Xóm nhỏ ven cồn Phú Đa mong có chỗ ở ổn định

NDO -

Xóm nhỏ ven cồn Phú Đa (xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) nằm giữa sông Cổ Chiên bao phen khốn đốn khi liên tục phải di dời nhà cửa, tài sản do sạt lở gây ra. Những hộ dân nơi đây mong có chỗ ở ổn định sau nhiều lần “chạy” sạt lở.

Hiện trường vụ sạt lở ngày 12/9 khiến nhiều căn nhà trôi xuống sông.
Hiện trường vụ sạt lở ngày 12/9 khiến nhiều căn nhà trôi xuống sông.

Liên tục mất nhà, mất đất do sạt lở

Bốn năm trôi qua, ám ảnh lớn nhất đối với gia đình bà Ngô Thị Cẩm Hương là những cuộc “chạy” sạt lở. Gia đình bà ở sát bờ sông, sinh sống bằng nghề bán nước giải khát cho người dân đi phà sang bên kia sông Cổ Chiên (thuộc tỉnh Vĩnh Long) nên liên tục phải di dời đồ đạc, mất đất, mất nhà do sạt lở. 

Cuối tháng 9/2017, khi hay tin vụ sạt lở tại cồn Phú Đa, chúng tôi đến hiện trường, bà Hương khóc nức nở khi căn nhà mới xây gần 200 triệu đồng chưa kịp vào ở đã trôi xuống sông. Gia đình lâm cảnh nợ nần vì sau nhiều năm tích góp, vay mượn thêm mới xây được căn nhà tường kiên cố. 

Xóm nhỏ ven cồn Phú Đa mong có chỗ ở ổn định -0
Chính quyền địa phương đang gia cố đoạn bờ sông bị sạt lở. 

Sau vụ sạt lở, chính quyền địa phương hỗ trợ tám hộ dân ở đây xây nhà phía trong đê. Sau khi xây nhà xong, gia đình bà Hương tiếp tục dựng căn nhà tạm sát mé sông để tiện bán nước giải khát cho khách đi phà sang sông.

Bốn năm qua, nơi đây đã bốn lần xảy ra sạt lở. Gần nhất là vào ngày 12/9, một đoạn bờ sông chiều dài 100 mét, sâu vào bên trong hơn 50 mét đã cuốn trôi hai căn nhà và quán bán nước giải  khát của gia đình bà Hương. 

Nhiều người một lần nữa bàng hoàng thu dọn những vật dụng được xem là quý giá nhất ra khỏi căn nhà chuẩn bị sụp xuống sông.

Bà Hương cho biết: “Lần đầu mất nhà, tôi khóc cả đêm, đến chục ngày sau vẫn ám ảnh không ngủ được vì tài sản mất hết. Bây giờ, mất cái quán bán nước, gần hết đất tôi không còn nước mắt để khóc. Chỉ sau bốn năm, tôi đã bốn lần di dời đồ đạc, hai lần mất nhà cửa, tài sản. Bây giờ, đồ đạc gửi tạm nhà người bà con ở sâu phía trong vì căn nhà được hỗ trợ xây dựng sau đợt sạt lở đầu tiên giờ cũng thuộc diện nguy hiểm, không thể ở được”.

Trước đây, cuộc sống gia đình bà Hương tương đối ổn định, bây giờ phải xin xét cấp sổ hộ nghèo vì tài sản, đất đai đã mất gần hết.

Xóm nhỏ ven cồn Phú Đa mong có chỗ ở ổn định -0
Đoạn công trình bờ kè vừa hoàn thành đã bị cuốn trôi xuống sông. 

Căn nhà cho thuê đồ cưới của bà Nguyễn Thị Mộng Tuyền cách bờ sông gần 50 mét cũng bị cuốn trôi xuống sông trong phút chốc.

Bà Tuyền cho biết: “Lúc đó mọi người nghe tiếng động nên hô hoán nhau cùng dọn đồ đạc chuyển ra bên ngoài. Tôi và mấy người hàng xóm chỉ gom được quần áo cưới, một số vật dụng thì toàn bộ căn nhà đổ sụp kéo theo toàn bộ tài sản xuống dòng sông”.

Mấy ngày nay, ông Nguyễn Tấn Bang ra hiện trường vụ sạt lở đau đáu nhìn hơn 3.000 m2 đất của gia đình mình giờ nằm trọn dưới sông.

