Hành trình một cựu nhân viên lên tiếng cáo buộc Facebook

NDO -

Khi nhà khoa học dữ liệu 37 tuổi  Frances Haugen ra điều trần trước Quốc hội Mỹ và các máy quay vào tuần trước để cáo buộc Facebook theo đuổi lợi nhuận thay vì sự an toàn, đó có lẽ là lựa chọn quan trọng nhất trong cuộc đời cô.

Cựu nhân viên Facebook Frances Haugen điều trần trước một tiểu ban của Thượng viện Mỹ ngày 5/10/2021. (Ảnh: Reuters)
Cựu nhân viên Facebook Frances Haugen điều trần trước một tiểu ban của Thượng viện Mỹ ngày 5/10/2021. (Ảnh: Reuters)

Chưa đầy hai năm sau khi Facebook đưa Frances Haugen về để giúp công ty khắc phục những sự bóp méo nguy hiểm tràn lan trên nền tảng của mình, cô đã chứng kiến quá đủ.

Chủ nghĩa lý tưởng mà Haugen và vô số người khác đầu tư vào những lời hứa sửa đổi chính mình của mạng xã hội lớn nhất thế giới đã bị đặt nhầm chỗ một cách đáng tiếc.

Haugen đi đến kết luận rằng, tác hại mà Facebook và “người anh em” Instagram đang gây ra cho người dùng chỉ có thể được so sánh bằng sự ngoan cố không chịu thay đổi của công ty. Và thế giới bên ngoài Facebook cần được biết điều này.

Khi nhà khoa học dữ liệu 37 tuổi ra điều trần trước Quốc hội Mỹ và các máy quay vào tuần trước để cáo buộc Facebook theo đuổi lợi nhuận thay vì sự an toàn, đó có lẽ là lựa chọn quan trọng nhất trong cuộc đời cô.

Đối với một ngành công nghiệp non trẻ mà nay đã phát triển mạnh mẽ trở thành một trong những lực lượng hùng mạnh nhất của xã hội, quyết định của Haugen đã nêu bật một mối đe dọa ngày càng lớn rằng: Kỷ nguyên của người tố giác Big Tech (những gã khổng lồ công nghệ Mỹ) đã đến.

“Có một sự thức tỉnh chung giữa những nhân viên làm việc tại các công ty công nghệ đang tự hỏi rằng ‘Mình đang làm gì ở đây?” – theo ông Jonas Kron thuộc Trillium Investment Management, công ty đã buộc Google phải tăng cường bảo vệ các nhân viên đưa ra báo động về những hành vi sai trái của doanh nghiệp.

“Khi bạn có hàng trăm nghìn người đặt câu hỏi đó, một điều không thể tránh khỏi là bạn sẽ đối mặt với nhiều sự tố giác hơn”, ông Kron cho biết.

Cho đến nay, Haugen là người nổi bật nhất trong số những người tố cáo đó. Và những cáo buộc của cô về việc các nền tảng của Facebook gây hại cho trẻ em và kích động bạo lực chính trị - được củng cố bởi hàng nghìn trang nghiên cứu của chính đại gia công nghệ này - có thể là mạnh mẽ nhất.

Tuy nhiên, cô chỉ là người mới nhất tham gia vào danh sách ngày càng tăng các nhân viên công ty công nghệ quyết tâm lên tiếng. Gần như tất cả đều là phụ nữ, và các nhà quan sát cho rằng điều đó không phải ngẫu nhiên.

Thậm chí ngay cả sau khi có được tầm ảnh hưởng lớn, phụ nữ và đặc biệt là phụ nữ da màu vẫn là những người ngoài cuộc trong lĩnh vực công nghệ mà nam giới vốn chiếm áp đảo - theo bà Ellen Pao, một giám đốc điều hành đã kiện công ty đầu tư Kleiner Perkins ở Thung lũng Silicon vào năm 2012 vì phân biệt giới tính.

Trong những năm gần đây, nhân viên tại các công ty bao gồm Google, Pinterest, Uber và Theranos, cũng như những người khác từ Facebook, đã lên tiếng cảnh báo về những gì họ cho là sự lạm dụng quyền lực của những người nắm quyền.

Sự bày tỏ quan điểm thẳng thắn của họ đang làm xáo trộn một ngành công nghiệp vốn khoe khoang sức mạnh cải thiện xã hội, trong khi thu về hàng tỷ USD. Những người lao động - nhiều người có trình độ học vấn tốt và được trả lương cao - từ lâu đã chấp nhận đạo lý đó. Nhưng với ngày càng có nhiều người lên tiếng, niềm tin vào đường lối của những công ty này đang dần phai nhạt.

Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt giữa việc tức giận về những thất bại của công ty và tiết lộ chúng với thế giới. Có một cái giá phải trả, và Haugen chắc chắn biết điều đó.

Kể từ khi ra điều trần trước Quốc hội hôm thứ Ba (5/10), Haugen đã rút lui khỏi tầm nhìn của công chúng. Một đại diện của Haugen cho biết cô và luật sư của cô không sẵn sàng cho bất kỳ yêu cầu đưa ra lời bình luận nào.

Sinh ra tại bang Iowa và là con gái của một bác sĩ và một linh mục, Haugen trở thành tâm điểm chú ý với những bằng cấp lấp lánh, bao gồm bằng thạc sĩ kinh doanh Đại học Harvard và nhiều bằng sáng chế khác.

Rất lâu trước khi trở thành một người tố giác, Haugen được biết đến như một thần đồng ở địa phương.

Lớn lên gần khuôn viên Đại học Iowa, nơi cha cô giảng dạy y khoa, Haugen là thành viên của đội kỹ sư trung học xếp hạng trong top 10 của nước Mỹ. Nhiều năm sau, khi tờ báo địa phương viết về việc Haugen gia nhập Google, một trong những giáo viên tiểu học của Haugen đã miêu tả cô là “ngôi sao sáng chói”.

Mùa thu năm 2002, Haugen theo học Trường Cao đẳng Kỹ thuật Olin mới thành lập ở ngoại ô Boston, tham gia lớp đầu tiên của trường với 75 sinh viên.

Lynn Andrea Stein, một giáo sư khoa học máy tính của trường cho biết nhiều người đã từ chối lời đề nghị từ các trường đại học hàng đầu vì bị thu hút bởi chương trình học miễn phí của Olin dành cho những tân sinh viên, cũng như cơ hội tham gia vào việc tạo ra một cái gì đó mới mẻ.

Tuy nhiên, trường đã không thể được công nhận cho đến khi có khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp, khiến nó trở thành một tổ chức phi thực thể trong mắt một số nhà tuyển dụng và gây trở ngại cho Haugen và những người khác như cô ấy.

“Những người tuyển dụng ở Google thực sự đã loại đơn xin việc của Haugen ra mà không cần đọc nó”, bà Stein cho biết.

Giáo sư Stein đã thuyết phục công ty con của Alphabet thay đổi quyết định bằng việc gửi một email nhận xét Haugen là một “người ham học hỏi và là một người tuyệt đối được việc” với đạo đức làm việc cũng như kỹ năng giao tiếp và lãnh đạo tuyệt vời.

Tại Google, Haugen đã triển khai một dự án giúp mọi người tiếp cận hàng nghìn cuốn sách trực tuyến thông qua điện thoại di động và một dự án khác giúp tạo ra một mạng xã hội non trẻ.

Google đã chu cấp học phí để Haugen lấy bằng kinh doanh tại Đai học Harvard, nơi mà cô và một người bạn cùng lớp đã có những thảo luận sâu sắc về tác động xã hội của công nghệ mới.

“Chúng tôi đã nói rất nhiều về việc sử dụng dữ liệu một cách có đạo đức và vấn đề xây dựng mọi thứ không đúng cách. Cô ấy luôn quan tâm đặc biệt đến sự giao thoa giữa hạnh phúc của con người và công nghệ”, Jonathan Sheffi, người tốt nghiệp cùng năm 2011 với Haugen, cho hay.

Sheffi cho biết anh đã bật cười khi thấy các bài đăng trên mạng xã hội trong những ngày gần đây đặt câu hỏi về động cơ tố giác của Haugen. Anh khẳng định: “Không ai có thể khiến Frances làm điều gì đó sai trái”.

Khi ở Harvard, Haugen đã hợp tác với một sinh viên khác tạo ra một nền tảng hẹn hò trực tuyến để kết nối những người bạn cùng chí hướng với nhau - một khuôn mẫu mà người bạn đó sau này đã phát triển thành ứng dụng hẹn hò Hinge.

Trước khi chuyển sang làm việc tại Yelp và Pinterest, Haugen trở lại Google nghiên cứu các thuật toán được thiết kế để nhận biết mong muốn của người dùng và kết nối chúng với những người và nội dung phù hợp với sở thích của họ.

