Tập trung dập dịch, giãn dân tại các khu nhà trọ

94% trong tổng số hơn 37 nghìn ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến thời điểm này tập trung ở bốn huyện, thành phố có nhiều khu công nghiệp, đông công nhân thuê trọ. Sau khi hoàn thành chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, ngành chức năng địa phương đang tiếp tục tầm soát lại tất cả các khu nhà trọ nhằm tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng, sớm khống chế dịch bệnh.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại phường Tam Phước, TP Biên Hòa (Đồng Nai).
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại phường Tam Phước, TP Biên Hòa (Đồng Nai).

Số ca nhiễm mới ở Đồng Nai những ngày gần đây phần lớn đều có nguồn gốc ở các nhà trọ trong khu vực phong tỏa, thuộc những địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp.

Tầm soát phát hiện sớm ca bệnh

Sáng 14/9, từ quốc lộ 51, xe chúng tôi rẽ vào đường khu phố Thiên Bình, phường Tam Phước, TP Biên Hòa. Hàng dài người dân đợi đến lượt lấy mẫu xét nghiệm. Phần lớn đây là những công nhân ở các dãy trọ trong khu phố, xếp hàng rất trật tự và bảo đảm giữ khoảng cách. Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Trưởng khu phố Thiên Bình, ướt đẫm mồ hôi, liên tục nhắc nhở mọi người thực hiện đúng quy định. Hỏi ra mới biết, trước đó, bà cùng hai chiến sĩ công an, dân quân đến tận các dãy trọ ở tổ 12, 13 gọi người ra điểm lấy mẫu test nhanh. Bà Nguyệt chia sẻ: Chúng tôi kiên trì vận động, thuyết phục để người dân thấy việc tham gia xét nghiệm không chỉ bảo vệ bản thân, gia đình mà còn cả cộng đồng. Chỉ khi test xong hết mới hy vọng nhanh trở lại trạng thái bình thường mới, chứ như thế này kéo dài phong tỏa khổ cho người dân, nhất là công nhân ở trọ.

Trong ngày 14/9, phường Tam Phước (TP Biên Hòa) đã huy động tối đa lực lượng, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ở trọ tại bốn tổ nguy cơ rất cao của khu phố Thiên Bình. Không chỉ lực lượng của địa phương căng mình làm việc, các nhân viên y tế được tăng cường cũng lấy mẫu xuyên trưa, thậm chí cả ban đêm.

Anh Trịnh Ngọc Dũng, Kỹ thuật viên trưởng thuộc Đoàn chi viện tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ tại phường Tam Phước cho biết: Dù mệt mỏi, căng thẳng do làm việc cường độ cao, liên tục giữa tâm dịch nhiều ngày qua nhưng hơn 20 thành viên trong đoàn đều nêu cao tinh thần trách nhiệm để hỗ trợ địa phương. Ngày nào chúng tôi cũng quyết tâm làm hết việc chứ không hết giờ để tách F0 ra khỏi cộng đồng càng sớm, càng tốt.

Chủ tịch UBND phường Tam Phước Võ Cao Cường cho biết, toàn phường có khoảng 60.000 dân, hơn 50% trong đó là công nhân lao động. Số ca dương tính tăng cao những ngày gần đây tập trung chủ yếu tại khu nhà trọ do điều kiện sinh hoạt quá chật chội, xảy ra lây nhiễm chéo. Chỉ qua test nhanh trong ngày 14/9 đã phát hiện 54 trường hợp dương tính ở các khu nhà trọ, nâng tổng số ca nhiễm tại phường Tam Phước lên gần 1.500 ca. Hiện, cả hệ thống chính trị của phường đang tập trung tầm soát để tách các F0, F1 đưa đi cách ly, điều trị. Sau đó, sẽ kiểm soát thật chặt từng nhà trọ, đồng thời thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.

