Lo nguồn cung rau, củ dịp cuối năm

Với sản lượng lớn, sản phẩm cây vụ đông năm 2021 ở phía bắc sẽ góp phần bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm và phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, để tránh bị tác động do dịch Covid-19, các bộ, ngành và địa phương cần có kịch bản sản xuất, tiêu thụ phù hợp để bảo đảm thu nhập cho nhân dân.
 

Nông dân xã Nghi Liên, thành phố Vinh (Nghệ An) thu hoạch mướp. Ảnh: TÁ CHUYÊN
Nông dân xã Nghi Liên, thành phố Vinh (Nghệ An) thu hoạch mướp. Ảnh: TÁ CHUYÊN

Theo kế hoạch, vụ đông năm 2021 các địa phương phía bắc gieo trồng khoảng 400 nghìn ha, sản lượng 4,6 triệu tấn. Để bảo đảm hiệu quả sản xuất, các địa phương sẽ tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Trên cơ sở đó, vụ đông năm nay phấn đấu giá trị đạt khoảng 34 đến 35 nghìn tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 85 triệu đồng/ha.

Vụ sản xuất dự báo nhiều khó khăn

Bước vào sản xuất vụ đông 2021, do nhiều nơi tại tỉnh Nghệ An thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở các vùng sản xuất trọng điểm gặp nhiều khó khăn. Vào thời kỳ cao điểm thu hoạch rau màu ở các địa phương có hiện tượng tiêu thụ chậm và giá bán giảm mạnh. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quỳnh Bảng (huyện Quỳnh Lưu) Hồ Đắc Tâm cho biết: “Trước đây, mỗi ngày hợp tác xã thu mua và tiêu thụ trong và ngoài tỉnh khoảng 500 đến 700 tấn rau, củ, quả nhưng hiện nay chỉ tiêu thụ được hơn nửa; giá cũng giảm mạnh, bằng nửa so với cùng kỳ. Vấn đề này đã ít nhiều tác động đến tâm lý người dân trong quá trình triển khai vụ đông năm nay”.

Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng (huyện Quỳnh Lưu) Vũ Văn Dương chia sẻ: “Theo kế hoạch, vụ đông năm nay xã sẽ gieo trồng khoảng 425 ha, trong đó 305 ha rau, hành, đậu... Nhưng hiện nay, vụ đông đang đối mặt nguy cơ “kép” là dịch Covid-19 và sâu xanh gây hại”. Ông Thái Bá Hoàn, xóm Học Văn, xã Quỳnh Bảng cho biết: “Nhiều năm nay, gia đình tôi trồng chuyên canh sáu sào hành hoa, bình quân cho thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng/sào/vụ nhưng năm nay mất trắng do sâu xanh phá”.

Không chỉ nhà ông Hoàn mà nhiều gia đình trồng hành hoa khác hầu như bị mất trắng do sâu xanh phá hoại. Ngoài ra, do tác động của dịch Covid-19, giá bán hành hoa trên địa bàn cũng giảm. Trước đây, mỗi kg hành hoa có giá từ 8 đến 10 nghìn đồng, nay xuống còn 3 đến 5 nghìn đồng. Tại huyện miền núi Anh Sơn, vụ đông năm nay có kế hoạch gieo trồng hơn 3.000 ha, trong đó diện tích trồng ngô khoảng 2.560 ha. Theo phản ánh của nhân dân, giá giống, phân bón… ở mức cao trong khi giá nông sản không ổn định khiến người dân không yên tâm sản xuất. Diễn biến thời tiết phức tạp, khó lường cũng đang ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư sản xuất cũng như tiến độ sản xuất vụ đông.

Vụ đông 2021, tỉnh Hải Dương có kế hoạch gieo trồng 21 nghìn ha, phấn đấu giá trị sản xuất đạt 4,7 nghìn tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 220 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, theo dự báo, thời tiết khó lường, sâu bệnh gây hại ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng; giá một số loại phân bón tăng; giá nhiều loại nông sản đang ở mức thấp do thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu khó khăn; nhiều hộ nông dân có tâm lý ngại đầu tư sản xuất do lo ngại dịch Covid-19 còn kéo dài gây đứt gãy các chuỗi cung ứng.

Linh hoạt kế hoạch sản xuất và bảo đảm tiêu thụ

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường mặc dù có một số nguy cơ nhưng vụ đông năm nay cũng gặp những thuận lợi nhất định bởi một số địa phương ở Trung Quốc bị lũ lụt nên nhu cầu nhập khẩu tăng. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến sản xuất của nhiều địa phương trong nước nên nguồn cung giảm. Do đó, để bảo đảm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho nhân dân dịp cuối năm cũng như phục vụ xuất khẩu, các địa phương cần xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông linh hoạt.

Lo nguồn cung rau, củ dịp cuối năm -0
 Sơ chế rau sạch tại Hợp tác xã Nam Cường, xã Yên Cường, huyện Ý Yên (Nam Định). Ảnh: MAI TÚ

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương Lương Thị Kiểm cho biết: “Hiện nay, ngoài việc tiếp tục duy trì, mở rộng tối đa các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, có thị trường tiêu thụ thuận lợi và ít chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đưa ra hai phương án ứng phó dịch trong vụ đông 2021. Theo đó, phương án 1, khi dịch được kiểm soát, việc vận chuyển nông sản, vật tư sản xuất ra vào tỉnh vẫn chủ động được, việc tiêu thụ nông sản cơ bản thuận lợi sẽ tổ chức thực hiện theo kế hoạch đề ra. Phương án 2, khi dịch ảnh hưởng toàn diện, nhiều địa phương bị phong tỏa, hoạt động vận chuyển, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm khó khăn: Tỉnh sẽ thành lập tổ công tác hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản ở tất cả các cấp chính quyền để nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của từng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tháo gỡ; tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng phương án ba tại chỗ để duy trì hoạt động sản xuất; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử; vận động các tổ chức đoàn thể… vào cuộc hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản...”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ cho biết, vụ đông năm 2021, tỉnh phấn đấu gieo trồng hơn 35,5 nghìn ha. Ngành nông nghiệp tỉnh có định hướng xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu sản xuất phù hợp tình hình thực tế, bố trí các vùng sản xuất an toàn gắn với thị trường tiêu thụ. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu, Nghệ An chủ trương chỉ đạo sản xuất vụ đông kịp thời, quyết liệt, đồng bộ với “phương châm 6S”, trong đó có hai sớm là: xây dựng đề án sớm, triển khai đề án sớm và bốn sát là: cơ cấu cây trồng thật sát với thực tế của địa phương, sát với dự báo của cơ quan khí tượng - thủy văn, sát với nhu cầu thị trường, sát cơ sở để chỉ đạo. Mục tiêu sản xuất vụ đông, bảo đảm chắc ăn và hiệu quả kinh tế, không sản xuất bằng mọi giá nhưng phải bằng mọi cách để đạt được kế hoạch đề ra.

Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương cần chủ động tiêu thoát nước sớm, thu hoạch nhanh, gọn lúa vụ hè thu, mùa sớm; chuẩn bị cây con để có thể trồng cây vụ đông ngay sau khi thu hoạch lúa; mở rộng dồn điền, đổi thửa, khuyến khích cho thuê đất, mượn đất để hình thành những vùng sản xuất vụ đông tập trung, quy mô lớn. Ngành nông nghiệp các địa phương cần căn cứ điều kiện thực tế chủ động đề xuất, trình UBND, HĐND tỉnh cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp hợp tác đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; khuyến khích nông dân tăng cường đầu tư thâm canh, mở rộng vùng sản xuất n