Ông Bang kể lại: “Năm 2017 tôi nuôi gần bốn tấn cá vồ đém, vì sạt lở, cá ra ngoài sông hết. Khi đó ,còn phân nửa đất tôi mua cây cừ cắm ven bờ định gia cố nuôi cá tiếp nhưng không được đành bỏ cho tới nay. Bây giờ, lại tiếp tục sạt lở nên toàn bộ diện tích đã nằm dưới sông dù vẫn còn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những hộ dân nơi đây đành gạt nước mắt nhìn tài sản, đất đai của mình bị trôi xuống sông hết lần này đến lần khác”…

Mong có chỗ ở ổn định

Sau vụ sạt lở năm 2017, chính quyền địa phương hỗ trợ những gia đình bị mất đất, mất nhà di dời vào phía trong để ổn định cuộc sống. Đồng thời, tiến hành khảo sát để xây dựng bờ kè kiên cố chống sạt lở. 

Công trình kè chống sạt lở cồn Phú Đa được khởi công xây dựng vào tháng 11/2019, dự kiến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng khiến nhiều người rất vui mừng. Trong đó, sẽ xây dựng hai tuyến kè tại bờ Bắc và bờ Nam với chiều dài 981,9 mét, tổng kinh phí đầu tư, xây dựng hơn 43 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng giao thông thủy lợi Hà Nội thi công. 

Xóm nhỏ ven cồn Phú Đa mong có chỗ ở ổn định -0
Gia đình bà Hương bị mất nhà, đất sản xuất do sạt lở gây ra. 

Ban quản lý đầu tư xây dựng các dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (BQLDA) tỉnh Bến Tre là đơn vị chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, ngày 21/10/2020, khi công trình chuẩn bị tổng nghiệm thu để bàn giao đưa vào sử dụng thì xảy ra sự cố sạt lở tại bờ Nam với chiều dài 50 mét.   

Ngay sau khi sự cố xảy ra, cơ quan chức năng đã vào cuộc và xác định nguyên nhân gây ra sạt lở chủ yếu do mất cát ở lòng sông. Đồng thời, địa chất nền đáy là bùn và cát nên dễ bị dòng chảy gây xói lòng dẫn, dễ gây ra mất ổn định mái bờ sông... 

Đơn vị chủ đầu tư cũng đã giao đơn thiết kế đo đạc hiện trạng, lập phương án xử lý. Thế nhưng, gần một năm, công trình này chưa được khắc phục sự cố thì lại tiếp tục xảy ra sạt lở cách vị trí cũ khoảng 100 mét khiến đoạn kè của công trình khoảng 15 mét trôi xuống sông. Bây giờ, một đoạn kè nằm giữa hai điểm sạt lở có nguy cơ tiếp tục trôi xuống sông. 

Hiện chính quyền địa phương phải vận động di dời nhà dân và tiếp tục làm bờ kè dự phòng cách bờ khoảng 60 mét để ngăn sạt lở. Những hộ dân đã được hỗ trợ xây nhà đợt sạt lở đầu tiên giờ tiếp tục phải di dời lần nữa và mất đất sản xuất.

Xóm nhỏ ven cồn Phú Đa mong có chỗ ở ổn định -0
Ông Bang chỉ về phần đất của gia đình mình bị trôi xuống sông. 

Gia đình ông Trương Thanh Tân có 3.100 m2 đất ở sát mé sông, năm 2017 do sạt lở gia đình ông mất gần 1.000 m2 đất, nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng để di dời nhà vào phía trong. 

Ông Tân cho biết: “Sau sự cố sạt lở năm 2017 gia đình gặp nhiều khó khăn do mất đất sản xuất, di dời nhà cửa. Khi Nhà nước xây dựng bờ kè, chưa kịp vui mừng thì lại liên tục xảy ra sạt lở. Bây giờ, bà con nơi đây chỉ mong chính quyền hỗ trợ xây dựng bờ kè kiên cố để chống sạt lở mới mong có chỗ ở ổn định”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh cho biết, mới đây, vụ sạt lở tại cồn Phú Đa làm ngập 12 héc-ta đất, 14 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó có hai căn nhà, một quán kinh doanh nước giải khát, cầu xuống phà, đường nhựa và đoạn bờ kè dài 15 mét trôi xuống sông. Khu vực này đã nhiều lần xảy ra sạt lở gây mất nhà, mất đất của người dân. 

Hiện tại, chính quyền địa phương đã hỗ trợ di dời người và tài sản của năm hộ dân trong vùng nguy cơ đến nơi an toàn. Sau vụ sạt lở vừa qua, lực lượng chức năng đã gia cố đoạn đê cặp bờ sông và đang tiếp tục đắp con đê dự phòng phía trong khoảng 60 mét nhằm bảo vệ an toàn nhà cửa và cây ăn trái để giúp người dân ổn định cuộc sống.