Liên kết để thích ứng an toàn với hạn, mặn (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Đồng bộ các giải pháp ngăn mặn, trữ ngọt

Theo nhận định của ngành thủy văn, mùa khô 2021-2022, lượng nước chảy trong những tháng mùa khô từ thượng nguồn sông Mê Công về hạ lưu và đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thiếu hụt từ 15% đến 25% so với trung bình nhiều năm. Vì vậy, tình hình hạn, mặn có khả năng ở mức tương đương 2020-2021. Đỉnh hạn, mặn xuất hiện vào cuối tháng 3/2022.

Công trình cống An Hiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đưa vào sử dụng giúp ngăn mặn, trữ nước ngọt. Ảnh: LÊ HOÀNG TRUNG
Công trình cống An Hiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đưa vào sử dụng giúp ngăn mặn, trữ nước ngọt. Ảnh: LÊ HOÀNG TRUNG

Từ những dự báo trên, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Long An xây dựng phương án và có kế hoạch phối hợp cụ thể để chủ động ứng phó nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.

Chủ động ngay từ đầu

Rút kinh nghiệm từ những đợt hạn, mặn trước, tỉnh Tiền Giang đã chủ động hơn trong việc ứng phó với mùa khô năm 2021-2022. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Phạm Văn Trọng cho biết: Vùng ngọt hóa Gò Công bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hạn, mặn hằng năm. Vì vậy, tỉnh đã tập trung sửa chữa, nâng cấp hệ thống cống, đập nhằm bảo đảm ngăn mặn, trữ ngọt và bảo đảm nước tưới cho gần 40.000 ha lúa đông xuân, hoa màu và cây ăn quả; đặc biệt là đủ nước sinh hoạt cho hơn 480.000 dân. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương khuyến cáo nông dân cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng nhằm hạn chế thiệt hại do hạn, mặn gây ra; đẩy nhanh tiến độ lắp đặt các hệ thống ống cấp nước tiếp nhận nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm. Đối với các tuyến kênh nối với sông Tiền, các địa phương phải theo dõi chặt chẽ diễn biến mặn để vận hành các cống và đắp các đập tạm khi nước mặn uy hiếp các vùng cây ăn quả. Ngoài ra, ngành chuyên môn Tiền Giang cũng yêu cầu các địa phương vận động nhân dân tích trữ nước, giữ vệ sinh nguồn nước, hạn chế ô nhiễm nguồn nước trong những tháng mùa khô...

Để ứng phó với hạn, mặn, tỉnh Bến Tre cũng đã khẩn trương triển khai thực hiện các dự án thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt. Đến nay, dự án hệ thống thủy lợi bắc Bến Tre giai đoạn 1 đã hoàn thành đưa vào sử dụng 29 cống hở, 16 cống hộp; cùng một số đoạn đê bao ven sông Tiền, ven sông Hàm Luông thuộc các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Bình Đại và TP Bến Tre. Bến Tre sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống hạn, mặn. Phấn đấu đến năm 2024, tỉnh sẽ hoàn thiện hệ thống thủy lợi, bảo đảm khép kín vòng ngăn mặn trữ ngọt, nhằm ổn định đời sống nhân dân, phát triển bền vững kinh tế-xã hội tại địa phương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, Nguyễn Minh Cảnh cho biết: "Tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Bến Tre giao Sở NN và PTNT, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN và PTNT, UBND các huyện, thành phố, khảo sát các hệ thống công trình thủy lợi để kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp; nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn... để bảo vệ tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí. Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa 25 hạng mục công trình cống ngăn mặn, nạo vét kênh nội đồng để đưa vào vận hành khai thác, kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt trong mùa khô năm 2021-2022".

Theo các dự báo, hạn hán và xâm nhập mặn từ nay về sau sẽ còn diễn ra gay gắt và phức tạp. Vì vậy, việc tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tiết kiệm nước là một trong các phương án thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Long An, Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Qua các đợt hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra liên tiếp, Long An xác định phương châm hằng năm phải sống chung với hạn, mặn và phải có kế hoạch hành động phòng, chống, ứng phó thật cụ thể. Từ đó, tỉnh không còn phải lúng túng khi diễn biến hạn, mặn phức tạp. Việc rà soát, ưu tiên đầu tư các công trình phòng, chống hạn, mặn phải được triển khai và hoàn thành trước khi đến mùa khô hằng năm. Chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân gieo sạ đúng lịch theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Về lâu dài, Long An kiến nghị Bộ NN và PTNT tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh thực hiện một số dự án nhằm cơ bản đáp ứng nhu cầu vận hành các hệ thống công trình thủy lợi, bảo đảm công tác phòng, chống hạn, mặn; quản lý hiệu quả nguồn nước, chia sẻ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận trong vùng. Cụ thể, Bộ NN và PTNT sớm triển khai đầu tư dự án kết nối và hoàn thiện các hệ thống thủy lợi Bảo Định, Gò Công, Tân Trụ để tăng cường khả năng trữ nước, chuyển nước nội vùng và chuyển nước liên vùng giữa các hệ thống để chủ động kiểm soát, điều tiết nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và cấp nước sinh hoạt. Đầu tư hoàn thiện các cống tại các kênh, rạch nằm cắt ngang quốc lộ 62 (Bến Kè, Bún Bà Của, Kênh 1, Kênh 2, Rạch Cái Tôm,...) nhằm kiểm soát độ mặn từ sông Vàm Cỏ Tây xâm nhập qua kênh Dương Văn Dương vào vùng dự án Bắc Đông thuộc 2 tỉnh Long An-Tiền Giang...

