Bảo đảm nguồn cung thịt gia súc, gia cầm dịp năm mới

Bước sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ mở cửa trở lại, nông dân vùng Ðông Nam Bộ đang mạnh dạn tái đàn gia súc, gia cầm. Nhiều nơi, người dân tăng thêm con giống, mở rộng chăn nuôi để đón nhu cầu tiêu thụ tăng cao dịp năm mới 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới...

Cán bộ xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất (Ðồng Nai) động viên người chăn nuôi gà tái đàn sau nhiều tháng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: THIÊN VƯƠNG
Cán bộ xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất (Ðồng Nai) động viên người chăn nuôi gà tái đàn sau nhiều tháng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: THIÊN VƯƠNG

Người chăn nuôi thua lỗ trong thời gian dài cộng với giá thức ăn đang tăng cao và nhiều chi phí phát sinh khác khiến nông dân gặp khó khăn, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để nghề chăn nuôi ở vùng Ðông Nam Bộ phát triển ổn định, bền vững.

Nguồn cung vẫn dồi dào

Những ngày đầu tháng 12 này, chúng tôi trở lại huyện Thống Nhất, "thủ phủ" chăn nuôi của tỉnh Ðồng Nai. Băng qua những con đường nông thôn mới khang trang, trang trại nuôi gà của anh Trần Bảo Lộc ở xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất nằm trong vườn cây ăn trái xanh mát. Kỳ vọng vào thị trường dịp năm mới, anh Lộc đã quyết định đầu tư hơn 80 triệu đồng để mua hơn 10 nghìn con gà giống nuôi lứa mới. Hiện, đàn gà của anh đã được năm tuần tuổi, dự kiến sau 70 ngày sẽ xuất bán. Anh Trần Bảo Lộc chia sẻ: "Những năm gần đây, dù chăn nuôi khá bấp bênh nhưng gia đình tôi đã gắn bó với nghề hơn 15 năm, nên cố gắng duy trì. Thường thì cuối năm, gà được giá nên là lứa nuôi được kỳ vọng nhất trong năm". Kề bên, trang trại chăn nuôi lợn của anh Trần Ðức Linh trải dài trên địa bàn hai xã Gia Tân 1, Gia Tân 2, huyện Thống Nhất đang có hơn 2.000 con cả lợn nái và lợn thịt. Anh Trần Ðức Linh nói: "Hy vọng dịch Covid-19 được kiểm soát, thị trường tiêu thụ thịt lợn sôi động trở lại, từ đó, giá sẽ tăng lên vào thời điểm lứa lợn thịt hơn 1.000 con của gia đình tôi đến kỳ xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới…".

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Ðồng Nai, tổng đàn lợn của tỉnh hiện gần 2,4 triệu con, tăng hơn 1% so với cùng kỳ năm 2020; đàn gia cầm hơn 25,3 triệu con, giảm khoảng 7% so với cùng kỳ. Lượng thịt lợn cung cấp ra thị trường hơn 25 nghìn tấn/tháng; thịt gia cầm khoảng 10,5 nghìn tấn/tháng và 100 triệu quả trứng gia cầm/tháng. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh khoảng 14 nghìn tấn thịt các loại, còn hơn 20 nghìn tấn cung cấp cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác. Với việc người chăn nuôi đang tái đàn sau những tháng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, nguồn cung thịt lợn, gà của Ðồng Nai thời điểm năm mới, nhất là dịp Tết Nguyên đán vẫn dồi dào.

Tại Bình Dương, Chi Cục trưởng Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Trần Phú Cường cho biết, Bình Dương đã khôi phục hoàn toàn việc chăn nuôi với tổng đàn gia cầm khoảng 12,6 triệu con, tổng đàn lợn khoảng 882.000 con, đàn gà đẻ trứng cũng tăng trở lại. Tháng 11 âm lịch (tháng 12/2021) là tháng nhộn nhịp của thị trường chăn nuôi cung cấp nguyên liệu để chế biến các sản phẩm cung ứng trong dịp năm mới. Bình quân mỗi ngày, Bình Dương xuất chuồng từ 7.000 đến 8.000 con lợn thịt đi các tỉnh; còn tại tỉnh, giết mổ mỗi ngày từ 1.800-1.900 con.

Theo Sở NN và PTNT tỉnh Bình Phước, đến hết tháng 11/2021, tình hình chăn nuôi trong tỉnh ổn định, số đàn vật nuôi có chiều hướng tăng hơn trước đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư. Hiện, Bình Phước có 353 trang trại chăn nuôi chiếm đến 92% tổng đàn lợn của toàn tỉnh với gần 1,9 triệu con. Ðàn gia cầm chăn nuôi trang trại hơn 5,6 triệu con. Hầu hết trang trại lợn, gia cầm được chăn nuôi và tiêu thụ theo chuỗi, nên đầu ra cơ bản ổn định. Bình Phước cũng có đàn trâu ước 13 nghìn con; đàn bò 39 nghìn con; dê khoảng 100 nghìn con.

Khi chưa xảy ra dịch Covid-19, TP Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn nhất cả nước với số lượng khoảng 10 nghìn con mỗi ngày. Do quy mô tổng đàn lợn của thành phố chỉ khoảng 200 nghìn con, nên phải nhập hơn 70% sản lượng từ các địa phương lân cận. Theo nhận định của các công ty có nguồn cung thịt lợn cũng như các sản phẩm chế biến từ thịt lợn với số lượng lớn, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần không lo thiếu thịt lợn bởi các doanh nghiệp lớn đã tái đàn, tăng đàn từ sớm. Dự báo, sức mua của thị trường sẽ giảm từ 10% đến 20% so với Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Ông Nguyễn Ðăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết: "Vissan tự chủ được 10% nhu cầu đầu vào của mình, 90% còn lại liên kết các công ty, trang trại chăn nuôi lớn và có những hợp đồng bảo đảm nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho Vissan ổn định. Lượng lớn nguồn cung lợn hơi từ các đối tác lớn của Vissan ổn định, do đó thịt lợn dịp Tết này chắc chắn không thiếu, thậm chí tôi nghĩ giá lợn cũng khó tăng cao…".

