Chuẩn bị triển khai tiêm bổ sung, nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19

Ngày 1/12, Bộ Y tế có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các viện vệ sinh dịch tễ, Pasteur; Cục Y tế (Bộ Công an); Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) về việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại.

Tiêm vắc-xin cho người dân quận 1, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tiêm vắc-xin cho người dân quận 1, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

 Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên. Theo đó, tiêm liều bổ sung vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng: Người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vắc-xin); người suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV; người đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng... Loại vắc-xin tiêm cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc-xin mRNA. Về khoảng cách, tiêm một mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vắc-xin.

Tiêm liều nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng: Người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền; người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế; người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế. Loại vắc-xin nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc-xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc-xin mRNA; nếu trước đó đã tiêm các loại vắc-xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc-xin mRNA.

Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc-xin của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc-xin mRNA hoặc vắc-xin véc-tơ vi-rút (vắc-xin AstraZeneca). Tiêm một mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung. Bộ Y tế yêu cầu y tế các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm bổ sung, nhắc lại từ tháng 12/2021 căn cứ vào tiến độ cung ứng vắc-xin...

Chiều cùng ngày, Tổ chức y tế thế giới và UNICEF có thông tin báo chí về gia hạn sử dụng của vắc-xin phòng Covid-19 Pfizer. Theo đó, đối với mỗi loại vắc-xin, các nhà sản xuất đều thực hiện những nghiên cứu trong thời gian thực tế để đưa ra quyết định về hạn sử dụng. Vắc-xin Pfizer sau khi được phê duyệt khẩn cấp, nhà sản xuất tiếp tục nghiên cứu độ ổn định theo Hướng dẫn đối với thuốc mới cũng như sản phẩm sinh học, nghiên cứu được tiến hành trên các dải nhiệt độ bảo quản khác nhau.

Kết quả cho thấy, vắc-xin có độ ổn định, bảo đảm chất lượng, hạn dùng đến 9 tháng, thậm chí dài hơn kể từ ngày sản xuất khi được bảo quản ở -90°C đến -60°C. Sau khi có đủ cơ sở dữ liệu về hạn sử dụng trong vòng chín tháng, nhà sản xuất đã nộp hồ sơ phê duyệt tăng hạn sử dụng lên 9 tháng. Vào các ngày 22/8, 10/9 và 20/9/2021 các Cơ quan quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), Cơ quan quản lý dược châu Âu (EMA) đã thông qua hạn sử dụng của vắc-xin Pfizer từ 6 tháng lên 9 tháng. Tổ chức Y tế thế giới có thư gửi UNICEF thông báo về việc tăng hạn sử dụng vắc-xin Pfizer từ 6 tháng lên 9 tháng. Việc gia hạn sử dụng này được áp dụng chung trên toàn cầu trong tiêm chủng cho tất cả các nhóm đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Các quốc gia trên thế giới vẫn giữ nguyên nhãn trên lọ vắc-xin theo hạn sử dụng của nhà sản xuất và chỉ có thông báo riêng về tăng hạn sử dụng của vắc-xin từ 6 lên 9 tháng…

Trong quá trình vận chuyển vắc-xin từ nhà sản xuất đến Việt Nam, vắc-xin luôn được bảo quản ở nhiệt độ -90°C đến -60°C bằng các thiết bị chuyên dụng của nhà sản xuất. Vắc-xin có thể được bảo quản trong buồng lạnh, tủ lạnh dương từ +2ºC đến +8ºC tối đa 1 tháng (31 ngày). Tất cả các lô vắc-xin trước khi sử dụng tại Việt Nam đều được Viện Kiểm định Quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế đánh giá chất lượng và cấp giấy phép xuất xưởng. Do vậy, việc tăng thời hạn vắc-xin thêm 3 tháng hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng vắc-xin.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, việc gia hạn vắc-xin Pfizer thực hiện theo thông lệ của quốc tế, Việt Nam không tự động gia hạn. Mọi vắc-xin về Việt Nam đều được kiểm định theo yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới và bảo đảm chất lượng khi sử dụng cho người dân. Trong thời gian từ 1/12 đến 31/12/2021, Bộ Y tế dự kiến tiếp nhận khoảng 63,5 triệu liều vắc-xin trong đó có hơn 40 triệu liều vắc-xin Pfizer để tiêm cho người trên 18 tuổi và trẻ em, bảo đảm bao phủ đủ mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.

Theo bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, hiện nay hệ thống dây chuyền lạnh của Chương trình tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của Việt Nam về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu bảo quản, vận chuyển và sử dụng vắc-xin Covid-19.

Thống kê của Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, tính đến chiều 1/12, cả nước đã tiêm hơn 123,5 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19. Có 57 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc-xin cho hơn 80% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 26 tỉnh đạt tỷ lệ hơn 95%. Có 37 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 từ 12 đến 17 tuổi. Đến nay, các địa phương đã tiêm được 3.939.823 liều vắc-xin, trong đó có 3.193.502 liều mũi một và 746.321 liều mũi hai. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc-xin là 35,0% và tỷ lệ bao phủ đủ hai liều là 8,2% số trẻ từ 12 đến 17 tuổi.

Ngày 1/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.508 ca nhiễm mới, gồm hai ca nhập cảnh và 14.506 ca trong nước tại 60 tỉnh, thành phố. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao so với ngày trước đó là Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Cà Mau... Trong ngày có 2.704 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 196 ca tử vong tại 20 tỉnh, thành phố.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhất là việc xuất hiện các chùm ca bệnh ở một số địa phương, thành phố Hải Phòng đã ban hành các công văn hỏa tốc về nâng cấp phòng, chống dịch tại huyện Tiên Lãng và quận Hồng Bàng. Theo đó, nâng cấp độ dịch lên cấp độ 4 (vùng đỏ) đối với hai xã Tiên Thắng và Vinh Quang của huyện Tiên Lãng, đưa số xã của địa phương này có dịch cấp độ 4 là bốn xã.

Đồng thời, toàn huyện Tiên Lãng trở thành địa phương có dịch cấp độ 3 (mầu cam). Quận Hồng Bàng cũng có 2 phường Thượng Lý và Sở Dầu được xác định là địa phương có dịch cấp độ 3 (vùng cam). UBND thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tương ứng nhằm sớm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và điều trị kịp thời các ca mắc mới phát sinh.