Thông tin y tế:

Bản lĩnh, tinh thần cống hiến của thầy thuốc Vĩnh Phúc trong đại dịch Covid-19

Suốt từ năm 2020 đến nay, đội ngũ cán bộ y tế tỉnh Vĩnh Phúc tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với một tinh thần cống hiến hết mình, xung phong tình nguyện đến những nơi khó khăn, nguy hiểm nhất để điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân tại Quảng trường thành phố Vĩnh Yên.
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân tại Quảng trường thành phố Vĩnh Yên.

Sẵn sàng đương đầu thử thách, chủ động ứng biến

Dịch bệnh Covid-19 đã nhiều lần xâm nhập Vĩnh Phúc và đã cơ bản được kiểm soát nhờ ý chí và quyết tâm của đội ngũ thầy thuốc, với sự đồng lòng hỗ trợ của nhân dân trong tỉnh. Toàn thể 4.874 cán bộ, nhân viên ngành y tế Vĩnh Phúc đã vào cuộc với tinh thần vượt khó.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Duyên, Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc phải chịu tang bố trong Bệnh viện Dã chiến tỉnh; điều dưỡng Triệu Thắng, Trung tâm Y tế thành phố Vĩnh Yên, xung phong lên đường vào nam khi vợ mới sinh được một tháng. Bác sĩ Hoàng Hữu Việt, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh làm việc liên tục bốn tháng trong Bệnh viện dã chiến tỉnh.

Bác sĩ Việt tâm sự: Nhân viên y tế vừa phải làm công việc chuyên môn, vừa phải chống lây nhiễm. Người có kinh nghiệm đào tạo người mới đến, đồng thời phải vận động bệnh nhân tuân thủ tốt phác đồ điều trị, giải tỏa căng thẳng tâm lý vì thực tế đã có những cán bộ y tế của Bệnh viên đa khoa khu vực Phúc Yên bị nhiễm Covid-19.

Trước yêu cầu công việc rất lớn, ngành y tế tập trung cao độ cho công tác tham mưu, điều phối, hướng dẫn các hoạt động chuyên môn. Hoạt động của các ngành như giáo dục, giao thông, lao động, công an … cũng cần ý kiến chuyên môn của ngành y tế. Trong 10 tháng qua, Sở Y tế tham mưu và ban hành gần 2.000 văn bản liên quan đến dịch bệnh Covid-19.

Sở Y tế đã tranh thủ sự lãnh đạo của Bộ Y tế, các cấp ủy đảng, chính quyền; tham mưu kịp thời nhiều giải pháp phòng chống dịch hiệu quả. Cơ quan Sở biến thành Trung tâm tham mưu điều phối chiến dịch. Lãnh đạo Sở và nhiều phòng chuyên môn phải trực cả ngày lẫn đêm. Đầu tháng 5/2021, khi một Phó giám đốc Sở tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19, toàn bộ cán bộ, công chức Sở Y tế xin được cách ly tại cơ quan để làm việc.

Với sự tham mưu về chuyên môn của Sở Y tế, tỉnh Vĩnh Phúc chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch, kịch bản phòng, chống dịch; thành lập và vận hành các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến, các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 ở cấp tỉnh và cấp huyện; tổ chức nhiều chốt kiểm soát dịch bệnh. Toàn bộ nguồn lực cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, tài sản, vật tư của ngành y tế được huy động cho chống dịch.

Tỉnh kiên định năm nguyên tắc phòng chống dịch là “Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng và Dập dịch” theo phương châm 4 tại chỗ; huy động toàn bộ hệ thống chính trị và sức mạnh của nhân dân tham gia chống dịch với công thức “Phát hiện - truy vết - khoanh vùng - cách ly - điều trị tích cực hiệu quả”.

Phát huy cao độ tinh thần tình nguyện

Thời điểm cuối tháng 5/2021, khi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, số người phải cách ly lên đến gần 4.000, Sở Y tế Vĩnh Phúc ra lời kêu gọi y, bác sĩ nghỉ hưu tham gia chống dịch.

Chỉ sau một tuần đã có 240 người viết đơn tình nguyện đăng ký chống dịch. Trong số đó, Sở Y tế lựa chọn tổ chức tập huấn cho 151 y, bác sĩ.

Trong buổi tập huấn đầu tiên, bác sĩ về hưu Tạ Văn Chấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chia sẻ: Tuổi 70 tôi còn khỏe, mong muốn được đem sức lực, tâm huyết, kinh nghiệm chung vai, sát cánh cùng với đội ngũ thầy thuốc tuyến đầu. Nghe những lời này, trên mắt các cô y sĩ trẻ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngân ngấn nước vì cảm động.

Trong đợt dịch từ tháng 4/2021 đến nay, ngành y tế Vĩnh Phúc đã huy động 372 cán bộ y tế tình nguyện cắm chốt dập dịch tại các điểm nóng, các khu cách ly tập trung. Các bệnh viện chuyên khoa, trung tâm y tế cấp huyện tăng cường 84 cán bộ y tế cho Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân F0. Đã có bảy đoàn y, bác sĩ tình nguyện Vĩnh Phúc gồm 166 người xung phong chi viện cho các tỉnh Bắc Giang, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh, cùng với 650 người tham gia chống dịch tại Hà Nội.

