông Hà) nước mắt lưng tròng, vừa dùng tay xoa bóp vùng ngực gầy và hai tay bé nhỏ co quắp của đứa cháu nội, giọng xót xa.

Theo lời bà nội cháu Thắng, lúc mới sinh ra cháu đã bị tật nguyền. Người mẹ trẻ gượng nỗi buồn bị chồng ruồng bỏ, cố nuôi con đến tuổi lên ba, không chịu nổi rồi cũng bỏ đi biền biệt. Ròng rã hơn 12 năm trôi qua, cuộc đời đứa trẻ tật nguyền nằm trên đôi vai già nua của người bà nghèo khó, một nách nuôi cháu và nuôi cả người chồng đau ốm triền miên. Ðời tui nuôi 13 đứa con cả trai lẫn gái. Chừ đến lượt thằng cháu dặt dẹo.

Ánh mắt người bà hơn 70 tuổi nhìn ra phía sân trước nhà buồn đến nao lòng. Giọng bà Tăng rỉ rả, thằng Thắng bữa ăn có khi hai giờ đồng hồ chưa xong. 

Thắng là một trong số tám cháu nhỏ khuyết tật hằng ngày ăn ở, sinh hoạt, tập luyện phục hồi chức năng tại trung tâm. Ngoài ba nữ nhân viên thường xuyên có mặt phục vụ, gần đây bà nội Thắng tự nguyện đến đây giúp các cô chăm sóc các cháu nhỏ cùng cảnh ngộ. Trong số các cô giáo ở đây, chị Trần Thị Mùi, 42 tuổi, ở phường Ðông Lễ, thị xã Ðông Hà, suốt chín năm qua hằng ngày có mặt ở trung tâm, tận tay hướng dẫn cách chăm nuôi, tập luyện phục hồi cho các cháu. Ðược biết, chị cũng có con trai ba tuổi bị di chứng tổn thương não. Sau khi cháu mất, chị Mùi xin phục vụ tại trung tâm, dù gia cảnh còn khó khăn, mẹ già ốm đau và chồng bị loạn thần.

- Con mình trước được nhiều người giúp, nay mình giúp lại người ta. Tui thương mấy đứa ni như con của mình! Chị Mùi nói.

Vạn tấm lòng thơm thảo

Qua các số liệu do lãnh đạo ngành lao động - thương binh và xã hội (LÐ - TB và XH) tỉnh đưa ra, thấy rằng Quảng Trị là một trong những địa phương nghèo nhưng lại có số đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khá đông so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Quảng Trị có số lượng trẻ em dưới 16 tuổi là 182 nghìn cháu, trong đó có hơn mười nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCÐB) và hơn 30 nghìn trẻ em thuộc gia đình nghèo. Trong đó, gần 1.100 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, khoảng hai nghìn trẻ em ảnh hưởng chất độc da cam, hơn sáu nghìn trẻ em khuyết tật. Số lượng trẻ em khuyết tật nằm trong số địa phương có trẻ dạng này cao nhất nước.

Nhiều năm qua, công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ tỉnh xuống cơ sở quan tâm chỉ đạo thường xuyên, có hiệu quả, với những hình thức, cách làm phong phú, tạo điều kiện để trẻ em được chăm sóc ngày càng tốt hơn cả về thể chất lẫn tinh thần, nhất là trẻ em HCÐB. Công tác chăm sóc trẻ em nói chung, trẻ em nghèo nói riêng trở thành phong trào rộng rãi trong nhân dân, "Mỗi tập thể, đơn vị, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo". Phó Giám đốc Sở LÐ - TB và XH Hoàng Văn Thông, cho biết: Trong mười năm qua, từ chính sách của tỉnh huy động nguồn lực từ ngân sách địa phương và kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức trong nước và quốc tế, đã phẫu thuật giúp hơn 1.000 trẻ khuyết tật, trong đó hơn 200 cháu phẫu thuật tim. Sự quan tâm, tình thương, trách nhiệm đối với trẻ thơ đã mang lại cuộc sống mới cho hàng trăm em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo, chung tay đỡ đần gánh nặng cho hàng nghìn gia đình nghèo.

Tuy vậy, theo lãnh đạo Sở LÐ - TB và XH Quảng Trị, vẫn còn một bộ phận trẻ em HCÐB và trẻ em nghèo đang đối mặt cuộc sống éo le, như trường hợp các cháu mồ côi, trẻ khuyết tật không có người thân chăm sóc... Một số em khác là nạn nhân chất độc da cam, nạn nhân của chiến tranh; nạn nhân của thiên tai không tự phục vụ, trong khi bố mẹ già yếu; trẻ em đang bị nhiễm HIV, hoặc trẻ em có bố mẹ mất do nhiễm HIV... - Tỉnh có sáu trung tâm bảo trợ xã hội có thể phục vụ chừng hơn 600 cháu nhỏ mồ côi, trẻ khuyết tật. So với tình hình trẻ em có HCÐB, đúng là "cung không đủ cầu". Ðồng chí Hoàng Văn Thông nói.

Không chỉ ở tỉnh nghèo Quảng Trị, tình hình trẻ em có HCÐB thường thường tập trung ở những vùng kinh tế khó khăn, nơi chịu thiên tai, lũ lụt, vùng một thời chiến tranh ác liệt ở miền trung... Qua thống kê của Bộ LÐ - TB và XH, tính đến cuối năm 2007, nước ta còn khoảng 1,4 triệu trẻ em có HCÐB; 1,8 triệu trẻ em sống trong các gia đình nghèo. Trong số này, số trẻ em khuyết tật chiếm 1,2 triệu em, trẻ em mồ côi 147 nghìn em, trẻ lang thang 12 nghìn em, trẻ nhiễm HIV 12,5 nghìn em...

Riêng đối tượng trẻ em khuyết tật, lãnh đạo Bộ LÐ - TB và XH cho biết, trong bảy năm qua, hệ thống giáo dục trẻ em khuyết tật đã được hình thành. Ðến nay, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước có ban chỉ đạo giáo dục trẻ em khuyết tật từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Khoảng 230 nghìn trẻ em khuyết tật được tham gia các chương trình giáo dục hòa nhập. Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cũng được triển khai ở hai phần ba số tỉnh, thành phố. Tuy vậy, cuộc sống trẻ em HCÐB nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng rất khó khăn. Số trẻ em tàn tật nặng có 95,85% sống cùng gia đình, tính trung bình trong ba gia đình có trẻ khuyết tật có một gia đình nghèo.

Cuối tháng 5, dưới nắng gắt của miền trung, tiếng ve kêu râm ran trên những con đường rợp bóng phượng vĩ. Chỉ cách công viên thị xã chừng 100 m, dường như những khái niệm thật đơn sơ như "sân bập bênh", "đu quay", và cả tiếng ve kêu nữa, thật xa xôi với những đứa trẻ ở Trung tâm phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật Ðông Hà.