Phường Trảng Dài, một trong những tâm dịch của TP Biên Hòa. Hai tháng qua, hơn 111 nghìn người dân, trong đó có nhiều công nhân ở trọ phải thực hiện phong tỏa để phòng, chống dịch. Theo Chủ tịch UBND phường Trảng Dài Võ Trường Hải, lực lượng chức năng thay đổi phương thức, không đồng loạt lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng như trước nữa mà làm từng dãy phòng trọ. Có nhiều nơi dù đã test đến bốn vòng nhưng nhận định tình hình nguy cơ còn rất cao nên vẫn phải tiếp tục tầm soát. Chị Nguyễn Thị Hiền, trọ ở tổ 2, khu phố 3 cho biết đây là lần thứ 5 chị được test, tất cả đều âm tính. Chị cũng đã được tiêm vắc-xin qua 15 ngày.

Cùng với TP Biên Hòa, những ngày qua, các huyện Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Trảng Bom cũng tầm soát tại các khu nhà trọ. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ đánh giá, qua sáu ngày tầm soát F0 trong khu nhà trọ đã phát hiện mỗi ngày hàng trăm ca nhiễm. Điều này chứng tỏ dịch đã nhiễm rất sâu vào các khu nhà trọ. Theo ông Vũ, những ngày qua, số ca dương tính đưa vào khu cách ly chiếm đến 80% được phát hiện ở các khu nhà trọ qua test nhanh. Sau khi đã tách nhiều F0, F1 ở các khu nhà trọ và giãn dân đã hạn chế lây nhiễm chéo, những ngày tới số ca nhiễm của tỉnh Đồng Nai sẽ giảm.

Tập trung dập dịch, giãn dân tại các khu nhà trọ -0
Đưa người đi cách ly sau khi test nhanh cho kết quả dương tính tại TP Biên Hòa.

Giãn dân trong các khu nhà trọ

Song song với tầm soát, tỉnh Đồng Nai giãn dân ở các khu nhà trọ. Dù việc này rất khó khăn, nhưng địa phương xác định buộc phải làm để dứt điểm dập được các ổ dịch, tiến tới khống chế dịch bệnh. Theo đó, huyện Trảng Bom lập khu giãn dân tạm ở xã Đồi 61 để hỗ trợ huyện Vĩnh Cửu; các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Thống Nhất hỗ trợ huyện Nhơn Trạch giãn 4.500 người dân ở các khu nhà trọ.

Bí thư Huyện ủy Cẩm Mỹ Từ Nam Thành cho biết, để hỗ trợ huyện Nhơn Trạch giãn dân ở các khu nhà trọ, huyện Cẩm Mỹ đã trưng dụng chín trường học làm nơi ở tạm cho 1.500 công nhân. Lực lượng chức năng hai huyện tham gia xây dựng nội quy, tiếp nhận người; việc điều hành hoạt động tại các khu này do lực lượng quân đội phụ trách có sự tăng cường của 100 cán bộ, học viên Trường quân sự Quân khu 7. Ngay trong ngày 15/9, huyện Cẩm Mỹ đã tiếp nhận hơn 500 người đợt đầu tiên. Trước khi vào các khu ở tạm này, người dân buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính. Quá trình lưu trú cũng sẽ test lại để kiểm tra, bảo đảm không để trường hợp nào mắc bệnh trong các khu giãn dân gây nguy cơ lây lan dịch bệnh ra huyện "vùng xanh" Cẩm Mỹ.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng yêu cầu các huyện, thành phố hỗ trợ nhau trong quá trình thực hiện giãn dân ở các khu nhà trọ, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm dịch từ các "vùng đỏ" sang "vùng xanh". Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho rằng, không phải đến khi dịch xảy ra như thời điểm này địa phương mới nghĩ đến giãn dân ở các phòng trọ, mà việc này đã được tính toán từ lâu, nhưng chưa thể làm. Sau đợt dịch này, tỉnh sẽ siết chặt quản lý các khu nhà trọ, dự án nào xây dựng khu nhà trọ công nhân phải có quy chuẩn rõ ràng, không thể để mật độ nhà trọ dày đặc ở các địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp, phòng ốc không bảo đảm các tiêu chí tối thiểu như hiện nay.