Bài toán mới của y tế cơ sở

Không thể phủ nhận những đóng góp của mạng lưới y tế cơ sở, nhất là y tế tuyến xã, phường trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, với sự bùng phát mạnh mẽ của dịch Covid-19 thời gian qua không chỉ đặt ra nhiều thử thách lớn đối với ngành y tế, mà còn làm cho hệ thống y tế tuyến cơ sở bộc lộ những yếu kém, bất cập cần sớm được khắc phục để đáp ứng nhiệm vụ được giao.

Cán bộ trạm y tế lưu động phát thuốc cho bệnh nhân Covid-19 tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh: ĐỖ TRỌNG
Cán bộ trạm y tế lưu động phát thuốc cho bệnh nhân Covid-19 tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh: ĐỖ TRỌNG

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư với biến thể Delta làm cho khả năng dịch lây lan nhanh, mạnh đã tạo nên thách thức chưa từng có đối với hệ thống y tế thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam.

Bộc lộ nhiều bất cập

Khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, trạm y tế xã, phường, thị trấn trở nên quá tải do lực lượng nhân viên y tế mỏng, năng lực chuyên môn nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu. Phó Chủ tịch UBND phường 5, quận 5, TP Hồ Chí Minh Huỳnh Ngọc Hiền đánh giá, trạm y tế phường hiện nay vẫn còn thiếu bác sĩ. Trong đợt dịch vừa qua, đội ngũ nhân viên y tế của phường đều căng mình làm rất nhiều công việc, từ đi lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc-xin đến chăm sóc người nhiễm Covid-19 (F0) tại nhà… Nếu không có sự tăng cường từ các đơn vị thì chắc chắn trạm y tế phường không bảo đảm được công việc phòng, chống dịch. Theo bác sĩ Lê Vĩnh Phú, Trưởng trạm y tế phường 14, quận 5 cho biết, trạm y tế của phường hiện có 5 người, khi dịch Covid-19 bùng phát đã bộc lộ rõ nhiều bất cập, vừa mỏng về nhân lực vừa thiếu về trang thiết bị. Bên cạnh đó, sự kết nối giữa các tuyến y tế từ cơ sở đến quận, huyện, và bệnh viện điều trị các trường hợp nặng cũng chưa thật sự nhịp nhàng trong giai đoạn đầu…

Là địa bàn có khoảng 60 nghìn người, diện tích thuộc loại rộng nhất của TP Biên Hòa (Đồng Nai), kể từ đầu đợt dịch lần thứ tư đến ngày 23/10, phường Tân Phong ghi nhận hơn 700 ca F0. Bác sĩ Hoàng Trọng Đại, Trưởng trạm Y tế phường Tân Phong cho biết, hơn 100 ngày nay tất cả nhân viên đơn vị đều ăn, ở tại chỗ để thực hiện công tác chống dịch. Với sáu người (gồm một bác sĩ, năm y sĩ, điều dưỡng) và được tăng cường thêm ba nhân viên từ đoàn chi viện tỉnh Nam Định, nhưng phường có quy mô dân số đông, diện tích rộng, lại tập trung nhiều khu nhà trọ cho nên tất cả phải làm việc hơn 300% sức lực.

Bác sĩ Đại chia sẻ, bình thường đội ngũ y tế của đơn vị có thể bảo đảm các nhiệm vụ, nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát thì gần như nhân viên kiệt sức, không thể kham nổi, có thời điểm không thể nắm hết được những F0 trên địa bàn. Hiện dịch cơ bản được kiểm soát, ba nhân viên chi viện trở về địa phương, sáu cán bộ của Trạm y tế phường hiện vẫn duy trì ở tại đơn vị để tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch trong tình hình mới. Do đó, chúng tôi lo nhất hiện nay địa phương thực hiện cách ly F0 tại nhà, vì thực sự rất khó để đảm đương được, dù có thêm sự tăng cường y tế lưu động từ cấp trên. "Thú thật dịch bệnh bùng phát mạnh không thể lường trước được khiến chúng tôi rơi vào thế bị động. Giờ cũng không biết kiến nghị gì, vì đụng đến đâu cũng thấy thiếu cả, từ con người đến thiết bị, thuốc men", bác sĩ Đại chia sẻ.

Không vất vả bằng những đồng nghiệp ở phường Tân Phong, nhưng gần sáu tháng qua tám cán bộ, nhân viên Trạm y tế xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất cũng phải căng mình làm việc ngày đêm. Chủ tịch UBND xã Gia Tân 1 Nguyễn Phương Hưng nêu rõ, qua đợt dịch mới thấy trạm y tế địa phương gặp rất nhiều khó khăn, dù nhân viên làm việc 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần với hơn 200% công suất nhưng hầu như anh em không có thêm chế độ gì. Đợt dịch lần thứ tư, toàn xã có 63 ca F0, khi phát hiện một trường hợp nào đó anh em nhân viên y tế luôn có mặt đầu tiên để đưa đi cách ly và thực hiện truy vết, lấy mẫu xét nghiệm.

Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với các địa phương về đánh giá những kết quả bước đầu trong công tác phòng, chống dịch trong đợt dịch lần thứ tư hôm 17/10, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, một trong những hạn chế là y tế cơ sở và y tế dự phòng, chưa đáp ứng được yêu cầu. Năng lực y tế cơ sở còn nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến quá tải ở một số địa phương và số người chết do Covid-19 cao trong giai đoạn đầu.

Chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về y tế cơ sở đã phân tích rõ, trong ba đợt dịch trước, với chủng vi-rút cũ, tốc độ lây lan chậm nên y tế cơ sở chỉ phải tập trung vào dự phòng, khoanh vùng, dập dịch… Nhưng đợt thứ tư với biến thể Delta dễ lây lan, bùng phát mạnh nên y tế cơ sở đã phải tập trung lực lượng khoanh vùng, dập dịch nhanh hơn đồng thời phải thực hiện thêm công tác điều trị cho F0. Trong khi đó, tại các địa phương dịch bùng phát mạnh, nhất là tại TP Hồ Chí Minh, chức năng điều trị tại các trạm y tế xã, phường bị triệt tiêu, mất khả năng khám bệnh (vì quá gần các bệnh viện, trung tâm y tế) nên khi phải gánh công tác điều trị là thách thức lớn.

Bài toán mới của y tế cơ sở -0
Nhân viên Trạm y tế phường Tân Phong, TP Biên Hòa (Đồng Nai) lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân.

Cần thay đổi toàn diện

Cả nước chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần nêu rõ công tác phòng, chống dịch Covid-19 cần thực hiện theo phương châm mỗi xã, phường, thị trấn là một "pháo đài", mỗi người dân là một "chiến sĩ". Các chuyên gia chống dịch phân tích rõ, pháo đài chống dịch rất khác với lô cốt. Pháo đài có tính chủ động và độc lập, giống như chống giặc, mỗi pháo đài trước tiên là chủ động và độc lập, sau đó còn có khả năng tăng cường chi viện cho các pháo đài khác khi cần, khác hẳn với khái niệm nằm im phòng thủ như lô cốt.

Đã đến lúc cần có bước thay đổi toàn diện, cấu trúc lại mô hình y tế xã, phường. Cần xây dựng các mô hình (cả cơ sở hạ tầng, chuyên môn và nhân lực) phù hợp đặc thù từng khu vực. Mô hình trạm y tế có năm đến tám cán bộ/trạm chỉ phù hợp với các xã, phường có quy mô vài nghìn dân, chứ một xã, phường có 30 đến 40 nghìn dân mà cũng chỉ có bằng đấy con người thì khi dịch xảy ra thì "vỡ trận" là điều dễ hiểu. Ngoài ra cũng phải tính tới mô hình bệnh tật tại các địa phương, khu vực (thành thị - nông thôn; miền núi - đồng bằng) có sự khác nhau thì cơ cấu cán bộ y tế cũng cần khác nhau. Rồi việc phân chia theo địa dư hành chính cũng cần phải thay đổi; đồng thời đưa nguyên lý y học gia đình vào các trạm y tế để người dân được quản lý, chăm sóc sức khỏe, khi ốm đau được tiếp cận với các dịch vụ y tế...

Để trở lại với trạng thái bình thường mới, TP Hồ Chí Minh xác định cần ưu tiên đầu tư, củng cố cho hệ thống y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở. Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, thành phố sẽ củng cố nguồn nhân lực của hệ thống y tế cơ sở, nhất là trạm y tế phường, xã, thị trấn, bên cạnh duy trì mô hình trạm y tế lưu động với nguồn nhân lực được tăng cường và luân phiên từ các bệnh viện của thành phố và quận, huyện. Thành phố sẽ đầu tư công tác y tế dự phòng, nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế hoạt động phù hợp, chủ động, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch có hiệu quả, thông suốt ngay từ tuyến cơ sở. Thành phố sẽ cấu trúc lại bộ máy, cơ sở vật chất của các bệnh viện và các cơ sở y tế khác để sẵn sàng tham gia công tác khám bệnh, chữa bệnh theo hai chức năng: điều trị các bệnh lý thông thường và bệnh lý Covid-19. Bên cạnh đó, cũng có cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực đối với tuyến cơ sở.

Tại nhiều cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai những ngày qua, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu, Sở Y tế khẩn trương rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư thiết bị, nhân lực cho các trạm y tế cơ sở, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều trị cho người dân. Đặc biệt, để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu tăng cường thành lập các trạm y tế lưu động ở xã, phường, thị trấn. Hiện còn đến 83 nơi chưa có trạm y tế lưu động, do đó, Sở Y tế hỗ trợ các địa phương nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe ở tuyến cơ sở. Ngoài ra, chú ý hình thành trạm y tế tại các khu công nghiệp. Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân ngày 23/10, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết đơn vị này đang tập trung rà soát những khó khăn, hạn chế của các trạm y tế cơ sở để tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch nâng cấp. Chậm nhất trong tuần tới, sẽ hoàn thành việc này.

Tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Đối với lĩnh vực y tế, tỉnh sẽ sắp xếp, tổ chức lại hệ thống y tế tuyến cơ sở, tổ chức thêm các trạm y tế lưu động để đưa dịch vụ y tế đến gần dân, công nhân lao động nhất ngay tại xã, phường, thị trấn, các khu, cụm công nghiệp và trong từng doanh nghiệp, bảo đảm người dân được tiếp cận y tế nhanh nhất ở mọi lúc, mọi nơi, từng bước đưa công tác phòng, chống dịch Covid-19 như công tác phòng, chống dịch bệnh thông thường khác. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, trong việc tổ chức lại hệ thống y tế, đối với tuyến xã tập trung tổ chức tốt hệ thống giám sát và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Theo đó, lấy trạm y tế xã, phường làm trung tâm, thành lập các trạm y tế lưu động trực thuộc trạm y tế xã, phường, thị trấn với số lượng phù hợp dân số của từng khu vực để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong giai đoạn mới và bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.