Không lơ là, mất cảnh giác khi chống dịch đạt kết quả bước đầu

Tình hình dịch Covid-19 tuy đã có những tín hiệu tích cực nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Do vậy để sớm trở lại trạng thái bình thường mới, ổn định các hoạt động kinh tế - xã hội vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH kỹ thuật công nghệ Yatch (Khu công nghiệp Bàu Bàng). Ảnh: Tiểu My
Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH kỹ thuật công nghệ Yatch (Khu công nghiệp Bàu Bàng). Ảnh: Tiểu My

Theo báo cáo của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, tỷ lệ mắc mới Covid-19 tại cộng đồng trong tuần qua đã giảm so với tuần trước tại một số địa phương có số mắc cao như: Đà Nẵng giảm 60%, Bình Dương giảm 27%, Long An giảm 3%. Số người chết trung bình theo ngày trên toàn quốc cũng đã giảm 30%, trong đó TP Hồ Chí Minh giảm 30%, Đồng Nai giảm 50%, Long An giảm 30%, Tiền Giang giảm 70%. Dựa trên các tiêu chí kiểm soát dịch, trong số 23 địa phương đang thực hiện giãn cách có tám địa phương (nhóm 1) đang kiểm soát tốt dịch (Hậu Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Phú Yên, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau); 12 địa phương (nhóm 2) đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch (Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu); nhóm cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch (nhóm 3) để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch còn ba địa phương (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Kiên Giang).

So với tuần trước, các địa phương thực hiện tốt hơn công tác kiểm soát dịch là: Vĩnh Long, Trà Vinh, chuyển từ nhóm 2 lên nhóm 1; Long An, Tiền Giang chuyển từ nhóm 3 lên nhóm 2. Riêng Kiên Giang có số ca mắc mới trong cộng đồng gia tăng (69,7%) so với tuần trước đó (chuyển từ nhóm 2 xuống nhóm 3). Tại TP Hồ Chí Minh, trong tuần qua tình hình dịch Covid-19 giảm rõ rệt trên cả hai tiêu chí: số mắc trong cộng đồng và số người chết, giảm 30%. Các quận, huyện đã kiểm soát được dịch là quận 7, Củ Chi và Cần Giờ. Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, số ca mắc và số người chết tiếp tục giảm. Còn tại Hà Nội sẽ ghi nhận một số ca mắc, chùm ca bệnh rải rác trong cộng đồng, vẫn sẽ còn các ca lây nhiễm không rõ nguồn lây... cho nên cần đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm để phát hiện sớm các ca nhiễm trong cộng đồng.

Đáng chú ý, công tác xét nghiệm đang được đẩy mạnh đã phát huy vai trò là then chốt trong phòng, chống dịch. Xét nghiệm thần tốc toàn dân, nhanh hơn tốc độ lây lan của vi-rút trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tăng cường giãn cách xã hội; xét nghiệm nhiều vòng (1 vòng trong 2 đến 3 ngày) tại các khu vực nguy cơ cao, nguy cơ rất cao từ đó phát huy hiệu quả trong việc phát hiện sớm nguồn lây, cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời, hạn chế giãn cách xã hội kéo dài, trên phạm vi rộng và tổ chức chăm sóc, điều trị người nhiễm Covid-19 phù hợp, hiệu quả. Trong tuần qua, cả nước tiến hành xét nghiệm RT-PCR cho 5,2 triệu lượt người, tăng 7,4% so với tuần trước, và chủ yếu tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tỷ lệ ca dương tính trên tổng số người xét nghiệm trong cộng đồng trong cả nước giảm từ 1,9% xuống còn 1,6%, trong đó, một số tỉnh có số mắc cao, tỷ lệ này cũng giảm mạnh là: TP Hồ Chí Minh (giảm từ 3,7% xuống 1,4%), Long An (giảm từ 2% xuống 0,5%), Tiền Giang (giảm từ 1,2% xuống 0,2%)… Các địa phương đã triển khai xét nghiệm cơ bản đạt tiến độ theo yêu cầu, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai các vùng đỏ đã được quét xét nghiệm đến lần thứ 3 và tỷ lệ hiện nhiễm qua 3 vòng xét nghiệm giảm rõ rệt. Riêng quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ tại TP Hồ Chí Minh gần như không phát hiện thêm ca nhiễm mới sau 5 vòng xét nghiệm.

