"Tết giỗ Tổ", một phong tục đẹp ở Thanh Lãng

ND - "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm". Không biết câu ca ấy có tự bao giờ, nhưng đã từ lâu, nhân dân ta đã lấy ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là ngày giỗ các Vua Hùng - vị đức Tổ đã có công khai cơ lập quốc, đặt nền móng cho dân tộc Việt Nam trường tồn đến ngày nay.

Ðể tri ân, tưởng nhớ công lao vĩ đại của các vị đức Tổ Vua Hùng, từ xưa nhân dân xã Thanh Lãng (nay là thị trấn Thanh Lãng) thuộc huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) đã lấy ngày mồng 10 tháng 3 là ngày "Tết giỗ Tổ". Trong ngày này, con em đang đi làm ăn, học tập, công tác xa thường tranh thủ về thăm quê để cùng ăn "Tết giỗ Tổ" với cha mẹ, anh em và những người thân thích trong gia đình mình. Dù không tổ chức linh đình, rầm rộ như những ngày Tết Nguyên đán, nhưng bất kể giàu hay nghèo, vào ngày "Tết giỗ Tổ", gia đình nào cũng làm ít nhất một mâm cỗ thịnh soạn mang lên bàn thờ của gia đình để thắp hương cúng bái Tổ Tiên. Trước bàn thờ Tổ Tiên tại gia, người chủ lễ (thường là người lớn tuổi nhất trong gia đình như ông bà, bố mẹ hay người con trai trưởng) mặc quần áo chỉnh tề để khấn vái. Những điều khấn vái có thể bằng tiếng Hán Nôm hay bằng tiếng quốc ngữ, song đều có một nội dung chung là kính cẩn, long trọng mời anh linh của các Vua Hùng về chứng giám cho lòng thành kính của con cháu trong ngày "Tết giỗ Tổ", đồng thời kính mong anh linh các Vua Hùng đức độ phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu để nhà nhà được no ấm, xóm làng được yên vui và gia đình được an khang, mạnh khỏe, thịnh vượng quanh năm.

Dưới những làn khói hương thơm lan tỏa ở nơi thờ tự trang trọng, linh thiêng nhất của gia đình, người chủ lễ tay vái trước ngực, miệng lầm rầm khấn mà trong lòng cảm thấy xúc động khôn cùng. Cúi đầu trước vong linh Tổ Tiên, tâm hồn người chủ lễ như trở nên thanh thản, thư thái hơn vì bản thân và gia đình mình vừa làm được một việc hệ trọng - đó là cúng giỗ các Ðức Tổ Hùng Vương. Theo phong tục truyền thống của địa phương, khi những nén hương trên bàn thờ tắt khói, gia đình mới mang mâm cỗ trên bàn thờ xuống, sau đó cả nhà cùng quây quần bên nhau để ăn cỗ. Khi ngồi quanh mâm, nếu ai uống rượu thì đều uống từ tốn, đúng mực, điều độ để không quá chén. Vì người dân quan niệm rằng, ngày "Tết giỗ Tổ" vốn rất thiêng liêng, không ai được uống rượu quá đà mà ảnh hưởng đến sức khỏe và làm giảm ý nghĩa của cuộc hội tụ thân thiết của cả gia đình.

"Tết giỗ Tổ" ở Thanh Lãng không chỉ là ngày ông bà, bố mẹ, con cháu, anh em trong gia đình được đoàn tụ, sum vầy vui vẻ bên nhau, mà đó còn là ngày nhắc nhở mọi người từ lớn đến bé, từ già đến trẻ luôn khắc cốt, ghi tâm đạo lý và truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc ta. Trong khi ở rất nhiều nơi trên đất nước ta chỉ cúng và ăn Tết hàn thực vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch - ngày Tết có xuất xứ từ Trung Quốc du nhập vào nước ta từ xa xưa, thì việc người dân Thanh Lãng cúng và ăn Tết vào đúng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương là một nét đẹp văn hóa truyền thống rất đáng ghi nhận và trân trọng. Vì thế, có người gọi đó là một "Cái Tết mang đậm tâm hồn Việt, tính cách Việt". Hiện nay, tuy cuộc sống đã có nhiều thay đổi, xã hội hiện đại đã khác xa xã hội nông nghiệp cổ truyền, song với người dân Thanh Lãng, "Tết giỗ Tổ" mồng 10 tháng 3 vẫn là một ngày hướng thiện, ngày trở về cội nguồn để mọi người tìm thấy ở đó sự đùm bọc, chở che, nương tựa vào nhau, biết yêu thương, chia ngọt sẻ bùi với nhau, cùng động viên và nhắc nhở nhau luôn vững chí bền gan trong cuộc sống và trên mọi nẻo đường, biết noi gương Tổ Tiên và tiếp bước ông cha để xây đời lập nghiệp, góp phần xây dựng truyền thống gia đình, dòng họ vẻ vang và quê hương ngày càng giàu đẹp. Như mạch nguồn chảy mãi, thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia, ngày "Tết giỗ Tổ" luôn được giữ gìn, trân trọng, nâng niu và trở thành một mỹ tục của nhân dân nơi đây và là niềm thương nỗi nhớ trong ký ức, tâm khảm của mỗi người con sinh ra và lớn lên trên quê hương Thanh Lãng anh hùng.