Phối hợp phòng, chống hạn, mặn

Tỉnh Tiền Giang đã xây dựng phương án để chủ động ngăn mặn, giữ ngọt nhằm bảo đảm nước tưới cho khoảng 134.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp (Tiền Giang hơn 113.600 ha, Long An khoảng 20.200 ha). Trong đó, diện tích vườn cây ăn trái của Tiền Giang hơn 74.000 ha, Long An 6.300 ha; diện tích lúa Tiền Giang gần 27.500 ha, Long An khoảng 11.300 ha; diện tích rau màu, cây ngắn ngày Tiền Giang hơn 12.000 ha, Long An gần 2.600 ha. Đồng thời, bảo đảm nguồn nước ngọt cho ba nhà máy nước: Đồng Tâm, Bình Đức (Tiền Giang) và Nhị Thành (Long An) để cung cấp cho 1,1 triệu dân của hai tỉnh Tiền Giang và Long An.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Phạm Văn Trọng, Tiền Giang đề nghị tỉnh Long An kiến nghị Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 sớm triển khai thi công các cống trên quốc lộ 62 gồm: Bến Kè, Bún Bà Của, kênh 1, kênh 2 và Cái Tôn. Trường hợp chưa triển khai thi công thì đề nghị tỉnh Long An tiến hành đắp đập ngăn mặn từ Bến Kè đến kênh 12 (tùy tình hình diễn biến mặn). Bên cạnh đó, ngành chuyên môn tỉnh Tiền Giang phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng-Thủy văn Bến Tre theo dõi diễn biến mặn từ cửa sông Hàm Luông xâm nhập qua sông Tiền để thông tin rộng rãi cho các địa phương của tỉnh Tiền Giang chủ động đắp đập, ngăn mặn kịp thời. Ngoài ra, Tiền Giang cũng yêu cầu nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải nước phục vụ nguồn nước ngọt cho ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Long An. Dự án này đi vào hoạt động giai đoạn 1 sẽ cung cấp 300.000 m3/ngày, đêm; giai đoạn 2 sẽ cung cấp 500.000 m3/ngày, đêm. Việc đưa trạm nước thô vào hoạt động sẽ giải quyết được nguồn nước ngọt cho nhân dân trong sinh hoạt và sản xuất trước bối cảnh diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, Trần Ngọc Tam cho biết, UBND tỉnh Bến Tre đang tích cực phối hợp với các tỉnh Tiền Giang, Long An và các đơn vị có liên quan sớm triển khai và đưa vào vận hành hệ thống truyền tải đưa nước ngọt từ thượng nguồn về cung cấp cho các nhà máy nước của tỉnh. Đồng thời, rà soát, triển khai các quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch phù hợp với quy hoạch tổng thể vùng, quy hoạch tài nguyên nước và các quy hoạch ngành liên quan; bảo đảm sự liên kết, thống nhất giữa các quy hoạch các cấp, các ngành, các vùng. Chủ động tham mưu, bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Trong thời gian qua, tỉnh Long An đã tích cực hỗ trợ tỉnh Tiền Giang trong công tác phòng, chống hạn, mặn. Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Long An, Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Tỉnh đang có kế hoạch đầu tư hoàn thiện các cống tại các kênh, rạch nằm cắt ngang quốc lộ 62 (Bến Kè, Bún Bà Của, Kênh 1, Kênh 2, Rạch Cái Tôm,...) nhằm kiểm soát độ mặn từ sông Vàm Cỏ Tây xâm nhập qua kênh Dương Văn Dương vào vùng dự án Bắc Đông thuộc hai tỉnh Long An-Tiền Giang. Đầu tư, xây dựng hệ thống thủy lợi, các hồ dự trữ nước ngọt trên địa bàn tỉnh trước nguy cơ không có mùa lũ và xâm nhập mặn dâng cao để có đủ nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh. Rà soát lại toàn bộ hệ thống kênh trục để có kế hoạch đầu tư nạo vét, tu bổ nâng cấp bờ bao, xây dựng các cống điều tiết ngăn mặn giữ nước nhằm phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Sớm đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống trạm bơm, xi-phông qua sông Vàm Cỏ Tây để chuyển nước ngọt cho hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo-Tân Trụ. Triển khai thực hiện Dự án nước sạch nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Long An với tổng mức đầu tư 34,713 triệu USD (vốn vay WB là 21 triệu USD) khi được Chính phủ phê duyệt.

-------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 4/12/2021.