Sách Việt cho người Việt ở nước ngoài

Thời gian qua, một số hoạt động giới thiệu sách Việt tới độc giả Việt Nam đang sinh sống và học tập ở nước ngoài, đã thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều người. Ông Dương Thành Truyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị NXB Trẻ đã chia sẻ về vấn đề này.

Cùng với TS Nguyễn Thụy Anh, giới thiệu tác phẩm “Cảm ơn người lớn” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và trao đổi về “Sách Việt cho người Việt” (tại một CLB Khiêu vũ, chợ Sa Pa, Praha (Cộng hòa Séc), ngày 1
Cùng với TS Nguyễn Thụy Anh, giới thiệu tác phẩm “Cảm ơn người lớn” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và trao đổi về “Sách Việt cho người Việt” (tại một CLB Khiêu vũ, chợ Sa Pa, Praha (Cộng hòa Séc), ngày 1

Phóng viên (PV): Ông có thể chia sẻ về chủ trương đưa sách Việt đến với độc giả Việt Nam ở nước ngoài của NXB?

Ông Dương Thành Truyền (DTT): Ngày 3-11 chúng tôi đã tổ chức ra mắt và giới thiệu tác phẩm “Cám ơn người lớn” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại chợ Đồng Xuân, Berlin (Đức). Sau đó, ngày 11-11, chúng tôi tiếp tục có buổi giới thiệu sách Việt tại chợ Sa Pa, Praha (Cộng hòa Séc). Đây là hoạt động nằm trong chuyến đi khảo sát và tìm kiếm cơ hội “Sách Việt cho người Việt” tại Đông Âu trong tháng 11 vừa qua.

Tại sao lại là Đông Âu? Theo chúng tôi, khu vực này đã hình thành những cộng đồng người Việt sống tập trung quanh một số thành phố với quy mô từ vài nghìn đến hơn chục nghìn người, có sự gần gũi về chính trị và tình cảm, hiện vẫn duy trì một sự kết nối tự nhiên xuyên biên giới gắn với những nhu cầu về đời sống tinh thần, tập quán kinh doanh, và hoạt động văn hóa vốn không có nhiều khác biệt.

PV: Qua quan sát cá nhân, ông thấy sự đón nhận của độc giả Việt tại Séc với hoạt động lần này như thế nào?

DTT: Chúng tôi đã đi qua Berlin, Leipzig, Munich, Stuttgart (Đức), Warszawa (Ba Lan), Budapest (Hungary), Praha (Cộng hòa Séc)…, đã gặp một số trí thức, doanh nhân, tác giả, dịch giả, nhà hoạt động văn hóa của cộng đồng người Việt… Và nhận ra rằng, đồng bào ta, tuy còn nhiều vất vả nhưng cuộc sống đã ổn định, và có thật một nhu cầu lớn về sách, đặc biệt là sách dành cho con em gốc Việt.

PV: Sách Việt đến với độc giả Việt ở nước ngoài còn là mong muốn của cả độc giả và tác giả, tuy nhiên để biến mong muốn này trở thành hiện thực thì không hề dễ dàng. Ông có thể chia sẻ những khó khăn lớn nhất trong việc triển khai việc làm ý nghĩa này?

DTT: Chúng ta hiện làm sách cho người Việt đang sống trên đất nước mình. Người Việt ở nước ngoài, với trình độ thông thạo ngôn ngữ và mức độ hội nhập khác nhau, trong bối cảnh văn hóa khác biệt của nước sở tại, tất nhiên có những nhu cầu rất khác về sách. Khó khăn lớn nhất chính là, nhận diện đúng nhu cầu, lựa chọn đúng đề tài, thể hiện phù hợp cả về hình thức lẫn nội dung… Việc này không thể tách rời quá trình cộng tác với các tác giả Việt đang sinh sống ở các nước trong quá trình tổ chức bản thảo.

PV: Từ nhiều năm trước, NXB Trẻ đã chủ động tổ chức chuyển ngữ và in sách văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài để phát hành trong và ngoài nước. Đến nay, việc làm này đã mang lại hiệu quả tích cực nào chưa, thưa ông?

DTT: Chúng tôi đã quan tâm đến công việc này, ít nhất cũng từ 15 năm trước. Hiện, đã có nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” (ba thứ tiếng Hàn Quốc, Thái-lan, Anh) , “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (Nhật Bản, Anh), “Mắt biếc” (Nhật), “Cô gái đến từ hôm qua” (Nga)… “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Ngọc Thuần đã được dịch bốn thứ tiếng (Thụy Điển, Anh, Hàn Quốc, Hungary). “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư - ba thứ tiếng (Hàn Quốc, Thụy Điển, Đức). Dương Thụy có năm tác phẩm in ra tiếng Anh: “Oxford yêu thương”, “Nhắm mắt thấy Paris”, “Cung đường vàng nắng”, “Chờ em đến San Francisco”, “Tôi nghĩ tôi thích nước Mỹ”. Lý Quý Chung, có “Bầu trời không chỉ có màu xanh” (Anh). Mới nhất, là “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương đã được dịch sang tiếng Hàn...

Số lượng chưa phải là nhiều, vấn đề là sự lựa chọn này sẽ giúp những người làm sách chúng ta dần nhận diện ra đâu là “công thức” cho những tác phẩm vừa rất Việt Nam, vừa rất… thế giới! Để có thể đầu tư lâu dài cho việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, trước hết bằng con đường văn học.

PV: Vậy các bước tiếp theo trong hành trình đưa sách Việt ra thế giới, không chỉ cho công chúng Việt mà còn hướng tới độc giả nước ngoài của NXB sẽ được triển khai như thế nào?

DTT: Cộng đồng người Việt tại nước ngoài thường tổ chức giao lưu với trong nước thông qua các hoạt động lễ hội, ẩm thực, ca nhạc, hoa hậu… Nay cần có thêm các hoạt động giới thiệu tác giả - tác phẩm: ra mắt sách, ký tặng sách, giao lưu về sách… trong sự chủ động của các NXB trong nước. Ngoài ra, có một hoạt động rất đáng nhận được sự ủng hộ từ trong nước: Trại hè “Vui cùng tiếng Việt” do các hội đoàn người Việt tại một số nước tổ chức hằng năm nhằm giữ gìn tiếng Việt cho con em gốc Việt.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!