Gỡ khó cho người chăn nuôi

Tại một số địa phương ở Ðồng Nai, hầu hết người chăn nuôi đều than khó khăn, thua lỗ. Ông Nguyễn Văn Hiền ở xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ (Ðồng Nai) vừa mua hơn 2.000 con gà thả vườn về nuôi chờ xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán cho biết: "Mấy tháng dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến gà rất khó tiêu thụ, nên gia đình tôi tạm ngừng nuôi. Thấy dịch bệnh được kiểm soát tốt, tôi đầu tư nuôi lại để hy vọng gỡ chút vốn. Giờ chỉ mong nhà hàng, quán xá, đám tiệc được hoạt động trở lại bình thường để đầu ra ổn định hơn".

Nhiều hộ chăn nuôi lợn ở xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất (Ðồng Nai) cho biết, với giá bán lợn hơi khoảng 50.000 đồng/kg hiện nay, người chăn nuôi đang phải chịu lỗ khoảng 500 nghìn đồng mỗi con khi xuất bán. Anh Trần Ðức Linh tâm sự: "Giá cả theo thị trường, người nông dân phải chấp nhận vì có khi lên, có lúc xuống theo cung-cầu. Thế nhưng, giờ giá thức ăn tăng hơn 20%, thuốc thú y tăng đến 180% nên chi phí chăn nuôi bị đẩy lên, trong khi giá lợn bán có tăng so với những tháng trước nhưng không đáng kể".

Còn tại Bình Phước, người chăn nuôi cũng đang đối mặt với tình trạng giá thức ăn gia súc, gia cầm tăng cao. Anh Nguyễn Văn Thịnh ở ấp 2, xã Ðồng Nơ, huyện Hớn Quản (Bình Phước) cho biết: "Nhà tôi có hai trại gà luôn duy trì đàn khoảng 8.000 con. Trong giai đoạn gần xuất chuồng, mỗi ngày gà ăn cả chục bao cám. Giá cám hiện tăng khá cao, trước dịch, một bao cám khoảng 270 nghìn đồng thì nay tăng lên gần 350 nghìn đồng, nên chăn nuôi không có lời".

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, các trang trại chăn nuôi ở Bình Dương gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, số lượng gia súc, gia cầm đã đến thời điểm xuất bán bị ùn ứ không tiêu thụ được, một số trang trại dừng tái đàn. Giá lợn hơi giảm 25.000 đến 30.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020. Giá gia cầm không ổn định so với cùng kỳ năm 2020, có những lúc giảm sâu chỉ còn 6.000 đồng/kg…

Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Ðồng Nai Nguyễn Kim Ðoán cho biết, người nuôi gà đang tập trung tái đàn để bán dịp Tết Nguyên đán, trong khi đó người nuôi lợn khá e dè. Nguyên nhân chính vì họ đã quá khó khăn trong hai năm qua bởi giá bán ra thấp hơn giá thành sản xuất, khiến thua lỗ kéo dài, cạn nguồn vốn để tái đầu tư. Ðó là chưa kể đến hệ lụy nặng nề từ đợt dịch tả lợn châu Phi vào năm 2019. "Hỗ trợ thiết thực nhất lúc này là Nhà nước nên ưu đãi lãi suất vay vốn, khoanh nợ, giãn nợ để người chăn nuôi có thêm điều kiện khôi phục sản xuất"-ông Ðoán đề xuất.

Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Ðồng Nai Cao Tiến Sỹ cho biết, để hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn thời điểm cuối năm, bảo đảm phòng dịch trên đàn gia súc, gia cầm, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp các địa phương đã thực hiện ba đợt vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại các trang trại, hộ chăn nuôi. Ðồng thời, tổ chức tiêm phòng miễn phí cho đàn gia súc, gia cầm các hộ nghèo; tăng cường giám sát để sớm phát hiện, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Cùng với đó, phối hợp Sở Công thương tỉnh và chính quyền các địa phương hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bằng cách tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh mở các điểm bán thực phẩm bình ổn giá trên địa bàn tỉnh.

Những năm qua, tỉnh Bình Dương có chính sách hỗ trợ chăn nuôi công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao, được vay vốn ưu đãi để đầu tư. Tỉnh cũng đã xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh trên động vật. Trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương không tăng đàn, chú trọng tăng về chất lượng; giảm chăn nuôi nông hộ và tăng quy mô trang trại, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Hiện, chăn nuôi trang trại ứng dụng công nghệ cao với trại lạnh và chăm sóc, cho ăn uống tự động tại Bình Dương chiếm đến 63% tổng đàn lợn và 68% đàn gia cầm.

Tỉnh Bình Phước đang hướng các hộ dân phát triển chăn nuôi an toàn và tiêm vắc-xin miễn phí cho đàn vật nuôi. Bình Phước cũng tập trung xây dựng, tăng hiệu quả hoạt động các sàn giao dịch, mô hình giao dịch sản phẩm chăn nuôi, qua đó tạo môi trường kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm. Ðồng thời, hỗ trợ xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn, hỗ trợ các thủ tục bảo đảm điều kiện để xuất khẩu...■

NHÓM PVTT TP HỒ CHÍ MINH