Cuối năm 2018, một nhà tuyển dụng từ Facebook liên hệ với Haugen. Chia sẻ trong các cuộc phỏng vấn gần đây trong chương trình “60 Phút” (kênh truyền hình CBS) và với Tạp chí Phố Wall, Haugen cho biết đã nói với Facebook ở thời điểm đó rằng cô quan tâm đến một công việc mà có liên quan đến giúp nền tảng mạng xã hội này giải quyết các vấn đề dân chủ và thông tin sai lệch. Cô đã nói với lãnh đạo công ty về một người bạn bị lôi kéo bởi chủ nghĩa dân tộc da trắng sau khi dành thời gian trên các diễn đàn trực tuyến, và cũng như mong muốn ngăn điều đó xảy ra với những người khác.

Vào tháng 6/2019, cô có tham gia một nhóm Facebook tập trung vào hoạt động mạng xung quanh các cuộc bầu cử quốc tế. Nhưng Haugen cho biết cô đã trở nên thất vọng khi nhận thức được rằng Facebook không giải quyết thỏa đáng vấn đề thông tin sai lệch lan rộng trên không gian mạng dù việc này đã kích động bạo lực và sự lạm dụng.

Cô từ chức vào tháng 5, nhưng chỉ sau khi dành nhiều tuần làm việc để sàng lọc nghiên cứu nội bộ công ty và sao chép hàng nghìn tài liệu. Tuy nhiên, Haugen cũng nói với các nhà điều tra của Quốc hội rằng, cô không ra mặt để phá hủy Facebook, mà chỉ là để thay đổi nó.

Phát biểu tại phiên điều trần vào tuần trước, Haugen nhấn mạnh: “Tôi tin vào tiềm năng của Facebook. Chúng ta có thể có mạng xã hội chúng ta yêu thích, để kết nối chúng ta mà không phá vỡ nền dân chủ của chúng ta, cũng như không khiến con cái chúng ta gặp nguy hiểm và không gieo rắc bạo lực sắc tộc trên toàn thế giới. Chúng ta có thể làm tốt hơn”.

Trong cộng đồng những người tố giác, nhiều người đã lên tiếng ủng hộ Haugen, ca ngợi những gì họ thấy ở cô là sự gan dạ, trí tuệ điềm tĩnh và sự cẩn trọng, kỹ lưỡng trong việc chuẩn bị các giấy tờ cần thiết để làm vững chắc thêm lập trường của mình.

“Điều mà cô ấy đã làm đúng là sự chuẩn bị sẵn sàng tất cả tài liệu của mình. Đó sẽ là sức mạnh của cô ấy” - theo cựu giám đốc điều hành của Countrywide Financial Eileen Foster, người đã phải vật lộn để tìm một công việc khác trong lĩnh vực ngân hàng sau khi vạch trần gian lận rộng rãi trong việc công ty phê duyệt các khoản vay dưới chuẩn vào năm 2008.

Sophie Zhang, một cựu nhân viên Facebook năm ngoái đã cáo buộc mạng xã hội này bỏ qua các tài khoản giả mạo được sử dụng để phá hoại các cuộc bầu cử nước ngoài, cho biết cô rất ngạc nhiên khi Facebook không phát hiện ra Haugen khi cô đang cố gắng nghiên cứu tài liệu nội bộ công ty. Những lời phủ nhận quyết liệt của các giám đốc điều hành Facebook giờ đây phản bội lại sự không sẵn sàng thay đổi của họ.

“Tôi nghĩ rằng họ đã rơi vào một cái bẫy, nơi họ tiếp tục từ chối, nép mình và trở nên dễ bị kích động hơn. Điều này sẽ khiến ngày càng có nhiều người dũng cảm bước ra”, cô nói.

Tuy nhiên, cựu giám đốc điều hành của Countrywide Financial Eileen Foster cho hay, hành động của Haugen có thể sẽ khiến cô không thể tìm được một công việc khác trong ngành. Và nếu Facebook truy đuổi cô ấy một cách hợp pháp vì lý do xem trộm tài liệu, gã khổng lồ công nghệ này sẽ có được nguồn lực chiến đấu mà một nhân viên đơn độc không bao giờ có thể hy vọng sánh kịp.

“Tôi cầu chúc những điều tốt đẹp nhất cho Frances”, bà Foster nói.

Facebook bị tố đặt lợi nhuận trên việc ngăn chặn những phát ngôn gây thù hận
Facebook đối mặt những cáo buộc nghiêm trọng