Bảo đảm nguồn cung nông sản chất lượng cho thành phố Hà Nội

NDO -

Theo Sở Công thương Hà Nội, dự báo nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp cho thành phố sẽ khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán 2022. Do đó, rất cần các tỉnh, thành phố phối hợp kết nối cung cầu sản phẩm theo tiêu chuẩn để đưa vào các kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội.

Thu hoạch cà rốt ở xã Nhân Huệ, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Thu hoạch cà rốt ở xã Nhân Huệ, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Trước nhu cầu đó, sáng 23/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Diễn đàn "Chia sẻ thông tin, kết nối giao thương nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố". Đây cũng là phiên thứ 8 của Diễn đàn kết nối nông sản 970. Tại diễn đàn cũng đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình hợp tác “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021- 2025”.

Khả năng tự cung ứng thấp so với nhu cầu

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng nông nghiệp lớn, thúc đẩy sự phát triển sản xuất, kinh doanh của các vùng, miền trong cả nước. Với diện tích đất nông nghiệp khoảng 189.000 ha, chiếm 56% tổng diện tích đất tự nhiên, nhưng nhiều sản phẩm hàng hóa thiết yếu Hà Nội tự sản xuất và cung ứng chỉ đáp ứng từ 30-65% nhu cầu. Lượng hàng hóa còn thiếu được doanh nghiệp phân phối, các siêu thị, chuỗi thực phẩm, thương lái... kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành phố.

Trong 10 tháng đầu năm 2021, kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ lượng hàng từ các tỉnh, thành phố hơn 220.000 tấn. Nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành đã được kết nối đưa vào 35 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội.

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ quảng bá, kết nối- tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn các tỉnh, thành phố tại thị trường Hà Nội, thành phố sẽ nghiên cứu, triển khai các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19.

Về nhu cầu cụ thể các mặt hàng nông nghiệp hàng tháng phục vụ người dân trên địa bàn thành phố, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội thông tin: Mỗi tháng thành phố có nhu cầu 92.970 tấn gạo (khả năng tự cung ứng 56.338 tấn, đáp ứng 65,6% nhu cầu); thịt lợn hơi: 18.594 tấn (khả năng tự cung ứng 17.500 tấn, đáp ứng 94,1% nhu cầu); thịt bò 5.350 tấn (khả năng tự cung ứng 1.032 tấn, đáp ứng 19,3% nhu cầu); thịt gia cầm 6.198 tấn (khả năng tự cung ứng 10.671 tấn).

Bên cạnh đó, người dân có nhu cầu sử dụng khoảng 5.350 tấn thủy hải sản (khả năng tự cung ứng 10.350 tấn, chủ yếu là thủy sản nước ngọt, các mặt hàng thủy sản nước lợ và nước mặn nhập từ các tỉnh 2.000 tấn/tháng); thực phẩm chế biến 5.165 tấn (khả năng tự cung ứng 1.000 tấn, đáp ứng 19% nhu cầu); rau củ 103.300 tấn (khả năng tự cung ứng 67.299 tấn, đáp ứng 65,1% nhu cầu); trái cây: 52.000 tấn (khả năng tự cung ứng 15.000 tấn, đáp ứng 28,8% nhu cầu); trứng gia cầm 123,9 triệu quả (khả năng tự cung ứng 117 triệu quả, đáp ứng 94,2% nhu cầu).

Sẵn sàng cung ứng nông sản cho thành phố Hà Nội

Tại các tỉnh phía bắc, nguồn cung nông sản hiện khá lớn và phong phú chủng loại, nhất là các sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán sắp đến. Theo bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, 9 tháng đầu năm 2021, tỉnh Bắc Kạn đã sản xuất số lượng lớn nông sản đặc sản địa phương như bí xanh, măng khô, miến dong… Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ Bắc Kạn tiêu thụ gần 700 tấn bí xanh thơm.

Sắp tới tỉnh có 25.000 tấn cam, quýt và 2.000 tấn miến dong cần tiêu thụ. Để giữ mối liên hệ giao thương nông sản với các địa phương, Bắc Kạn tập trung đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản qua các sàn giao dịch điện tử và các trang web, qua đó kết nối tiêu thụ với 56/63 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó trọng điểm là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Lâm Đồng, để có thể đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương, hiện tỉnh đang có 185 chuỗi liên kết với 18.500 hộ nông dân, diện tích 2.500 ha để sản xuất chế biến 400.000 tấn nông sản trong 3 tháng cuối năm.

Hiện tỉnh đã chủ động liên kết thị trường để tiêu thụ nông sản nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Lâm Đồng còn hơn 1 triệu tấn rau củ, 12.000 tấn bơ, 20.000 tấn sầu riêng và 150.000 tấn cà phê cần tiêu thụ sớm nên rất sẵn sàng kết nối tiêu thụ với thành phố Hà Nội.

Ngoài Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long với đa dạng nông sản cũng đang đẩy mạnh kết nối cung -cầu với các tỉnh, thành, nhất là thời điểm cuối năm và khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Sóc Trăng xác định thế mạnh là nuôi trồng thuỷ sản, lúa gạo và cây ăn trái. Đặc biệt, diện tích nuôi tôm nước lợ áp dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh khoảng 51.000 ha.

Bên cạnh đó, Sóc Trăng có vùng lúa - tôm với diện tích khoảng 10.000 ha, kết hợp nuôi tôm và trồng lúa ST24, ST25 chất lượng cao. Diện tích trồng cây ăn trái khoảng 28.000 ha, chủ yếu là xoài, nhãn và vú sữa. Ngoài ra còn có 139 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 5 sao. Do đó, ông Vương Quốc Nam đề nghị các địa phương và Hà Nội có sự liên kết, hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau để tiêu thụ nông sản cho Sóc Trăng.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá cao những sản phẩm nông sản của các tỉnh, thành cũng như tinh thần sẵn sàng cung ứng, kết nối tiêu thụ với thành phố Hà Nội trên cơ sở bảo đảm chất lượng theo yêu cầu.

Thứ trưởng đề nghị các tỉnh chỉ đạo các đầu mối nông sản cung cấp thông tin cụ thể số lượng hàng hóa tới các tỉnh cũng như Hà Nội để các bên nắm được đầy đủ số liệu cung-cầu.

Đồng thời, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh: Việc ký kết chương trình hợp tác “Bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thuỷ sản giao thương giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2021- 2025” cũng là nhằm hình thành và đẩy mạnh liên kết về an toàn thực phẩm, xây dựng mã số vùng trồng, hỗ trợ đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…

Sắp tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ phối hợp với thành phố Cần Thơ để phối hợp tổ chức liên kết vùng với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tiếp đến, sẽ tổ chức diễn đàn bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thuỷ sản giao thương giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố.