Thái Bình tăng cường phòng dịch Covid-19 trong các khu công nghiệp

NDO -

Tại các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình hiện có 213 dự án đã đi vào hoạt động, thu hút khoảng 74.000 lao động. Cơn bão Covid-19 hơn 2 năm qua, nhất đợt dịch “cao điểm” từ ngày 10/11 đến nay đã tác động mạnh đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Thái Bình chủ động xét nghiệm định kỳ cho công nhân lao động.
Doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Thái Bình chủ động xét nghiệm định kỳ cho công nhân lao động.

Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp, thuộc UBND tỉnh Thái Bình cho biết: Tính đến cuối tháng 11, có 9 doanh nghiệp phát hiện 85 ca nhiễm Covid-19, nhiều nhất là Công ty TNHH TAV, khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh (thành phố Thái Bình) có 73 ca F0. Tiếp đến là các nhà máy Tân Đệ 1, Tân Đệ 2, Tân Đệ 3, thuộc Công ty cổ phần sản xuất hàng thể thao, Chi nhánh Thái Bình với 4 ca F0. Các ca còn lại xuất hiện tại 7 doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp Phúc Khánh và khu công nghiệp sông Trà (thành phố Thái Bình); khu công nghiệp Gia Lễ (thuộc thành phố Thái Bình và huyện Đông Hưng) và khu công nghiệp Tiền Hải (huyện Tiền Hải).

Công ty TNHH TAV buộc phải dừng hoạt động từ sau đợt “cao điểm” dịch ngày 10/11 để thực hiện xét nghiệm diện rộng, bóc tách F0, kéo theo những thiệt hại về kinh tế. Kết quả xét nghiệm từ ngày 11/11 đến ngày 27/11 ở 275 lượt doanh nghiệp trong khu công nghiệp cho 75.835 lượt người, đã phát hiện 51 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.  

Trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh, hướng dẫn của cơ quan y tế, Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp đã tổ chức triển khai thực hiện đến các doanh nghiệp và yêu cầu chấn chỉnh kịp thời các “lỗ hổng” trong phòng, chống dịch, trong đó nhấn mạnh đến phương châm “4 tại chỗ”, doanh nghiệp không nên trông chờ, ỷ lại vào tỉnh.

Hiện nay, các nhà máy Tân Đệ 1, 2, 3; Công ty Fortress; Công ty Gateway; Công ty PoongShin; Công ty U-Li; Công ty  Texhong vẫn tiếp tục hoạt động sản xuất bảo đảm an toàn phòng dịch. Công ty TNHH TAV có 73 ca F0 xây dựng lộ trình dần hoạt động trở lại từ ngày 25/11 đến ngày 6/12 theo nguyên tắc lao động khu vực nguy cơ thấp trở lại nhà máy trước. Công ty Maxsteel từ ngày 27/11 đã có 50% số lao động trở lại làm việc. Riêng Công ty Thành Đô, khu công nghiệp Tiền Hải đến nay vẫn phải ngừng sản xuất để triển khai các biện pháp chống dịch.

Trưởng Phòng Quản lý Doanh nghiệp và Lao động (Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình) Nguyễn Doãn Chung cho biết: Tỉnh chưa có các khu nhà cho công nhân ăn, ở, sinh hoạt tập trung, người lao động phần lớn đi về trong ngày, sinh sống trong khu dân cư. Vì vậy, dịch lây lan diện rộng cũng có nguyên nhân do đối tượng này phát tán mầm bệnh, rồi lan sang khối trường học.

Trước đây, tỉnh Thái Bình chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hằng tuần xét nghiệm xác suất khoảng 1.000 lao động trong doanh nghiệp. Nhưng ông Chung xác nhận, hiện nay tỉnh không thực hiện công việc này nữa, bởi phía y tế không có đủ nhân lực để đi từng doanh nghiệp làm xét nghiệm định kỳ. Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình cũng không thể tập trung người lao động của nhiều doanh nghiệp để xét nghiệm, như vậy nguy cơ lây lan sẽ rất cao nếu không may phát hiện ca dương tính.

Vì vậy, các doanh nghiệp đã chủ động xét nghiệm bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Qua theo dõi, có một số đơn vị chuẩn bị khá tốt về vật tư và nhân lực để triển khai công việc quan trọng này, như Công ty may Texhong (khu công nghiệp Phúc Khánh) tự bỏ kinh phí mua 40 nghìn bộ xét nghiệm nhanh. Bên cạnh đó, huấn luyện đội ngũ hơn 40 người là công nhân để lấy mẫu tại chỗ cho người lao động đến làm việc.

Đối với việc kiểm soát lượng công nhân đi về trong ngày, Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình đã yêu cầu các doanh nghiệp phải tích cực tuyên truyền cho người lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch không chỉ ở nơi làm việc, mà ngay cả khi về nhà. Hạn chế tiếp xúc và quan trọng nhất vẫn là phải khai báo trung thực, kịp thời để có biện pháp ngăn chặn dịch lây lan diện rộng.

Để có môi trường an toàn dịch bệnh, ổn định sản xuất dịp cuối năm, nhiều doanh nghiệp có cách làm hiệu quả, đó là liên hệ chặt chẽ với địa bàn dân cư (nơi người lao động cư trú), đồng thời cập nhật nhanh các bản tin dịch do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cung cấp. Khi có ca F0 trong khu vực người lao động sinh sống, sẽ dễ dàng kiểm soát, theo dõi sát sao sức khỏe, thậm chí đề nghị công nhân đó tạm thời không đến doanh nghiệp làm việc.

Nhờ sự chủ động này, đã kịp thời phát hiện các ổ dịch khá phức tạp trên địa bàn tỉnh. Như tại Công ty Gateway, khu công nghiệp Gia Lễ, thông qua việc xét nghiệm đều đặn cho công nhân đã phát hiện ra ca F0 ở khu trọ xã Đông Mỹ. Từ đây, UBND thành phố Thái Bình mới điều tra ra nhóm 26 người tỉnh Ninh Thuận ra đây sinh sống, bán thuốc nam và nhiễm Covid-19 trong tháng 11 vừa qua.

Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình Phan Đình Dực cho biết: Ban Quản lý đang tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, nhất là việc thực hiện xét nghiệm định kỳ theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Cung cấp kịp thời danh sách thông tin người lao động tại doanh nghiệp đến các ngành, địa phương triển khai điều tra, truy vết. Chủ động phối hợp các ngành, UBND các huyện thành phố trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Tư vấn hỗ trợ đầu tư và dịch vụ khu công nghiệp, các Công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp cử lực lượng bảo vệ phối hợp các địa phương trong việc cách ly y tế, phong tỏa vùng dịch khi có yêu cầu.