Bản lĩnh, tinh thần cống hiến của thầy thuốc Vĩnh Phúc trong đại dịch Covid-19 -0
 

Trong sáu đoàn công tác vào miền nam, Đoàn thứ nhất gồm 40 người làm việc tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Bệnh viện này có quy mô 700 giường, thường phải hoạt động hết công suất trong tháng 7 và đầu tháng 8. Trong thời gian từ tháng 7 - 9/2021, Đoàn số 1 đã nỗ lực hết mình cùng đồng nghiệp các tỉnh bạn điều trị khoảng 2.200 bệnh nhân Covid-19, cho ra viện khoảng 1.500 bệnh nhân và điều trị thành công nhiều ca bệnh nặng.

Đoàn số 3 gồm 20 người vừa hoàn thành nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, hiện đang cách ly sau chuyến công tác.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc An, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sông Lô, Trưởng đoàn số 3 tâm sự: Bệnh nhân quá đông. Có những trường hợp tưởng chừng có thể cứu được nhưng do hệ thống y tế quá tải không theo dõi kịp. Nhờ sự can thiệp của Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh triển khai túi thuốc cộng đồng và tiêm phòng vaccine bao phủ, , số bệnh nhân giảm hẳn. Trong điều trị, có những kỹ thuật đoàn Vĩnh Phúc mạnh hơn như đặt nội khí quản, đo áp lực tĩnh mạch trung ương, mình đem trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp các tỉnh bạn.

Bác sĩ Hồ Sỹ Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo, Trưởng đoàn số 4 vui mừng vì không có ai trong đoàn bị nhiễm bệnh. Nhiều thành viên đoàn số 4 trực tiếp điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, như bác sĩ Thìn, bác sĩ Hải, bác sĩ Thái Bảo, điều dưỡng Tuyến, điều dưỡng Dung. Trong đoàn có bác sĩ Lưu Văn Điệp công tác tại Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt, một bệnh viện tư ở thành phố Vĩnh Yên đã xung phong tham gia. Sau chuyến đi, bác sĩ Điệp vẫn còn bị tác động mạnh: Một ngày tiễn nhiều bệnh nhân nặng ra đi, anh em cảm thấy rất nặng nề, ám ảnh. Có cả những người tuổi đời rất trẻ, cho thở oxy dòng cao, lọc máu vẫn không qua khỏi. Đi làm tôi càng thấy thương y, bác sĩ tuyến đầu vất vả, cực nhọc phải thức đêm chăm sóc bệnh nhân nặng, nhiều tháng không được về nhà … Thực tế là đã có hai cán bộ y tế của tỉnh bị nhiễm Covid-19 khi điều trị bệnh nhân tại TP Hồ Chí Minh.

Cán bộ y tế Vĩnh Phúc được đồng nghiệp phía nam đánh giá cao về tinh thần hợp tác và trình độ chuyên môn. Các y, bác sĩ tình nguyện cũng ấn tượng với tình cảm nồng hậu, chân thành, chu đáo của các đồng nghiệp TP Hồ Chí Minh và đồng hương Vĩnh Phúc tại các tỉnh phía nam. Sự biết ơn của bệnh nhân, những cái vẫy tay chào qua ô cửa sổ khiến các y, bác sĩ rất xúc động. Trong những ngày chiến đấu với dịch bệnh Covid-19, cán bộ y tế tình nguyện còn nhận được thư động viên, sự quan tâm ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, Sở Y tế và của bạn bè, người thân.

Giám đốc Sở Y tế Lê Hồng Trung rút ra một điều: Qua nhiều gian nan, đội ngũ thầy thuốc Vĩnh Phúc tích lũy được thêm kinh nghiệm điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19. Năng lực khám, chữa bệnh, cơ sở vật chất phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 được nâng cao. Tỉnh đã thành lập hai bệnh viện dã chiến, tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện đều có khu cách ly điều trị. Ngành y tế đã trang bị đầy đủ phương tiện hiện đại cho khu hồi sức tích cực  của các bệnh viện dã chiến và các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 tuyến huyện, như máy thở chức năng cao, hệ thống ECMO, máy lọc máu liên tục, máy gây mê kèm thở, máy X-quang di động, máy siêu âm …

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ ngành y tế những thiết bị như máy xét nghiệm Real-time PCR, xe cấp cứu, hệ thống tách chiết DNA/RNA và thiết lập phản ứng tự động, máy thở xách tay, máy định nhóm máu …

Với nỗ lực đó, Vĩnh Phúc đã trụ vững sau các đợt dịch, duy trì 80 ngày không có ca bệnh cho đến tận trung tuần tháng 10/2021, khi dịch từ Phú Thọ lan sang địa bàn tỉnh. ngành y tế Vĩnh Phúc đã giành được niềm tin, sự cảm phục của toàn thể nhân dân trong tỉnh. Đội ngũ thầy thuốc Vĩnh Phúc có thêm bản lĩnh, kinh nghiệm để đương đầu với các thử thách dịch bệnh trong tương lai.