Đà Nẵng liên tiếp ghi nhận hàng chục ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng

NDO -

Từ ngày 22 đến 25/11, Đà Nẵng đã ghi nhận 255 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 102 ca nhiễm trong cộng đồng. Nhiều ca có nguy cơ lây lan cao.

Các hội đoàn thể phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà  kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ thực phẩm cho người dân trong khu vực phong tỏa, sáng 25/11.
Các hội đoàn thể phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà  kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ thực phẩm cho người dân trong khu vực phong tỏa, sáng 25/11.

Đà Nẵng tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch đối tại khu vực phát hiện ca bệnh mới và ban hành Quy trình xử lý F0 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Rà soát chặt chẽ các trường hợp F1, liên quan và nguy cơ để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Chiều 25-11, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP Đà Nẵng cho biết, trong ngày, Đà Nẵng ghi nhận 66 ca mắc Covid-19, gồm 9 ca cách ly tập trung, 22 ca cách ly tại nhà, 5 ca trong khu phong tỏa và 30 ca chưa cách ly.

Trong số 30 ca nhiễm cộng đồng thì có 20 ca ghi nhận khi đến khám, xét nghiệm tại 11 cơ sở y tế, các bệnh viện; các ca còn lại phát hiện khi lấy mẫu tại nhà hàng, quán ăn và lấy mẫu liên quan các chuỗi lây nhiễm trước. Có 7/7 quận, huyện ghi nhận ca mắc có nguy cơ lây lan cho cộng đồng; trong đó  quận Hải Châu 10 ca, quận Sơn Trà 9 ca, quận Thanh Khê 8 ca, quận Cẩm Lệ 7 ca, quận Ngũ Hành Sơn 7 ca, quận Liên Chiểu 5 ca và huyện Hòa Vang 5 ca.

Cùng ngày, Sở Y tế TP Đà Nẵng ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, bảo đảm theo quy định của Bộ Y tế và theo hướng dẫn tại Công văn số 4226/SYT-NVY của Sở Y tế thành phố.

Theo đó, nếu doanh nghiệp có hợp đồng với cơ sở cách ly, cơ sở y tế thì quy mô khu cách ly tạm thời không cần giường mà chỉ là khu vực chờ đưa đi cách ly. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và tự tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho người lao động. Đồng thời, rà soát, thiết lập hệ thống camera tại những nơi tập trung đông người, thành lập tổ y tế, tổ Covid-19 doanh nghiệp.

Theo dõi sức khỏe hằng ngày của người lao động, có phương án quản lý người lao động tại nơi lưu trú, cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi lưu trú; khi có nghi ngờ tiếp xúc với F0, người nghi ngờ là F0, có yếu tố dịch tễ, có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh thì phải báo ngay cho tổ y tế…

Về quy trình xử lý khi phát hiện người nhiễm Covid-9 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, gồm 7 bước cụ thể. Trong đó, lưu ý nếu trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động có nhu cầu vừa lao động, vừa cách ly các trường hợp F1, phải có cơ sở vật chất bảo đảm giãn cách, hạn chế tiếp xúc, phân bố thời gian làm việc, ăn, nghỉ, vệ sinh theo ca, kíp, bộ phận để hạn chế tiếp xúc, tuyệt đối giữ khoảng cách an toàn và hạn chế tiếp xúc khi làm việc.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh có hơn 80% người lao động tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng Covid-19 thì tất cả F1 được tiếp tục lao động, xét nghiệm lại vào ngày 4, ngày 7 và tiếp tục mỗi 7 ngày cho đến khi không còn phát hiện F0; khai báo sức khỏe mỗi ngày và xét nghiệm ngay khi có triệu chứng; thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho người ở cùng, nhất là người có nguy cơ cao (người trên 65 tuổi, người trên 50 tuổi có bệnh nền, người béo phì; hạn chế tối đa giao tiếp với bên ngoài cho đến khi kết thúc thời gian theo dõi). 

Trường hợp cơ sở sản xuất có hơn 80% người lao động tiêm chủng đầy đủ thì đối với F1 chưa được tiêm vaccine đầy đủ: cách ly 14 ngày tại nhà (nếu có đủ điều kiện theo quy định) hoặc tại cơ sở cách ly; xét nghiệm lại vào ngày thứ 7, ngày thứ 14.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan