36 dự án đoạt giải cuộc thi Startup Kite của sinh viên giáo dục nghề nghiệp

NDO -

Sau hai ngày diễn ra Vòng chung kết, Ban Tổ chức cuộc thi Startup Kite dành cho học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp đã lựa chọn 36 dự án để trao giải, trong đó có một giải Nhất.

Ban tổ chức trao thưởng cho nhóm tác giả đoạt giải Nhất (Ảnh: Chí Tâm)
Ban tổ chức trao thưởng cho nhóm tác giả đoạt giải Nhất (Ảnh: Chí Tâm)

Chiều 26/11, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, tổ chức trao giải cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” - Startup Kite 2021.

Vòng chung kết diễn ra trong hai ngày 25-26/11, với 67 đội dự thi đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như: nông nghiệp, sản xuất kinh doanh, du lịch, cơ khí - công nghệ ứng dụng, kinh doanh thương mại, chế biến thực phẩm, cơ khí chế tạo và tự động hóa…

Ban Tổ chức đã chọn 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 29 giải Khuyến khích và 1 giải Đội Startup được yêu thích nhất thông qua bình chọn trên fanpage của chương trình.

Phát biểu tại lễ trao giải, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, cuộc thi đã được phát động với một chủ đề rất thời sự và nhân văn: “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời đại 4.0”. Qua đó, hướng đến các ý tưởng, dự án có hàm lượng tri thức cao, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số, trong mọi lĩnh vực nhằm chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và trạng thái bình thường mới.

59 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức ở vòng cơ sở, giới thiệu 207 ý tưởng tham gia dự thi ở Vòng bán kết với nhiều lĩnh vực khác nhau như: nông nghiệp, sản xuất kinh doanh, du lịch, cơ khí - công nghệ ứng dụng, kinh doanh thương mại, chế biến thực phẩm, cơ khí chế tạo và tự động hóa….

Được tổ chức từ tháng 5 đến tháng 11 năm 2021, cuộc thi đã được phát động và lan tỏa mạnh mẽ đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Chương trình đã phải vượt qua rào cản khó khăn của dịch bệnh Covid-19. Ngay ở những tháng đầu của năm 2021, nhiều địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã buộc phải cách ly, giãn cách, thầy cô và học sinh, sinh viên của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải dừng việc dạy và học bình thường để tăng cường hỗ trợ chống dịch tại các địa phương như Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương,…

67 dự án vào vòng chung kết, các đội dự thi đã thuyết phục các giám khảo bằng chất lượng của dự án, thương thuyết với nhà đầu tư để phát triển dự án, đồng thời xử lý những tình huống do Ban Giám khảo đặt ra. Hoạt động này cũng chứng kiến sự trưởng thành của học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp trong việc học nghề, lập nghiệp.

Cũng theo ông Lê Tấn Dũng, trong thời gian qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước tiến hành nhiều biện pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chuyển đổi từ tư duy dạy những gì mình có sang dạy những gì thị trường lao động cần, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Cuộc thi đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Thông qua đó, có thể thấy nhiều học sinh, sinh viên rất chủ động, năng động, sáng tạo tìm tòi các ý tưởng sản xuất, kinh doanh gắn với lợi ích cộng đồng, gắn với bảo vệ môi trường, gắn với chủ trương phát triển kinh tế-xã hội. Các em chủ động tạo ra việc làm, tìm việc làm cho các bạn khác, trưởng thành rất lớn trong phối hợp làm việc nhóm, tự tin hơn rất nhiều khi đứng lên thuyết trình dự án, ý tưởng của mình trước các doanh nhân-giám khảo. Nhiều sinh viên đã chủ động trang bị, tìm tòi kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp.

36 dự án đoạt giải cuộc thi Startup Kite -0
Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ký thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp (Ảnh: Chí Tâm)

Trong khuôn khổ Vòng chung kết cuộc thi, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã ký kết thỏa thuận hợp tác các doanh nghiệp: Công ty TNHH Phú Thái Holding và khu công nghiệp Nam Cầu Kiền triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; phối hợp đào tạo nghề nghiệp và tạo việc làm cho học sinh, sinh viên.

“Gậy thông minh” giành giải Nhất tại Startup Kite 2021

Dự án do các sinh viên Nguyễn Hồng Phúc, Phạm Hồng Đồng, Vi Đình Khánh của trường Cao đẳng Việt-Đức Nghệ An thuyết phục Hội đồng giám khảo vì tính khả thi cao, có ý nghĩa xã hội khi hướng tới hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật.

“Gậy thông minh” có các chức năng như cảm biến vật cản với khoảng cách từ 0,5-2m; được thiết kế hệ thống định vị GPS nhằm hỗ trợ người thân có thể giúp đỡ, quản lý vị trí người dùng từ xa. Ngoài ra, phần thân gậy có đèn led chiếu sáng, chân gậy được thiết kế để bảo đảm phù hợp nhất cho người cao tuổi, người khuyết tật...

Thực tế trên thế giới đã có những sản phẩm tương tự như “Gậy thông minh”. Tuy nhiên, theo nhóm tác giả, tại thị trường Việt Nam chưa hề có doanh nghiệp nào làm sản phẩm này. Do vậy, đây sẽ là một lợi thế khi đầu tư, sản xuất sản phẩm này tại thị trường trong nước. Nếu được sản xuất đại trà, sản phẩm có giá khoảng 1 triệu đồng; trong khi một sản phẩm tương đương trên thế giới có giá khoảng 10 triệu đồng.