Thống kê cho thấy số người mắc mới Covid-19 trong tuần qua vẫn dao động từ 12 nghìn đến 14 nghìn ca/ngày, đến 18 giờ ngày 11/9 cả nước có 601.349 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 49 trong tổng số 222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Do vậy công tác ứng phó dịch cần tiếp tục được triển khai mạnh mẽ. Các địa phương tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch ngay tại xã, phường, thị trấn; khi thực hiện xã, phường, thị trấn phải thật sự là “pháo đài”; người dân phải thật sự là “chiến sĩ”. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch. Đặc biệt cần tránh hai khuynh hướng: lơ là, mất cảnh giác khi phòng, chống dịch mới đạt được kết quả ban đầu và khi đã giãn cách trong thời gian dài; chủ quan, nóng vội muốn mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Với tình hình dịch vẫn tiềm ẩn những nguy cơ lây lan, các địa phương cần thực hiện hiệu quả “hai mũi giáp công”: xét nghiệm tầm soát trên diện rộng và tăng độ phủ vắc-xin phòng Covid-19 cho những người từ 18 tuổi trở lên. Tại một số địa phương tốc độ xét nghiệm chậm hơn tốc độ lây lan, không đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Bên cạnh đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm thì việc xét nghiệm tầm soát trên diện rộng cần triển khai để bóc tách được các ca nhiễm ra khỏi cộng đồng; đồng thời phát hiện sớm nguồn lây nhiễm để cách ly, khoanh vùng, dập dịch, không để tiếp tục lây lan… tránh việc giãn cách kéo dài trên phạm vi rộng, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Để giảm thời gian giãn cách, phải phát hiện bằng được, tầm soát bằng được các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, cách ly, khoanh vùng, dập dịch một cách triệt để, từ đó nới lỏng dần dần việc giãn cách để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Mặc dù đã có gần 60% số ca mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nhưng cũng đã có 15.018 người chết, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ người chết do Covid-19 trên thế giới (2,1%). Do vậy, nâng cao hiệu quả điều trị để giảm người chết cần được các địa phương chú trọng hơn nữa. Tập trung điều trị sớm tại gia đình, trạm y tế cũng như khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến... hạn chế thấp nhất tình trạng bệnh chuyển nặng phải đưa vào các trung tâm hồi sức tích cực.

Không kể các địa phương vẫn đang là “điểm nóng” thì tại 12 tỉnh Tây Nam Bộ, tình hình dịch cơ bản đang từng bước kiểm soát, tuy nhiên vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng. Do đó, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và thường xuyên xét nghiệm tầm soát phát hiện sớm, xử trí kịp thời. Đáng chú ý, trong bảy ngày qua, số mắc trong khu phong tỏa chiếm 22,1%, ở khu cách ly chiếm 41,9%... cho nên các tỉnh cần rà soát lại, bắt tay ngay vào chống dịch với các giải pháp căn cơ trong khu vực phong tỏa, cách ly. Trên cơ sở đánh giá mức độ nguy cơ để áp dụng việc giãn cách xã hội phù hợp... Thực hiện phương án điều trị theo ba tầng, trong đó ưu tiên tầng điều trị thứ 1 và thứ 2, để hạn chế thấp nhất người bệnh chuyển nặng phải chuyển lên tầng 3; đồng thời rà soát lại việc xây dựng và phê duyệt phương án thực hiện cách ly F1, F0 tại nhà… Các địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện bình thường mới, theo lộ trình phù hợp với tình hình dịch song song với việc tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát trở lại.

Hiện trên địa bàn huyện Bàu Bàng (Bình Dương), các doanh nghiệp đã và đang đưa ra các phương án chuyển đổi tổ chức sản xuất để phù hợp với tình hình giãn cách nới lỏng.